Án lệ tiền con: Qui định ‘thời kỳ gián đoạn 4 tháng’ chờ tuyển sinh

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Một người con ở độ tuổi từ 18-25, đang chờ đợi tuyển sinh - còn gọi là ‘kỳ tạm nghỉ bắt buộc’ (Zwangspause), không đủ thu nhập, phải sống nhờ vào tiền chăm nuôi của bố mẹ (tiếng Đức gọi là ‘typische Unterhaltssituation’), sẽ được nhà nước lưu ý xem xét tiếp tục cấp tiền con (Kindergeld) trong giai đoạn này, nếu thời gian chờ đợi không kéo dài quá 4 tháng (gọi là ‘4-Monats-Lücke’). Người con nào đã thực hiện xong nghĩa vụ quân sự cơ bản (Grundwehrdienst) hoặc nghĩa vụ dân sự (Zivildienst), thậm chí có thể nhận tiền con dài hơn. Lưu ý: Kỳ tạm nghỉ nếu kéo dài hơn 4 tháng thì không thể coi là ‘thời kỳ gián đoạn 4 tháng’, cả 4 tháng đầu tiên của một kỳ chuyển đổi hoặc ngừng việc lâu dài cũng không áp dụng qui định này (theo án quyết vào ngày 15.7.2003 của Tòa án Tài chính liên bang-BFH, án số Az. VIII R 78/99).

Hai điều kiện để xét cấp tiền con trong kỳ tạm nghỉ bắt buộc là: có đúng là kỳ tạm nghỉ bắt buộc hay không và có thực không đủ thu nhập, bố mẹ phải nuôi hay không:

1. Không phải bất cứ ‘kỳ tạm nghỉ bắt buộc’ nào cũng được coi là ‘kỳ gián đoạn 4 tháng’ (theo Qui định cấp trợ cấp gia đình trong Luật Thuế thu nhập DA-FamEStG 63.3.3), mà chỉ trong những trường hợp sau:

- Thời kỳ quá độ giữa hai giai đoạn học tập - ví dụ khi người con vừa học xong Abitur và đang đợi để học tiếp một nghề hoặc vào học đại học (theo BFH, án số Az. VI R 39/00).

- Thời kỳ quá độ giữa một giai đoạn học tập và những khoảng thời gian sau (áp dụng hai chiều theo án quyết của BFH vào ngày 25.1.2007, án số Az. III R 23/06): Thực hiện nghĩa vụ quân/dân sự tự nguyện, thời gian làm công tác viện trợ được miễn nghĩa vụ quân/dân sự (Entwicklungshelfer), đi nghĩa vụ vì hòa bình tại nước ngoài theo điều 14b Luật Nghĩa vụ dân sự (ziviler Friedensdienst), một năm tự nguyện làm công tác sinh thái và xã hội (ökologisches/soziales Jahr), làm nghĩa vụ vì Châu Âu tự nguyện (europäischer freiwilliger Dienst), làm nghĩa vụ vì hòa bình ở nước ngoài, thực hiện dự án tự nguyện theo chính sách cộng tác và phát triển kinh tế của tổ chức ‘weltwärts’, thực hiện nghĩa vụ tự nguyện ‘Vì mọi thế hệ’ (Freiwilligendienst aller Generationen). Những kỳ nghỉ hè, nghỉ trong năm học, nghỉ học kỳ không phải là ‘kỳ gián đoạn 4 tháng’, mà được tính chung vào thời gian học tập. Nếu trong những kỳ nghỉ này, người con đi làm thêm và đạt mức thu nhập vượt quá giới hạn thu nhập cho phép tiền con có thể bị cắt.

2. Trong kỳ gián đoạn 4 tháng, nếu người con không đủ thu nhập mà phải trông cậy vào bố mẹ hoặc sử dụng đến tiền tiết kiệm riêng, tiền làm thêm, nhà nước cũng lưu ý đến thời gian này, nghĩa là xem xét cả các loại tiền trợ cấp hay thu nhập mà người con nhận được, vì vậy cần chú ý đến giới hạn cho phép, bằng không tiền con của cả năm sẽ bị cắt. Người con sẽ không nằm trong diện ‘phải chăm nuôi vì không đủ thu nhập’, nếu có việc làm đủ thời gian (Vollzeittätigkeit) trong kỳ gián đoạn 4 tháng. Tuy nhiên, giữa Tòa án BFH và Cơ quan Thuế trung ương của Liên bang (Bundeszentralamt für Steuern-BZSt) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ‘định nghĩa việc làm đủ giờ’: Theo cơ quan BZSt, việc làm đủ giờ là khi thời gian làm việc theo hợp đồng chiếm tối thiểu 3/4 thời gian lao động qui định theo từng ngành, theo khung biểu (Tarif) hoặc tùy nội bộ từng hãng. Còn Tòa BFH lại qui định 33 giờ làm việc/tuần là ‘việc làm thêm/việc bán thời gian’ (theo án quyết số Az. VI R 143/99), và nếu làm đến 37 giờ/tuần là ‘việc làm đủ giờ’ (án quyết số Az. III R 67/04). Nếu người con phải tạm nghỉ bắt buộc, bị thất nghiệp, sẽ thuộc diện ‘phải chăm nuôi vì không đủ thu nhập’. Trong trường hợp này, cho đến năm 21 tuổi, người con sẽ được coi là ‘đang tìm việc làm’. Theo nhận định của Tòa BFH, một người con không thể đủ thu nhập để tự chi phí, nếu chỉ có việc làm thêm ở mức 20 giờ/tuần hoặc ít hơn, vì vậy, trường hợp này cũng được gọi là ‘phải chăm nuôi vì không đủ thu nhập’ - bất kể người con đó thu nhập thật sự là bao nhiêu. Tuy nhiên, Tòa cũng không xác định cụ thể rằng, đi làm thêm ở mức thời gian nào thì sẽ bị loại ra khỏi trường hợp ‘phải chăm nuôi’ này.

Kỳ gián đoạn 4 tháng: là tính tròn 4 tháng theo lịch, nghĩa là giai đoạn học tập tiếp theo muộn nhất phải bắt đầu sau ngày cuối cùng của tháng thứ 4 tính đủ theo lịch (của kỳ gián đoạn). Ví dụ: Nguyễn và Trần cùng kết thúc giai đoạn học nghề vào ngày 12.5. Vào tháng 10 tới, Nguyễn sẽ học tiếp đại học, nghĩa là hiện giờ đang trong thời gian quá độ tối đa (tròn) 4 tháng, vì vậy Nguyễn tiếp tục được nhận tiền con trong 4 tháng gồm: tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Trần thì tới tận tháng 11 mới học tiếp đại học, vì cháu được tuyển sinh nhờ vào việc xét danh sách dự bị - mà từ tháng 6 đến tháng 10 là tròn 5 tháng, nên Trần không được coi là đang trong kỳ gián đoạn 4 tháng, mà chỉ được xét là ‘không đi học’.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang