.jpg)
LẠI XUẤT HIỆN BÃI RÁC BÁNH KẸO KHỔNG LỒ TẠI LA PHÙ
Số lượng lớn bánh kẹo, thực phẩm còn nguyên gói với dòng chữ Trung Quốc in phía ngoài bao bì bị người dân đổ bỏ tại một bãi rác ở xã La Phù (Hoài Đức).
Sáng 7/6, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại bãi rác thuộc khu công nghiệp La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội), bánh kẹo được đổ thành đống cùng với rác thải.
Cùng với việc kinh doanh có phần trầm lắng trong đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, thì một bãi rác bánh kẹo và đồ ăn nhanh hết hạn sử dụng cũng 'lầm lũi' mọc lên.
Thực phẩm bị đổ bỏ tại bãi rác là các loại bánh kẹo, hạt, hoa quả sấy, thạch,... đã hết hạn sử dụng từ năm 2024.
Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo và dệt kim nên số lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Trước Tết Nguyên đán 2025, xã La Phù đã gặp trường hợp vứt xả bánh kẹo tương tự.
Đa số hàng hóa bị đổ tại bãi rác này có bao bì tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Nhiều sản phẩm có bao bì nhái lại các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng trong nước.
Bà Hương, công nhân vệ sinh môi trường tại khu vực cho biết, khoảng một tuần nay, rất nhiều rác thải được tập kết tại đây, trong đó đa phần là bánh kẹo. "Hôm nay số rác thải là bánh kẹo đã được vận chuyển bớt rồi, chứ 2-3 hôm trước thì còn nhiều nữa", ông Hương chia sẻ.
Thông tin về việc việc quản lý các hộ kinh doanh tại địa phương, đại diện UBND xã La Phù cho biết, thời gian gần đây, UBND xã thường xuyên phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Hoài Đức gồm Đội Quản lý thị trường cùng các cơ quan ban ngành của thành phố Hà Nội tiến hành các đợt kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn liên quan đến vấn đề thuế và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Hiện, địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân kê khai thuế, hướng dẫn lập hóa đơn điện tử, đồng thời phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
KINH HOÀNG: 10.000 CON GÀ ĐỘT NGỘT CHẾT NGẠT, TRĂM NGƯỜI GIÚP CHỦ TRẠI LÀM THỊT
Sự cố chập điện khiến hơn 10.000 con gà của gia đình anh Tư (Nghệ An) chết ngạt ngay trước ngày xuất chuồng.
Sáng 8/6, ông Thái Bá Thể, Chủ tịch UBND xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết, sự cố chập điện khiến hơn 10.000 con gà của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tư trên địa bàn bị chết ngạt. Người dân đang phối hợp với chính quyền xã hỗ trợ chủ trang trại làm thịt gà, bán giá rẻ để vớt vát vốn.
Trước đó, khoảng 17h chiều 7/6, trang trại chăn nuôi hơn 10.000 con gà thịt của anh Nguyễn Ngọc Tư bất ngờ gặp sự cố chập điện khiến hệ thống quạt thông gió, làm mát trong chuồng ngừng hoạt động.
Hệ thống quạt thông gió ngừng hoạt động đột ngột khi thời tiết oi bức đã khiến đàn gà hơn 10.000 con (mỗi con nặng 3,5 - 4kg) chết ngạt trong chốc lát, ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Nhận được tin báo, chính quyền xã Diễn Phú đã huy động lực lượng đến hỗ trợ gia đình anh Tư khắc phục hậu quả.
“Sau sự cố, hơn 100 người đã tới hỗ trợ chủ trang trại chở gà, làm thịt, sơ chế, tập trung lấy phần đùi và ức để kịp thời đưa tới một công ty thực phẩm đồng ý tiêu thụ”, ông Thể nói.
Theo lãnh đạo xã Diễn Phú, trang trại của anh Tư là trang trại nuôi gà nhiều nhất ở địa phương. Đây là lứa gà đầu tiên của năm, dự kiến sẽ xuất chuồng trong ngày 8/6.
SẬP GIÀN GIÁO TẠI KHU DU LỊCH SƠN TIÊN, 2 NGƯỜI TỬ VONG
.jpg)
Hai công nhân đang thi công công trình xây dựng trong Khu Du lịch Sơn Tiên thì bất ngờ giàn giáo bị sập.
Ngày 7-6, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về vụ tai nạn nghiêm trọng trong Khu Du lịch Sơn Tiên tại TP Biên Hòa làm 2 người chết.
Vào khoảng 7 giờ ngày 5-6, các công nhân làm việc tại khu vực giàn giáo cao khoảng 8 m, có cấu trúc mái vòm hình hoa cao khoảng 15,9 m trong Khu Du lịch Sơn Tiên. Trong lúc đang thi công, giàn giáo bị sập khiến ông N.V.H (SN 1975) và B.V.M (SN 1963) bị thương nặng, nguy kịch được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân đã không qua khỏi.
Theo Sở Xây dựng, đây là sự cố liên quan tới an toàn trong quá trình thi công xây dựng, hậu quả làm 2 người chết. Sự cố này xếp vào loại cấp 2.
Do đó, Sở Xây dựng chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng. Sở sẽ tiếp tục theo sát việc xử lý và báo cáo với UBND tỉnh cũng như Bộ Xây dựng.
Sự cố tại công trình xây dựng trong Khu Du lịch Sơn Tiên chưa xác định được tên gọi công trình do chủ đầu tư chưa cung cấp được giấy phép xây dựng và hồ sơ pháp lý liên quan.
Chủ đầu tư công trình, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan chưa được chủ đầu tư cung cấp thông tin. Đồng thời, hồ sơ pháp lý chủ đầu tư chưa cung cấp.
Khu Du lịch Sơn Tiên là dự án của Công ty Cổ phần thành phố Du lịch sinh thái Sơn Tiên, trực thuộc Tập đoàn Suối Tiên. Dự án có tổng diện tích là 380 ha, số vốn đầu tư ban đầu lên đến 15.000 tỉ đồng. Trong đó, phần diện tích dành cho khu du lịch chiếm khoảng 200 ha, còn lại là khu đô thị sinh thái. Dự án đưa vào hoạt động từ ngày 30-4-2022.
NƯỚC HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH THẤP KỶ LỤC, VÌ SAO?
Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, việc hạ mực nước hồ Hòa Bình nằm trong kế hoạch khai thác và theo đúng quy trình vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Ngày 8/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp là so với năm 2024, hiện vẫn ở trên 85m, mực nước này là bình thường.
Nguyên nhân mực nước hồ Hòa Bình những ngày qua xuống thấp được ông Vương lý giải, thời điểm này dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đang thực hiện phá dỡ đê quây, vì thế phải thực hiện hạ mực nước lòng hồ.
"Việc hạ mực nước nằm trong kế hoạch khai thác và theo đúng quy trình vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Mực nước lòng hồ xuống thấp như hiện nay chưa ảnh hưởng gì đến việc phát điện của nhà máy", Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho hay.
Cũng theo ông Phạm Văn Vương, việc điều tiết hạ mực nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình dự kiến đến ngày 15/6 là kết thúc. Phương thức và kế hoạch khai thác hạ mực nước các địa phương trong khu vực lòng hồ cũng đã nắm được để thông báo và khuyến cáo cho người dân.
Trước đó, báo Dân trí thông tin, mực nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình những ngày qua xuống thấp, nhiều nơi lòng hồ cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân.
Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình), cho biết, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân chủ động thích nghi để không bị thiệt hại lớn về đời sống cũng như kinh tế.
Hồ thủy điện Hòa Bình là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà.
Hồ có chiều dài 230km từ Hòa Bình đi Sơn La. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dung tích của hồ vào khoảng 9,45 tỷ mét khối.
Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Soha; Dân Trí
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá