Ẩm thực Nhật vươn tầm; TQ siết thuế nhà giàu; Kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Kiev; Israel ‘siết gọng kìm’; Cứu trợ ở Gaza gặp khó

ẨM THỰC NHẬT BẢN VƯƠN TẦM CAO MỚI: SẢN XUẤT ĐÁ LẠNH CHỈ MẤT 3 NGÀY

Một công ty 100 năm tuổi tại Nhật Bản góp phần nâng tầm ẩm thực quê nhà bằng những viên đá lạnh đẹp mắt.

Sự bùng nổ của ẩm thực Nhật Bản trên toàn cầu thậm chí còn lan sang cả đá lạnh.

Một công ty ở Kanazawa sản xuất đá tinh khiết ghi nhận doanh số tại Mỹ tăng gấp 7 lần trong 3 năm nhờ sản phẩm nổi danh tại các quán bar cao cấp. Công ty hiện đang tìm cách mở rộng sang các quốc gia khác.

Đá tinh khiết được tạo ra bằng cách loại bỏ khoáng chất và tạp chất khi nước đóng băng. Đặc biệt, đá Kuramoto mất 72 giờ để giúp cải thiện độ tinh khiết.

“Tại Mỹ, có rất ít doanh nghiệp sản xuất đá tinh khiết và nhu cầu về đá lâu tan và đẹp mắt rất cao”, Kazuhiko Kuramoto, chủ tịch của công ty sản xuất đá Kuramoto Ice có trụ sở tại thành phố Kanazawa, cho biết.

Nước máy ở Mỹ thường là nước cứng, khiến việc loại bỏ khoáng chất mất nhiều thời gian. Nước của Nhật Bản mềm và ít khoáng chất hơn.

Kuramoto Ice sản xuất và tạo hình đá tại Nhật Bản, sau đó vận chuyển đến Mỹ. Tại đây, đá Kuramoto được sử dụng trong khoảng 300 quán bar và nhà hàng. Công ty cho biết loại đá này phổ biến ở các cơ sở cao cấp vì nó “không làm thay đổi hương vị của rượu”

Doanh số của Kuramoto tại Mỹ đạt 10 triệu yên (65.200 USD) vào năm 2020 và tăng vọt lên 70 triệu yên vào năm 2023, nâng tổng doanh số lên mức kỷ lục 242 triệu yên trong năm ngoái.

Công ty cũng cung cấp đá cho các quán bar và nhà hàng cao cấp ở Úc. Kuramoto cũng sẽ bắt đầu xuất khẩu sang Singapore vào cuối năm nay.

Công ty cho biết: “Cả 2 quốc gia đều có văn hóa cocktail rất phát triển. Thị trường cũng tương tự như ở Mỹ”.

Kuramoto Ice được thành lập vào năm 1923. Đến năm 2015, công ty vẫn xử lý và bán đá mua từ các nhà sản xuất đá khác. Vì các nhà cung ứng đó cũng bán đá trực tiếp cho các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, nên Kuramoto lo ngại rằng một ngày nào đó họ sẽ mất nguồn cung. Vì vậy, công ty bắt đầu sản xuất đá viên tinh khiết.

Cạnh tranh thị trường đối với các nhà sản xuất đá rất khốc liệt.

Kuramoto cho biết: “Ngoài việc dân số Nhật Bản đang suy giảm, xu hướng người trẻ tránh xa rượu bia cũng có tác động đáng kể”.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Nhật Bản có 672 nhà sản xuất đá trong năm tài chính 2022, bằng một nửa so với năm tài chính 2017. Thị trường trong nước đang thu hẹp là một yếu tố thúc đẩy Kuramoto Ice mở rộng ra nước ngoài.

Kuramoto Ice dự kiến doanh số năm 2024 sẽ tăng 24% lên 300 triệu yên. Công ty có kế hoạch tăng 20%công suất tại nhà máy Kanazawa trước năm tới để chuẩn bị xuất khẩu đến những nơi khác.

 

 

TRUNG QUỐC LÊN KẾ HOẠCH ĐÁNH THUẾ NHÀ GIÀU VÀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Người giàu và doanh nghiệp tại Trung Quốc những tháng gần đây được yêu cầu “tự thanh kiểm tra” lại các nghĩa vụ thuế của mình và tự khai báo các khoản chưa thanh toán...

Theo nguồn tin từ tờ báo Financial Times, nhà chức trách Trung Quốc đang yêu cầu các cá nhân thu nhập cao và doanh nghiệp rà soát lại các nghĩa vụ thuế chưa thực hiện, một động thái có thể đe dọa kéo tụt hơn nữa niềm tin của nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tự thanh kiểm tra nghĩa vụ thuế

Cụ thể, người giàu và doanh nghiệp tại Trung Quốc những tháng gần đây được yêu cầu “tự thanh kiểm tra” lại các nghĩa vụ thuế của mình và tự khai báo các khoản chưa thanh toán. Điều này diễn ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương tìm đủ cách để tăng nguồn thu bù đắp cho thất thu thuế bất động sản.

Nỗ lực thu thuế cũng được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị công bố chi tiết chương trình kích thích lớn bằng chính sách tài khóa trong tuần này. Theo dự báo, chương trình này sẽ tập trung vào vực dậy tình hình tài chính của các chính quyền địa phương.

Được công bố vào tháng 9, chương trình kích thích kinh tế nói trên đang nhận được sự kỳ vọng lớn sẽ giúp vực dậy niềm tin của các hộ gia đình cũng như nhà đầu tư tại Trung Quốc sau mấy năm chìm trong áp lực giảm phát do cuộc khủng hoảng bất động sản. Chương trình được công bố sau khi tăng trưởng kinh tế quý 3 của nước này không đạt kỳ vọng, khiến mục tiêu 5% cho cả năm càng khó đạt được.

“Yêu cầu rà soát thuế làm dấy lên tâm lý bất an, thậm chí lo sợ, trong giới giàu ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến”, một công ty thuế có trụ sở tại Trung Quốc cho biết. “Một số người thực sự không biết phải làm gì khi được yêu cầu tự thanh kiểm tra. Nhiều người trước đây không biết rằng thu nhập cá nhân của họ ở nước ngoài phải chịu thuế ở Trung Quốc”.

Theo thông báo từ một thành phố mà Financial Times có được, các công ty không phát hiện sai phạm trong quá trình tự kiểm tra được yêu cầu gửi “giấy cam kết đóng dấu” và lưu lại bằng chứng về quá trình tự thanh kiểm tra.

Một nguồn tin thân cận của Fincancial Times cho biết nhà chức trách cũng yêu cầu các cá nhân bắt đầu nộp thuế truy thu, bao gồm thuế với các khoản lợi nhuận đầu tư cá nhân từ nước ngoài. Trong một số trường hợp, nhà chức trách dẫn một điều khoản pháp lý ít được sử dụng từ năm 2019.

Bắc Kinh cũng như các chính quyền địa phương đang cố gắng tăng nguồn thu, bao gồm tăng các vụ phạt tiền trong lĩnh vực tư nhân, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm đã giáng một đòn mạnh vào nền tài chính công của các địa phương và làm xói mòn niềm tin của các hộ gia đình và nhà đầu tư.

Doanh thu từ bán đất của địa phương – một trong các nguồn thu chính – đã giảm gần 25% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thu thuế trên toàn quốc cũng giảm 5,3% trong cùng kỳ. Tổng thu ngân sách của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước xuống còn khoảng 16,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,3 nghìn tỷ USD).

“Rõ ràng các chính quyền địa phương đang thiếu tiền”, giám đốc của một công ty sản xuất cỡ vừa tại Suzhou, một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc nằm gần Thượng Hải, nhận xét và cho biết chính quyền thường xuyên phạt nặng các công ty trong khu vực của ông.

“Thâm hụt tài khóa của Trung Quốc đã đạt đến điểm bùng phát”, ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận xét. “Các địa phương ngày càng cấp bách phải tìm nguồn thu thay thuế và việc đánh thuế người giàu và doanh nghiệp sẽ gây ít tác động trực tiếp tới người dân hơn”.

Còn theo ông Kher Sheng Lee, đồng giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Alternative Investment Management Association, động thái tăng “thu thuế nghiêm ngặt hơn” của Bắc Kinh là “thực tế và cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt nhiều cơn gió ngược”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu việc này được mở rộng, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Trung Quốc sẽ càng suy sụp thêm.

Những tháng gần đây, nhiều công ty niêm yết tại Trung Quốc đưa ra thông báo thuế. Tháng trước, Hisun Pharmaceutical cho biết phát hiện đang nợ thuế và tiền chậm nộp thuế tổng cộng 18 triệu nhân dân tệ sau quá trình “tự thanh kiểm tra”.

Còn công ty Allgens Medical tại Bắc Kinh vào tháng 9 đã nộp 8 triệu nhân dân tệ tiền thuế sau khi cơ quan thuế thành phố thông báo “các mối lo ngại về rủi ro thuế” từ nhiều năm trước để công ty tự thanh kiểm tra. Sau quá trình tự kiểm tra, công ty Guizhou Gas cũng nộp thêm 20 triệu nhân dân tệ tiền thuế.

Gây tổn hại tinh thần doanh nghiệp

Bên cạnh việc yêu cầu tự thanh kiểm tra, các chính quyền địa phương cũng phạt tiền với nhiều doanh nghiệp. Năm ngoái, 7/16 tỉnh thành ghi nhận sự gia tăng đáng kể tiền thu từ các khoản phạt và sung công. Trong đó, Trùng Khánh và Bắc Kinh tăng lần lượt 22,4% và 21,9% các vụ việc như vậy – theo hãng truyền thông Yicai. Nhiều chính quyền địa phương đã dừng công bố tiền thu phạt do sự tăng lên “bất thường” những tháng gần đây.

“Những việc thế này – cụ thể là việc chính quyền địa phương tăng phạt tiền và đẩy mạnh thu thuế – đang diễn ra mỗi ngày và gây tổn hại tinh thần của doanh nghiệp”, một giáo sư kinh tế tại Bắc Kinh nhận định với Financial Times.

Trung Quốc có cơ quan thuế trung ương, nhưng cán bộ thuế tại chi cục thuế địa phương thường phụ trách xử lý vấn đề thuế với các cá nhân và công ty đăng ký tại địa phương.

Cơ quan thuế trung ương Trung Quốc hồi tháng 6 cho biết họ không triển khai bất kỳ chương trình thanh tra thuế nào trên toàn quốc và chỉ gửi thông báo định kỳ tới một số công ty để đảm bảo việc tuân thủ thuế. Tuy vậy, Bắc Kinh gần đây tiến hành nâng cấp hệ thống giám sát thuế để chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và các cơ quan thuế. Đây được đánh giá nhằm tăng cường kiểm soát và thực thi pháp luật thuế chặt chẽ hơn.

Theo ông Ng của Natixis, việc nỗ lực tăng thu thuế từ giới giàu và doanh nghiệp tư nhân “có thể chưa đủ” và nhà chức trách có thể cuối cùng sẽ vẫn cân nhắc tới việc thu thuế liên quan tới bất động sản và mở rộng cơ sở thu thuế.

 

 

LÀN SÓNG KÊU GỌI TRIỀU TIÊN RÚT QUÂN KHỎI CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE

Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu hôm thứ Hai (4/11) cùng lên án việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Moscow và yêu cầu Triều Tiên rút binh lính đã điều đến Nga để tham gia cuộc chiến xâm lược Ukraine.

EU và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp “Đối thoại Chiến lược” đầu tiên tại Seoul, ngay sau khi Washington và Seoul lên tiếng báo động về việc Triều Tiên cử quân đến giúp Nga.

Trong một tuyên bố chung, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul đã lên án “việc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên cho Liên bang Nga để sử dụng vào mục đích tấn công Ukraine”.

Họ yêu cầu chấm dứt “hợp tác quân sự phi pháp” và rút quân Triều Tiên.

Ông Borrell cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun.

“Hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine là mối đe dọa hiện hữu”, ông Borrell nói trong một bài đăng trên X có kèm theo bức ảnh ông bắt tay với ông Kim. “Hàn Quốc là nước có vị thế tốt nhất để hiểu điều đó. Chúng tôi đoàn kết ủng hộ Ukraine. Tôi khuyến khích họ tăng cường hơn nữa”.

Hai nước cũng đã ký kết quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng bao gồm 15 lĩnh vực, trong đó có an ninh mạng và giải trừ quân bị.

Tuần trước, khi được hỏi liệu Seoul có thể gửi vũ khí cho Ukraine để đáp trả việc Triều Tiên hỗ trợ Nga hay không, ông Cho cho biết mọi kịch bản khả dĩ đều đang được xem xét.

Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn, nhưng đã từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí.

Seoul cho rằng Triều Tiên sẽ được Moscow đền đáp bằng công nghệ quân sự và dân sự, khi nước này đang chạy đua để phóng vệ tinh do thám và nâng cấp năng lực tên lửa của mình.

Tuần trước, Triều Tiên đã phô trương sức mạnh quân sự bằng vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn mới khổng lồ có tên gọi là Hwasong-19.

Washington cho rằng quân đội Triều Tiên ở khu vực Kursk của Nga, một phần khu vực này đã bị nước láng giềng Ukraine chiếm giữ, và sẽ sớm tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Ukraine, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết vào tuần trước.

Tại các cuộc hội đàm ở Moscow vào thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nói đất nước của bà sẽ ủng hộ Nga cho đến khi giành chiến thắng ở Ukraine.

 

 

ISRAEL SIẾT CHẶT AN NINH SAU KHI PHÁ VỠ LOẠT ÂM MƯU ÁM SÁT

Israel siết chặt an ninh sau khi phá vỡ âm mưu ám sát chỉ huy của Căn cứ không quân Nevatim ở miền Nam nước này. Iran bị cáo buộc có liên quan.

Một quan chức quốc phòng Israel ngày 4-11 nói các biện pháp an ninh cho chỉ huy này "không phải là quy trình chuẩn" nhưng cũng tương tự những biện pháp dành cho các quan chức cấp cao như tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Quan chức này cho biết chỉ huy trên "bị Iran nhắm tới" vì tự thân Căn cứ Không quân Nevatim đã là mục tiêu rất mạnh đối với Iran, không chỉ vì có máy bay chiến đấu mà còn vì năng lực tình báo. "Đây là căn cứ đa ngành và chiến lược" - quan chức này nói.

Kênh truyền hình Channel 12 ở Israel đưa tin rằng mục tiêu của âm mưu ám sát là Chuẩn tướng Yotam Sigler, chỉ huy Căn cứ Không quân Nevatim.

Theo tờ Times of Israel, Nevatim là một căn cứ không quân lớn ở miền Nam Israel và có các máy bay tiên tiến nhất của Không quân Israel, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất.

Căn cứ này từng là một trong những mục tiêu chính của hai cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chưa từng có của Iran: một vào tháng 4 và một vào tháng 10 năm nay. Israel nói cả hai cuộc tấn công đều chỉ gây ra thiệt hại nhỏ.

Quân đội Israel bắt giữ 7 người Israel gốc Azerbaijan trong âm mưu ám sát trên. Những nghi phạm, tất cả đều là người Do Thái, đã bị bắt vào tháng 9 vì bị tình nghi làm gián điệp cho Iran trong vòng 2 năm qua, thực hiện khoảng 600 nhiệm vụ theo lệnh của Tehran.

Những nghi phạm bị cáo buộc chụp ảnh và thu thập thông tin về các căn cứ và cơ sở của IDF, bao gồm trụ sở quốc phòng Kirya ở TP Tel Aviv và các căn cứ không quân Nevatim và Ramat David. Họ liên lạc với các điệp viên Iran thông qua trung gian là một người Thổ Nhĩ Kỳ.

Đổi lại, những nghi phạm được cho là đã được trả hàng trăm ngàn USD, một số bằng tiền điện tử và một số bằng tiền mặt.

Cảnh sát trưởng Yaron Binyamin, người đứng đầu đơn vị tội phạm nghiêm trọng Lahav 433 của Cảnh sát Israel, gọi đây là "một trong những vụ án nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng điều tra. Có khả năng tội danh chính sẽ là hỗ trợ kẻ thù trong thời chiến, với hình phạt là tử hình hoặc tù chung thân".

Trong những tháng gần đây, Cơ quan An ninh nội địa (Shin Bet) đã phát hiện ra một loạt các âm mưu nhằm tuyển dụng người Israel để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả ám sát. Iran bị cáo buộc đứng sau loạt âm mưu ám sát này.

Hồi tháng 9, một người đàn ông từ TP Ashkelon ở phía Nam Israel bị bắt vì đã nhận tiền để thực hiện các nhiệm vụ thay mặt cho Tehran, và được tuyển dụng để ám sát thủ tướng Israel, bộ trưởng quốc phòng hoặc người đứng đầu Shin Bet.

Sau đó, vào ngày 14-10, một người đàn ông và đồng bọn 18 tuổi (cả hai đều đến từ TP Ramat Gan) bị bắt vì cáo buộc thực hiện nhiều hành vi phá hoại thay mặt cho một điệp viên Iran.

Ngày 16-10, cảnh sát Israel thông báo bắt giữ một người đàn ông từ miền Trung Israel. Người này mua vũ khí để giết một nhà khoa học Israel "theo chỉ thị của một điệp viên Iran".

Gần đây nhất, vào ngày 31-10, cặp vợ chồng người Israel ở Lod đã bị truy tố vì nghi ngờ làm gián điệp cho Iran. Hai người đã thu thập thông tin tình báo về các địa điểm cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và theo dõi một chuyên gia tại một viện nghiên cứu an ninh.

 

 

TÌNH HÌNH CỨU TRỢ TẠI GAZA GẶP KHÓ, MỸ NHẮC NHỞ HẠN CHÓT CHO ISRAEL

Trong ngày thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Israel đã có một số biện pháp đẩy mạnh lượng hàng cứu trợ tại Gaza nhưng cho tới nay vẫn không thành công trong mục tiêu cải thiện tình hình nhân đạo tại khu nội phận này.

Trong một lá thư gửi chính quyền Israel trong ngày 13/10, chính quyền Biden đã khẳng định, Israel có 30 ngày để đưa ra các bước rõ ràng nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, khu vực đã bị tàn phá trong hơn một năm qua bởi chiến dịch trên không và trên bộ của Israel, những chiến dịch mà Israel khẳng định được triển khai nhằm quét sạch các thành viên tổ chức dân quân Palestine Hamas.

Các nhân viên cứu trợ và quan chức LHQ cho biết tình hình nhân đạo tiếp tục ở mức thảm khốc tại Gaza.

Ông Miller cho biết: "Cho tới ngày hôm nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi đã nhận thấy có một số điểm được cải thiện. Chúng tôi đã nhận thấy số lượng chốt kiểm soát biên giới được mở đã tăng. Nhưng khi xét lại những mục tiêu được kiến nghị trong lá thư, những mục tiêu này vẫn chưa được hoàn thiện".

Ông Miller nhận định kết quả cho tới nay "chưa đủ tốt" nhưng cũng nhấn mạnh khoảng thời gian 30 ngày vẫn chưa kết thúc.

Ông từ chối cho biết những hậu quả Israel phải đối mặt nếu không thực hiện các kiến nghị.

"Tôi có thể cho mọi người biết rằng chúng tôi sẽ làm đúng theo luật pháp".

Washington, chính quyền cung cấp vũ khí hàng đầu của Israel, đã nhiều lần yêu cầu Israel cải thiện tình hình nhân đạo tại Gaza kể từ khi cuộc chiến với Hamas nổ ra sau khi tổ chức này tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023.

Trong lá thư ngày 13/10, được gửi bởi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nội dung lá thư này đã khẳng định việc không thể hiện được cam kết áp dụng các biện pháp hỗ trợ cung cấp hàng cứu trợ lâu dài có thể là yếu tố ảnh hưởng tới chính sách và luật pháp Mỹ.

Mục 260i trong Đạo luật Hỗ trợ Ngoại quốc của Mỹ cấm cung cấp viện trợ quân sự tới các quốc gia có hành vi cản trở hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Mỹ.

Trong ngày thứ Hai, Israel đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận với cơ quan cứu trợ cho người Palestine của LHQ UNRWA, trích dẫn một số cáo buộc cho rằng một số nhân viên UNRWA có liên kết tới Hamas.

Lãnh đạo UNRWA Philippe Lazzarini cho biết Israel đã giảm số lượng xe mang hàng cứu trợ được phép vào Dải Gaza xuống mức 30 xe tải mỗi ngày, mức thấp nhất trong một thời gian dài vừa qua.

Một phát ngôn viên chính phủ Israel khẳng định không hề có giới hạn nào áp đặt lên số xe tải mang hàng cứu trợ được phép vào Gaza, với 47 xe tải mang hàng cứu trợ đã vào miền Bắc Gaza chỉ riêng trong ngày Chủ Nhật.

Số liệu do chính phủ Israel cung cấp được Reuters phân tích trong tuần vừa rồi cho thấy mức hàng cứu trợ được cho phép vào Gaza trong tháng 10/2024 vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023 tới nay.

 

Nguồn: CafeF; VnEconomy; VOA; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang