Ấn phẩm: Đức chống giao dịch tiền mặt phòng rửa tiền - Đạo luật thực thi chế tài số II (Sanktionsdurchsetzungsgesetz II) 

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Chính phủ Liên bang Đức chủ trương cấm mua bất động sản bằng tiền mặt, tiền điện tử hoặc vàng bạc và do đó chống rửa tiền hiệu qủa hơn. Đây là bước mở đầu tiến tới giới hạn mức thanh toán bằng tiền mặt ở các bước tiếp theo.

Liệu có thể tin cậy người mua bất động sản khi họ xách vali đầy tiền đến công chứng để làm hồ sơ mua bất động sản? Trong nhiều trường hợp có lẽ là không. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chẳng hạn có tới 30% số tiền từ các giao dịch tội phạm trên khắp thế giới đã được rửa ở Đức trong những năm gần đây, thông qua các khoản đầu tư vào bất động sản.

Theo đó, hàng tỷ USD từ các kinh doanh bất hợp pháp đổ vào thị trường bất động sản Đức mỗi năm. Vì đó thường là các giao dịch bất hợp pháp không thể giám sát, tổng số tiền giao dịch không rõ ràng. Các giao dịch bất hợp pháp được thực hiện trực tiếp, không phải tại bàn làm việc của đại lý hoặc công chứng viên. Đôi khi tiền điện tử hoặc vàng miếng đổi chủ thay vì dùng tiền mặt.

Hôm qua, Nội các Liên bang Đức đã thông qua Dự thảo Luật thực thi chế tài số II. Trong đó đặc biệt có quy phạm: Cấm mua bất động sản bằng tiền mặt, tiền điện tử hoặc vàng bạc. Theo đó, các phương thức thanh toán tiền mặt như vậy là một công cụ cổ điển để đưa các khoản tiền bất hợp pháp vào chu kỳ kinh tế. Cuối cùng, các biện pháp hiện tại chống lại thanh toán bằng tiền mặt chỉ là bước đầu tiên, tiếp theo Đức sẽ tham gia lệnh cấm toàn diện hơn đối với thanh toán bằng tiền mặt tại các nước EU. Trên thực tế, Đức đang tụt hậu so với nhiều nước về hạn chế giao dịch tiền mặt. Hiện EU đang chuẩn bị pháp lý cho một giới hạn đối với các khoản thanh toán bằng tiền mặt, áp dụng trên toàn châu Âu.

Phải hình dung một giao dịch mua bán bất động sản đáng ngờ như thế nào: Trước cuộc hẹn công chứng, một người bán nhà và một người mua nhà gặp nhau. Một phong bì đựng tiền có thể đổi chủ với 100.000 euro chẳng hạn được người mua mang theo. Giá mua bán là 400.000 euro sau đó được công chứng viên xác nhận pháp lý. Dù người mua trả sẵn100.000 euro, giao bằng tiền mặt, nhưng hợp đồng mua bán chỉ có giá 400.000 euro được chuyển khoản. Các bên liên quan chấp nhận các rủi ro pháp lý. Như vậy cơ chế giám sát và công chứng viên bị lừa mà không thể phát hiện. Chưa nói, giá mua chính thức thấp hơn sẽ làm giảm thuế chuyển nhượng bất động sản. Người mua cũng chỉ phải trả phí cho công chứng viên thấp hơn do giá mua được ghi hồ sơ thấp hơn.

Đạo luật Thực thi Chế tài II sẽ được thông qua thực ra cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng giao dịch tiền mặt nói trên. Các biện pháp khác chống lại việc che giấu tài sản trong dự thảo luật cũng mang lại sự minh bạch hơn về tình hình tài chính của công dân. Tuy nhiên, để có kết qủa cần một thời gian rất dài.

Một "Trung tâm lưu trữ dữ liệu giao dịch bất động sản được số hóa hoàn toàn" trong tương lai sẽ lưu giữ tất cả thông tin từ các chứng nhận công chứng về các giao dịch bất động sản. Chủ sở hữu tài sản và tất cả những người có quyền liên quan phải được công bố danh tính. Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu, nhờ các quy định trên các nhà chức trách có thể và có quyền truy cập kỹ thuật số vào các dữ liệu lưu trữ.

Giới hạn tiền mặt lỏng lẻo ở Đức

Không biết khi nào đạt được sự liên kết cần thiết giữa sổ đăng tước bạ đất đai Grundbüchern và sổ đăng ký giao dịch Transparenzregister cho các doanh nghiệp sẽ được thiết lập bằng pháp luật. Trong khi đó, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu đe dọa bọn tội phạm bằng cách thắt chặt hơn nữa: Chúng tôi có những kế hoạch lớn trong cuộc chiến chống rửa tiền và tội phạm tài chính có tổ chức.

Giới hạn tiền mặt từ lâu đã tồn tại ở 15 quốc gia EU. Tại Pháp, người nộp thuế trong nước chỉ có thể thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng tiền mặt với mức tối đa 1.000 euro, trong khi du khách nước ngoài có thể chi tới 10.000 euro tiền mặt. Ở Ý cũng vậy, chỉ những giao dịch mua bán tối đa 1000 euro mới được phép giao dịch bằng tiền mặt. Trong các nhà hàng, hóa đơn phải được đưa cho khách ký xác nhận và phải lưu giữ. Ở Hy Lạp, giới hạn tối đa 500 euro, và chỉ được phép thanh toán bằng tiền mặt cao hơn khi mua xe hơi. Ở Tây Ban Nha, giới hạn tối đa là 10.000 euro.

Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu cho biết: Giới hạn thanh toán tiền mặt thấp có hầu hết các quốc gia. Rất ít quốc gia sử dụng tiền mặt lỏng lẻo như Đức. Một trong những lý do cho điều này nằm ở tầm quan trọng về xã hội và pháp lý liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Đức. Có sự mâu thuẫn căng thẳng giữa quyền riêng tư của cá nhân cần bảo vệ và mong muốn hạn chế tội phạm đòi hỏi tính minh bạch và lưu giữ dữ liệu sâu rộng. Các chuyên gia cho rằng có thể thỏa hiệp được.

Thông thường, những kẻ đầu sỏ buôn người và ma túy có liên quan đến rửa tiền. Tuy nhiên, hành vi phạm tội rửa tiền phổ biến nhất là trốn thuế, ví dụ như trong các dịch vụ thủ công nghiệp. Đó là lý do tại sao ở Pháp quy định các mức tiền tối đa khác nhau được phép giao dịch trong lệnh cấm thanh toán bằng tiền mặt đối với người trong nước và người nước ngoài.

Các nhà môi giới bất động sản có nhiệm vụ báo cáo các trường hợp ngờ vực

Ai là người giám sát các giao dịch mua bán bất động sản được thanh toán bằng tiền mặt khi người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán? Đạo luật chống rửa tiền từ năm 2019 đã đưa ra quy phạm, các công chứng viên, môi giới bất động sản, luật sư, công chứng phải tố giác các hoạt động có dấu hiệu ngờ vực rửa tiền cho Cơ quan Thẩm tra tài chính (FIU) ở Köln. Theo đó, các doanh nghiệp môi giới bất động sản phải đào tạo nhân viên của họ, ghi lại hồ sơ danh tính khách hàng và cung cấp thông tin cho nhà chức trách trong trường hợp ngờ vực. Ngờ vực bao gồm các giao dịch bất thường có thể xác định được (tức có bằng chứng) như giao dịch tiền mặt hoặc che giấu tên người thực mua, cũng như giá mua bán thấp bất thường.
Nếu lệnh cấm thanh toán bằng tiền mặt theo Đạo Luật mới Thực thi Chế tài số II (Sanktionsdurchsetzungsgesetz II) bị vi phạm, các hình phạt trước hết áp dụng đối với công chứng viên, người đã làm hồ sơ công chứng, thảo hợp đồng mua bán thanh toán bằng tiền mặt. Việc vi phạm trách nhiệm tố giác như vậy có thể dẫn tới giấy phép hành nghề bị thu hồi. Nhưng đáng tiếc các khoản thanh toán tiền mặt bất hợp pháp như vậy tới thời điểm hiện nay đã không xuất hiện trong bất kỳ hợp đồng mua bán nào, nên thiếu bằng chứng.

Nhà chức trách Đức thất bại trong chống rửa tiền

Các quy phạm của Đạo luật Chống rửa tiền dường như đã không giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả. Nếu không, cơ quan lập pháp đã không phải ban hành luật mới Đạo Luật mới Thực thi Chế tài số II (Sanktionsdurchsetzungsgesetz II) quy định cấm thanh toán bằng tiền mặt. Có một lý do quan trọng: Bọn tội phạm đã đi trước các nhà chức trách một bước bằng cách chuyển sang sử dụng tiền điện tử. Chính vì vậy, với luật mới, cả dùng tiền điện tử cũng không được phép sử dụng để mua bán bất động sản.

Ở Đức, cho tới nay tội phạm rửa tiền thực hiện dễ dàng. Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) là một cơ quan quốc tế gồm 39 quốc gia thành viên tham gia, có chức năng kiểm tra các quy phạm về chống rửa tiền, về tài trợ khủng bố và tài trợ sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt ở các quốc gia thành viên. Vào cuối cuối tháng 8, FATF đã trình bày một bản báo cáo mới: Trong thời gian sắp tới, người ta lo ngại rằng nước Đức sẽ lại bị chỉ trích nặng nề về vấn nạn rửa tiền.

Nhưng rốt cuộc, nó không hoàn toàn dở như lo ngại, tuy nhiên Đức vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi vấn nạn rửa tiền. Từ năm 2020 đến tháng 07.2022, Marcus Pleyer, một lãnh đạo của Bộ Tài chính Liên bang (BMF), là Chủ tịch của FATF. Báo cáo mới đây của ông xác nhận những cải cách quan trọng ở Đức, được công bố ngay sau khi ông rời nhiệm sở. Với việc tịch thu tài sản từ tội phạm hình sự, Liên bang Đức đã có một bước đi đúng hướng. FATF cũng công nhận những khiếm khuyết ở Đức trong sự phối hợp với các tiểu bang và giữa các cơ quan giám sát và thực thi pháp luật khác nhau. Toàn bộ chuỗi quy trình trong việc chống rửa tiền vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Sở Tài chính có thể yêu cầu trình bày nguồn gốc tiền

Các cơ sở pháp lý để kiểm soát rửa tiền chặt chẽ hơn đối với các giao dịch bất động sản đã có từ lâu. Chẳng hạn, cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan tài chính, thuế vụ phối hợp nhau khi đánh thuế chuyển nhượng bất động sản. Họ có thể đòi hai bên mua bán cung cấp các thông tin cần thiết. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra.

Trong những vụ mua bất động sản cụ thể, cơ quan tài chính, thuế vụ yêu cầu chứng minh nguồn gốc số tiền dùng để thanh toán. Sau đó, người mua phải nộp một danh sách tất cả các tài khoản và các khoản vay mà từ đó tiền đổ vào việc mua bất động sản. Nếu có bất kỳ mâu thuẫn nào, cơ quan thuế vụ có thể hỏi ngân hàng. Nhưng những câu hỏi như vậy rất hiếm. Hiện Đức đang lên kế hoạch thành lập một cơ sở dữ liệu mới để phục vụ giám sát trên, nhưng không chắc khi nào nó có thể hoạt động.

Tình hình trên cũng xảy ra đối với mua bất động sản ở nước ngoài, hiện đang trở thành điểm nóng đối với cơ quan điều tra hình sự. Trong trường hợp đó, thông tin về việc mua bất động sản được cơ quan có thẩm quyền thu thập thông qua việc đánh thuế đối với mua bán bất động sản ở nước ngoài. Điều này cũng cho phép cơ quan chức năng liên hệ với các chủ sở hữu bất động sản mới.

(Xem thêm:

=> Người hưu trí ở Đức cần biết: Tiêu chuẩn hỗ trợ đổ đồng 300 Euro do giá năng lượng tăng cao - Câu hỏi và trả lời).

Mua ấn phẩm

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang