Bài toán vốn cho cao tốc; Gỡ vướng dự án BĐS; Vụ người chết vẫn ký xác nhận đất; 230.000 tỷ chống Covid-19 tiêu thế nào?

Cấp bách giải bài toán vốn đầu tư cho hệ thống cao tốc

(Ảnh minh họa).

Những nghiên cứu, thống kê của cơ quan chức năng lẫn các định chế tài chính gần đây cho thấy thiệt hại do công trình đầu tư bị kéo dài là rất lớn. Ngoài việc chi phí tăng thêm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, nó còn làm giảm hiệu quả đầu tư và kéo dài thời gian hoàn vốn. Hơn nữa, thiệt hại không chỉ gói gọn trong mỗi dự án, mà còn tác động đến cả nền kinh tế qua việc góp phần làm tăng lạm phát.

Hậu quả tích tụ từ việc đầu tư dàn trải, kéo dài từ những năm trước để lại đã phần nào dẫn đến tốc độ tăng lạm phát cao vào năm ngoái và trong những tháng đầu năm nay. Ngoài ra, tình trạng một loạt dự án lớn bị chậm trễ, trong đó có các tuyến cao tốc, dẫn đến tăng chi phí xã hội và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế.

Các cao tốc mới được đưa vào sử dụng như Vĩnh Hảo – Phan Thiết (100 km) và Nha Trang – Cam Lâm (49 km), Mai Sơn – quốc lộ 45 (63 km) và Phan Thiết – Dầu Giây (99 km) cho thấy bức tranh toàn cảnh giao thông ngày càng khởi sắc, phục vụ phát triển kinh tế.

Đường bộ là phương thức linh hoạt và hiệu quả vừa hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác. Dự án cao tốc giúp liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới, hành lang kinh tế “đại lộ sinh đại phú”. Đây còn là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông bấy lâu nay và phát triển công nghiệp với các dịch vụ, thu hút đầu tư, khai thác du lịch các địa phương có dự án đi qua kéo theo các lĩnh vực khác.

Càng làm chậm, chi phí phát sinh càng cao

Dự kiến giai đoạn từ 2026-2030, tiếp tục đầu tư hoàn thành đến 637 km cao tốc với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỉ đồng gồm các dự án An Hữu – Trà Vinh, Trà Vinh – Hồng Ngự, Đức Hòa – Mỹ An, Chơn Thành – Đức Hòa, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, cầu Cần Thơ 2.

Các dự án lớn như cao tốc làm càng sớm càng lợi, chậm đầu tư không chỉ mất đi cơ hội phát triển mà còn tăng chi phí. Như tổng mức đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được cập nhật mới là 15.900 tỉ đồng, tăng 2.286 tỉ đồng so với dự tính lần trước (13.614 tỉ đồng) và tăng gần 5.200 tỉ đồng so với lần tính hồi năm 2019 (10.700 tỉ đồng). Chỉ trong vòng 3 năm đã tăng gấp rưỡi, cả nước còn nhiều dự án cao tốc chưa đầu tư vì thiếu vốn.

Những dự án cao tốc đang triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng giúp nước ta có hơn 2.000 km. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc, cần đầu tư khoảng 813.000 tỉ đồng. Như vậy, yêu cầu vốn đầu tư cho cao tốc là rất lớn.

Nước ta có nhu cầu ngày càng cao, tiềm năng rất lớn thu hút đầu tư cao tốc, có đến 100 triệu dân nhưng sở hữu chưa tới 5 triệu ô tô. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu nhập và đời sống người dân ngày càng cao, sự ra đời nhiều doanh nghiệp trong ngoài nước đầu tư sản xuất và lắp ráp các loại ô tô.

Chưa kể những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đã có lộ trình hạn chế xe máy, càng khiến tăng đột biến lượng ô tô. Chắn chắn tương lai không xa, nhu cầu phương tiện đi lại càng tăng cao, có thể lên đến hàng chục triệu ô tô.

Dự án cao tốc được kỳ vọng hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch và kết nối liên vùng, mở ra hướng mới phát triển không gian đô thị, hình thành nhiều quỹ đất lớn để khai thác tạo nguồn lực tái đầu tư “con gà cao sản đẻ trứng vàng”.

Nhà nước với vai trò quản lý và điều hành có thể khai thác các quỹ đất mà nhất là đất công nơi các dự án cao tốc đi qua để tổ chức đấu giá theo quy định cũng là cách thức chuyển thành tiền tái đầu tư cho các dự án cao tốc. Các quỹ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp dọc cao tốc khi quy hoạch chuyển sang đất ở, công nghiệp, dịch vụ có cơ sở hạ tầng tạo ra giá trị rất lớn.

Ngoài ra, có thể thực hiện theo phương thức nhượng quyền, đấu thầu ủy thác cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khai thác quỹ đất xây dựng kinh doanh khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Nhà nước giữ vai trò hiện đại hóa sâu rộng mạng lưới cao tốc, định hướng phát triển kinh tế tạo việc làm và có lợi nhuận cho các thành phần tham gia thông qua chính sách thuế phí.

Tất nhiên việc bồi thường phải theo sát thực tế, phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường tại cùng một thời điểm. Mức giá bồi thường cùng khu vực đồng đều như nhau không phân biệt dự án công ích, công cộng, giao thông hay đầu tư kinh doanh bất động sản, địa ốc, nhà ở.

Luật PPP hiện được cho là giúp phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng quy định hạn mức vốn nhà nước tham gia không được phép quá 50% tổng mức đầu tư, còn lại nhà đầu tư phải thu xếp. Nhà đầu tư khó đáp ứng bởi làm cao tốc có vốn lớn, lo sợ rủi ro sụt giảm doanh thu như đã từng xảy ra với những dự án khai thác không đủ trả lãi vay và phát sinh các trở ngại.

Nên chăng có chính sách linh hoạt nhằm khuyến khích xã hội hóa cao tốc, cho phép huy động vốn theo phân kỳ đầu tư, tăng vốn nhà nước tham gia dự án, tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư huy động vốn bằng nhiều hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu dự án.

Có chính sách hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro bù chéo cho những dự án khai thác bị sụt giảm doanh thu. Kết nối liên hoàn xem như trong một hệ thống tổng thể, đoàn nào làm xong đưa vào sử dụng dù đã hoàn vốn vẫn tiếp tục gia hạn thu phí trả nợ cho các đoạn khác thua lỗ.

Tăng bảo lãnh doanh thu cho các dự án có suất đầu tư cao, thu hồi vốn kéo dài để nhà đầu tư yên tâm tham gia. BOT là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển huy động vốn, công nghệ hoàn thiện hạ tầng giao thông, Hàn Quốc đã thu hút nguồn lực bên ngoài và tư nhân phục vụ phát triển hạ tầng giao thông cao tốc bắt đầu áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án do Nhà nước đề xuất (bảo lãnh 90% doanh thu) và dự án do nhà đầu tư đề xuất (80% doanh thu), sau đó giảm dần và dừng áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, lúc này đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông trong đó có cao tốc.

Cần tham khảo cách làm cao tốc từ các nước

Hầu hết các nước phát triển trên thế giới nhờ đột phá cơ chế, trưng mua theo giá thị trường và cưỡng chế hành chính thông qua pháp luật thu hồi đất làm dự án cao tốc, xã hội hóa thu hút đầu tư để nhanh chóng có hệ thống cao tốc hoàn thiện. Có thể gọi đó là những đại lộ huyền thoại, biểu tượng cho phát triển và hành trình công nghiệp hiện đại hóa đất nước.

Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và nhiều nước phát triển khác ban hành pháp luật ưu tiên, cơ chế hoạt động riêng và hình thành nhiều doanh nghiệp đầu tư thu xếp vốn cho dự án, giảm lãi suất khoản vay đầu tư cho cao tốc từ các ngân hàng thuộc Chính phủ.

Mỹ tiến hành quy hoạch, sở hữu và chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và tổ chức đấu thầu là chính quyền. Tư nhân tham gia chịu trách nhiệm trong việc khai thác, bảo trì, thu phí và vận hành có lợi nhuận.

Nhật Bản tập trung xây dựng hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc rộng khắp trong thời gian không quá lâu cũng nhờ xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia còn hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế phí, phát hành trái phiếu được Chính phủ nước này đã đứng ra bảo lãnh, khai thác các dịch vụ kinh doanh khác như trạm dừng trên cao tốc.

Trung Quốc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo phương châm: “muốn làm giàu phải làm đường trước” và “đường nhỏ giàu nhỏ, đường to giàu to, đường bộ cao tốc giàu nhanh”, “đường bộ cao tốc là sản phẩm tất yếu của phát triển kinh tế”, “đường bộ cao tốc là nhịp cầu tiến tới hiện đại hóa của một quốc gia” để nhấn mạnh vai trò sứ mệnh hệ thống đường bộ cao tốc trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển.

Nhờ chính sách quyết liệt đầu tư vào cao tốc, Trung Quốc có tốc độ phát triển đường bộ cao tốc thần kỳ. Năm 1998, có khoảng gần 9.000 km, đứng thứ sáu thế giới. Hơn một năm sau có khoảng 16.000 km, đứng thứ ba thế giới. Đến năm 2010 là 104.400 km và đến năm 2020 lên 168.100 km cao nhất thế giới.

(Nguồn: The Saigon Times)

Gỡ vướng dự án bất động sản

Các sở, ngành và đơn vị liên quan đã báo cáo kết quả giải quyết 189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản tại TP HCM

Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo UBND TP HCM trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp (DN) về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội do Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tổng hợp. Theo đó, HoREA có 5 văn bản tổng hợp 189 kiến nghị của các DN đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 148 dự án bất động sản.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư có 38 kiến nghị liên quan 27 dự án và đã có 29 văn bản trả lời; Sở Xây dựng có 20 kiến nghị liên quan 20 dự án, đã có 17 văn bản trả lời; Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) có 21 kiến nghị liên quan 21 dự án và đã có 13 văn bản trả lời; Sở Giao thông Vận tải có 3 kiến nghị liên quan tới 3 dự án và đã có 2 văn bản trả lời; Cục Thuế TP HCM đã có văn bản trả lời 4/4 kiến nghị liên quan 4 dự án; Ban Quản lý Khu Nam có 1 kiến nghị và đã có văn bản trả lời; Chi cục Tài chính DN có 1 kiến nghị và đã có văn bản trả lời.

Từ những kết quả trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM giao trách nhiệm cho từng sở, ngành giải quyết kiến nghị theo kết quả phân nhóm cho đến khi các kiến nghị, vướng mắc được tháo gỡ và không chuyển cho các sở, ngành khác giải quyết vướng mắc.

Đối với các kiến nghị, vướng mắc của các dự án thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của sở, ngành thì từng cơ quan đó phải chủ động làm việc với chủ đầu tư để hướng dẫn hoàn tất hồ sơ và thủ tục đầu tư theo quy định hoặc chủ trì cùng các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc. Trường hợp các sở, ngành không phối hợp giải quyết cần có văn bản báo cáo UBND TP HCM.

Theo Sở Xây dựng, còn hàng chục dự án mới phát sinh vướng mắc nằm ngoài danh sách 148 dự án nêu trên đang thiếu thông tin kiến nghị, vướng mắc cụ thể. Cơ quan này sẽ làm việc với HoREA để tiếp tục làm rõ để tổng hợp, phân nhóm vướng mắc và báo cáo UBND TP HCM.

Đã gỡ cho 9 dự án vướng pháp lý

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) là đơn vị gửi tiến độ giải quyết kiến nghị sau cùng về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM. Trong 101 kiến nghị liên quan đến 96 dự án, sở này đã hoàn thành giải quyết 10 kiến nghị liên quan tới 9 dự án, 7 kiến nghị đang tạm dừng giải quyết, 2 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện tại và 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm của sở này.

Trong nhóm 7 dự án tạm dừng thì dự án Diamond Lotus Lake View (quận Tân Phú) và dự án khu phức hợp dân cư và thương mại Thắng Lợi (quận Tân Phú) sẽ được xem xét giải quyết sau khi có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 vì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.

Trong khi đó, Công ty CP Địa ốc Thảo Điền kiến nghị UBND TP HCM ban hành quyết định giao đất đối với dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý, TP Thủ Đức. Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam cũng đề nghị giao đất đối với dự án khu nhà ở Him Lam. Sở TN-MT cho biết cả 2 dự án đều nằm trong dự án hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, TP Thủ Đức do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Dự án hạ tầng kỹ thuật chính này, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an TP đang thụ lý, chưa có kết luận điều tra.

Từ kết quả trên, HoREA đề nghị Sở TN-MT khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức để xem xét giải quyết tiếp 73 kiến nghị của hiệp hội để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hướng ra cho 21 dự án vướng quy hoạch

Liên quan tới 21 dự án thuộc thẩm quyền của Sở QH-KT TP HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc sở, cho hay phần lớn các dự án này gặp vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Trước đây, Sở QH-KT đã có công văn gửi các địa phương để hướng dẫn và thực hiện các công việc theo chức năng, thậm chí có dự án mà sở này đã có công văn gửi mười mấy năm trước.

Theo đó, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Thuận, quận 7. Năm 2009, Sở QH-KT đã có công văn gửi UBND quận 7 hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Trong đó, Sở QH-KT đề nghị quận 7 xác nhận nhu cầu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 (thay đổi phương án tổng mặt bằng phân khu chức năng). UBND quận 7 đã rà soát quy hoạch đô thị, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định, chuyển thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Sở QH-KT cũng đã hướng dẫn cho DN nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ. Như Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn kiến nghị cho điều chỉnh quy hoạch thành chung cư cao tầng tại dự án Khu nhà ở cán bộ nhân viên Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, Sở QH-KT đã thẩm định, hướng dẫn hồ sơ 3 lần (lần gần nhất tháng 11-2020). Tuy nhiên, hồ sơ điều chỉnh vẫn chưa đạt chỉ tiêu cây xanh và hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Vì vậy, lần này Sở QH-KT tiếp tục đề nghị khẩn trương chỉnh sửa bổ sung.

Công ty CP Bất động sản nghỉ dưỡng Sài Gòn Garden kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 (theo hướng nâng tỉ lệ đất ở lên tối thiểu 20%, tăng mật độ, tăng quy mô dân số) tại vị trí dự án Khu đất 29,6 ha phường Long Phước, TP Thủ Đức. Sở QH-KT đã có công văn báo cáo UBND TP và đề xuất UBND TP tạm thời chưa chấp thuận đề nghị điều chỉnh của DN này.

Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7. Tháng 7-2022, Sở QH-KT đã có công văn gửi UBND quận 7 hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. UBND quận sau đó đã tiến hành rà soát quy hoạch đô thị, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định, chuyển thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Về sai phạm công trình có dự án chung cư 1-2 cụm I thuộc Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, năm 2020, Sở QH-KT đã có công văn về rà soát, đôn đốc xử lý các sai phạm công trình này theo chỉ đạo của UBND TP (khu này chưa có quy hoạch 1/2.000). Tuy nhiên, đến nay Sở QH-KT vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị góp ý liên quan điều chỉnh quy hoạch của Ban Quản lý Khu Nam.

Trong khi đó, Công ty TNHH Gotec Việt Nam kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ tại phường Tân Thuận Đông, quận 7. Sở QH-KT đã có tờ trình UBND TP vào giữa năm 2022, thẩm định đạt. Dự án này Sở TN-MT báo cáo, đề xuất liên quan đất đai.

Nguy cơ phá sản vì cái tên

Trong các dự án vướng mắc, Công ty CP Xây dựng Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5) đang rơi vào tình trạng rất khó khăn và có nguy cơ phá sản nếu dự án Khu thương mại dịch vụ căn hộ Bình Đăng (Quốc lộ 50, quận 8) không được gỡ vướng. Dự án này thuộc diện rà soát pháp lý liên quan đất công.

Dự án này được công ty triển khai từ thời còn là DN 100% vốn nhà nước, với tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH MTV Xây dựng Sài Gòn 5. Năm 2016, công ty cổ phần hóa, bán 0,23% vốn cho cán bộ nhân viên, cổ đông ngoài, còn 99,78% vốn vẫn của nhà nước quản lý và đổi tên thành như hiện nay.

Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành 2 tầng hầm, phần móng, chuẩn bị xây phần thân và tiến hành mở bán thì không được Sở Xây dựng cấp phép mở bán với lý do: "Để cấp phép xây dựng phần thân, cho phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai thì công ty phải cập nhật tên mới là (công ty cổ phần) trên giấy chứng nhận của dự án".

Tuy nhiên, để cập nhật dự án theo tên mới, công ty phải quyết toán phần vốn nhà nước tại DN nhưng từ đó đến nay gần 7 năm, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Dự án đình trệ suốt nhiều năm và trở nên hoang tàn. "Bi đát nhất là công ty hiện đã mất tính thanh khoản, không tiền trả nợ gốc và lãi ngân hàng, bị chuyển thành nợ xấu. Công ty cũng không có tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên và đang đối diện khả năng ngưng hoạt động. Nguy cơ phá sản, mất vốn của nhà nước tại DN là 360 tỉ đồng định giá lúc cổ phần hóa. Đây là thực tế rất đau lòng" - một lãnh đạo Công ty Sài Gòn 5 cho biết.

(Nguồn: Người Lao Động)

Sắp xét xử vụ người đã chết vẫn ký xác nhận đất đai ở Hà Nội

(Ảnh minh họa).

Dù cơ quan Thanh tra TP và UBND TP Hà Nội đã có các kết luận chỉ rõ các sai phạm trong việc cấp "sổ đỏ" và cấp giấy phép xây dựng, xây dựng sai phép tại số 27A Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa), nhưng đến nay hơn 3 năm những sai phạm theo kết luận chưa được xử lý buộc người dân khởi kiện ra tòa. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thụ lý và có Quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai vào sáng 29/5.

Xét xử công khai vụ án "sổ đỏ" cấp sai, người chết vẫn ký xác nhận

Liên quan đến vụ “Chuyện lạ giữa Thủ đô- Người chết vẫn ký xác nhận nguồn gốc nhà đất” mà báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh thời gian qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa có Quyết định đưa ra xét xử vụ án về yêu cầu hủy một phần Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 26/6/2006 của UBND quận Đống Đa và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) số AB 832925 mà UBND quận Đống Đa đã cấp ngày 26/6/2006 tại số nhà 27A Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo Quyết định trên, người khởi kiện là một số công dân thuộc tổ 18, phường Ô Chợ Dừa còn người bị kiện là UBND quận Đống Đa. Vụ án được đưa ra xét xử công khai vào sáng 29/5, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là ông Trương Thành Trung.

Trao đổi với PV, ông Lã Ngọc Loan (người khởi kiện) – đại diện người dân tại tổ 18, phường Ô Chợ Dừa cho biết, tại Kết luận nội dung tố cáo số 31 ngày 29/4/2020 và Kết luận nội dung tố cáo số 127 ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ việc UBND quận Đống Đa có sai phạm trong việc ra Quyết định số 2363 để từ đó cấp "sổ đỏ" sai diện tích sử dụng đất tại số 27A Đê La Thành dẫn đến tình trạng đất lưu không bị lấn chiếm, đường cống chung của các hộ dân liền kề nằm trên phần đất lưu không bị hủy hoại, đời sống của 12 hộ dân khốn khổ suốt hơn 7 năm qua (từ tháng 4/2016 đến nay – PV) vì không có đường cống thoát nước, nước thải dồn ứ dềnh ngập mỗi khi có mưa lớn…

Công văn 6788 của Sở TN&MT Hà Nội ngày 5/8/2020, đã hướng dẫn việc thu hồi "sổ đỏ" đã cấp tại số 27A Đê La Thành như sau: “…Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nhưng đã thực hiện chuyển quyền theo quy định của pháp luật đất đai thì việc xử lý thiệt hại do việc cấp giấy chứng nhận gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân…”.

“Căn cứ quy định của pháp luật, chúng tôi làm đơn khởi kiện UBND quận Đống Đa đến Tòa án TP Hà Nội do có sai phạm nghiêm trọng trong quyết định cấp "sổ đỏ" tại số 27A Đê La Thành để tòa xem xét hủy bỏ phần nội dung sai phạm tại quyết định 2363 và tuyên hủy "sổ đỏ" được cấp từ phần sai phạm trên”, ông Loan nói.

Cấp "sổ đỏ" và 2 lần cấp GPXD sai nhưng chưa được xử lý

Trước đó, UBND TP Hà Nội có Kết luận số 127, kết luận nội dung tố cáo của công dân liên quan đến những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng (GPXD) tại số 27A Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Theo đó, các nội dung tố cáo của công dân là đúng.

Kết luận của UBND TP nêu rõ: Theo nội dung tố cáo công dân không đồng tình với Kết luận số 1555/KL-UBND (ngày 29/8/2019) của Chủ tịch UBND quận Đống Đa và tiếp tục tố cáo Phòng Quản lý đô thị tham mưu sai trong việc cấp các GPXD số 170097 (ngày 13/2/2017) và GPXD số 190060 (ngày 15/2/2019) là trái quy định của pháp luật, hợp thức hóa việc ông Lê Hữu Hùng xây dựng chèn đè lên phần đất có hạ tầng, hủy hoại hạ tầng thoát nước của 12 hộ dân, biến cống chung của xóm phố thành cống riêng.

Kết quả xác minh của Thanh tra TP Hà Nội cho thấy, năm 2016 ông Hùng tự ý phá dỡ nhà cũ để xây nhà mới, vi phạm Luật Xây dựng năm 2014. Khi ông Hùng phá dỡ nhà cũ đã phát sinh đơn thư của các hộ gia đình xung quanh gửi UBND phường Ô Chợ Dừa, liên quan đến việc hộ này đã phá dỡ đường cống thoát nước của khu dân cư; yêu cầu ông Hùng phải khôi phục, hoàn trả lại hệ thống cống thoát nước chung của khu dân cư và điều chỉnh phần diện tích cống thoát nước trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Hùng.

"Việc Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa khi kiểm tra hiện trạng, phục vụ cấp GPXD theo đề nghị của gia đình ông Hùng ngày 20/1/2017 đã không phát hiện đường cống thoát nước và không phát hiện việc các hộ dân đang có đơn thư mà vẫn tham mưu UBND quận ký cấp GPXD số 170097 ngày 13/2/2017 là thiếu thận trọng dẫn đến bức xúc của các hộ dân", Kết luận nêu rõ.

Sau khi được cấp phép, ông Hùng đã xây dựng sai so với GPXD được cấp, thay đổi về vị trí và diện tích xây dựng. Ngày 28/1/2019, ông Hùng đã nộp đơn đề nghị điều chỉnh GPXD. Điều đáng nói, trong lúc cống thoát nước của các hộ dân chưa được giải quyết, Phòng Quản lý đô thị tiếp tục tham mưu UBND quận Đống Đa để cấp GPXD điều chỉnh số 190060 ngày 15/2/2019, trong đó yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép triển khai thi công xây dựng hạng mục nhà ở sau khi hoàn thành thi công phần hệ thống thoát nước được UBND phường, Xí nghiệp Thoát nước số 4 tổ chức nghiệm thu.

Tuy nhiên, ông Hùng đã thi công hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, trong khi hệ thống thoát nước chưa được hoàn thành, nghiệm thu là không thực hiện đúng GPXD, dẫn đến khiếu kiện bức xúc của các hộ dân, gây phức tạp tình hình.

“Trách nhiệm trước hết thuộc về phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa trong việc tham mưu cấp GPXD; Đội quản lý trật tự xây dựng quận Đống Đa, UBND phường Ô Chợ Dừa trong việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng”, Kết luận chỉ rõ.

Kết quả xác minh cũng chỉ ra, tại Kết luận số 1555 Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã kết luận các sai phạm trong quá trình cấp sổ đỏ. “Tuy nhiên Phòng TN&MT khi kiểm tra, rà soát việc cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành vẫn có Văn bản số 28 khẳng định việc cấp sổ đỏ trên là đúng quy định tại thời điểm cấp sổ đỏ là thiếu kiểm tra, xem xét; không phát hiện ra các sai phạm trong quá trình cấp sổ đỏ. Trách nhiệm thuộc về Phòng TNMT quận Đống Đa”, Kết luận nêu rõ.

UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Đống Đa tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có vi phạm đã nêu tại các kết luận trên. Đặc biệt, khẩn trương xây dựng phương án đảm bảo có rãnh thoát nước cho các hộ dân tại tổ 18.

Tuy nhiên, theo người dân đến nay hơn 3 năm những sai phạm vẫn chưa được xử lý, người dân phải sống trong khốn khổ khi hàng ngày phải tích nước thải hoặc xả, đổ tràn ra mặt đường trước nhà vì không có đường ống thoát nước thải.

Theo Kết luận số 1555 của UBND quận Đống Đa về nội dung tố cáo của người dân đối với ông Phạm Văn Viên – Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, thời điểm năm 2006 ông này làm cán bộ địa chính phường để xảy ra sai sót chưa tiến hành đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật khi lập hồ sơ, xét duyệt cấp “sổ đỏ” tại 27A Đê La Thành.

UBND quận Đống Đa đã yêu cầu kiểm điểm xem xét trách nhiệm của ông Phạm Văn Viên - Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa khi còn là cán bộ địa chính để xảy ra sai sót trong quá trình cấp sổ đỏ tại 27A Đê La Thành. Sau đó, ông Phạm Văn Viên đã thôi làm Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa và được điều chuyển làm nhân viên ở một phòng ban UBND quận Đống Đa. Tuy nhiên, mới đây năm 2022 ông Phạm Văn Viên Viên lại được bổ nhiệm làm Đội phó Đội Thanh tra xây dựng tại huyện Thanh Trì-Hà Nội.

(Nguồn: CafeF)

230 nghìn tỷ huy động chống dịch Covid-19 được tiêu thế nào?

Đoàn giám sát vừa báo cáo Quốc hội kết quả giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Huy động được 230 nghìn tỷ

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách an sinh xã hội do cơ quan nhà nước các cấp huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230 nghìn tỷ đồng.

Nguồn lực huy động chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Trong 3 năm, đã huy động từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác phòng, chống dịch là 186,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn huy động từ các nguồn khác hơn 43,6 nghìn tỷ như viện trợ nước ngoài, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, đóng góp của ngân sách địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp...

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội XV đánh giá: Tại thời điểm dịch bùng phát dịch, việc cân đối, huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn do nhu cầu về nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn.

Ở nhiều địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí bảo đảm, nhất là ở các tỉnh, thành phố chưa cân đối được ngân sách, có nguồn thu thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Một số địa phương cân đối ngân sách như TP.HCM, Đồng Nai… cũng gặp khó khăn, thiếu nguồn kinh phí trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh.

Đoàn giám sát cũng liệt kê các khoản chi tiêu nguồn tiền huy động.

Trước hết, kinh phí hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng, trong đó, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng kinh phí hỗ trợ.

Đến ngày 31/12/2022, kinh phí đã sử dụng để mua vắc-xin phòng Covid-19 là 15.134,76 tỷ đồng với 102.383.206 liều, trong đó: ngân sách nhà nước là 7.467,18 tỷ đồng; Quỹ vắc-xin là 7.667,58 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại chưa sử dụng là 262,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 137,3 tỷ đồng, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là 125,2 tỷ đồng. Bộ Y tế đã thực hiện nộp trả ngân sách nhà nước và hoàn trả quỹ theo quy định.

Kinh phí mua sắm kít xét nghiệm 2.593 tỷ đồng, thu phí dịch vụ xét nghiệm là 534,7 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ kít xét nghiệm) là 5.291 tỷ đồng...

Ngoài ra, còn nhiều khoản chi khác trong quá trình phòng chống dịch Covid-19.

Nhiều vụ việc vi phạm

Ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương

án hoàn trả,... hoặc thiếu thông tin chi tiết, chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao, với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ.

Đoàn giám sát cũng lưu ý việc có nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kít xét nghiệm.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong hai năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kít xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị lên tới 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Đoàn giám sát chỉ ra nhiều vi phạm trong mua sắm. Danh mục đề xuất mua sắm đưa ra số lượng nhưng không thuyết minh được cách tính; hồ sơ mua sắm chưa thể hiện yêu cầu về công nghệ, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, nhà sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng. Một số gói thầu mua sắm không có quyết định phê duyệt dự toán; không thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Một số gói thầu hợp đồng được ký nhưng không có bảo đảm thực hiện hợp đồng, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình mua sắm. Nhiều trường hợp ứng, vay trước hàng hóa (kít xét nghiệm, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm) của nhà thầu cung cấp, sau đó đấu thầu để trả lại hàng hoặc hoàn thiện hồ sơ để thanh toán, không đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ngổn ngang việc quyết toán sau đại dịch

Đoàn giám sát chỉ ra khó khăn trong việc quyết toán kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến.

Cụ thể, trong phòng, chống dịch, một số nhiệm vụ phải thực hiện gấp rút như xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân có tính chất đầu tư nhưng lại được sử dụng từ nguồn chi thường xuyên hoặc nguồn dự phòng ngân sách, không đảm bảo cho công tác thanh toán, quyết toán. Đến thời điểm giám sát, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc thành lập trạm y tế lưu động và bệnh viện dã chiến thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa có hướng dẫn về việc giải thể, xử lý tài sản khi giải thể, gây khó khăn cho các địa phương.

Trong chi chế độ phòng, chống dịch cho đối tượng tham gia phòng, chống dịch, đoàn giám sát cũng chỉ ra còn có các sai sót, như trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định; chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch , kinh phí cho các đoàn công tác hỗ trợ địa phương.

Một số nhiệm vụ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch thực tế phát sinh và được các đơn vị đề nghị chi từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng đến nay các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn nên chưa có hướng giải quyết, cụ thể.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang