Ai Cập & Netflix tranh cãi; Trào lưu lạ ở TQ; Bao giờ Ukraine phản công; Dải Gaza thành chảo lửa; Vụ biểu tình ở Pakistan

Tranh cãi nảy lửa giữa Ai Cập và Netflix

(Ảnh minh họa).

Series "African Queens" (Những nữ hoàng châu Phi) của Netflix đang châm ngòi cho cuộc tranh luận lớn ở Ai Cập, khi nhà sản xuất chọn diễn viên da đen đóng vai Nữ hoàng Cleopatra.

Cleopatra là nữ hoàng Ai Cập cổ đại, người nổi tiếng với sự quyến rũ và là nguồn cảm hứng bất tận cho Shakespeare và Hollywood. Tuy nhiên, nhiều thông tin xoay quanh bà còn mơ hồ.

Chính sự mơ hồ này đã khởi nguồn cho những tranh cãi giữa Netflix và Ai Cập hiện đại gần đây, khi dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu thế giới bị chỉ trích vì chọn diễn viên da đen đóng vai Cleopatra trong loạt phim African Queens. Series này mới lên sóng hôm 10/5.

Ngay khi trailer được tung ra vào tháng trước đã thổi bùng những tranh cãi. Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập, cơ quan chính phủ phụ trách di sản, tuyên bố tác phẩm là “sự xuyên tạc lịch sử Ai Cập”.

Một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng cáo buộc Netflix đang nỗ lực “chiếm đoạt nền văn hóa Ai Cập của chúng tôi”. Một luật sư Ai Cập đệ đơn khiếu nại yêu cầu đóng cửa Netflix ở nước này.

Theo New York Times, với nhà sản xuất, 4 tập phim về Nữ hoàng Cleopatra là cơ hội tôn vinh một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo châu Phi, theo họ hiểu là người da đen. Còn với nhiều người Ai Cập và nhà sử học, bức chân dung đó bị hiểu sai, và tệ nhất là phủ nhận lịch sử Ai Cập.

Dấy lên câu hỏi về nguồn gốc

Mặc dù Nữ hoàng Cleopatra có dòng dõi Hy Lạp - Macedonia, nhà sản xuất Netflix cho rằng do những điều còn chưa rõ trong cây phả hệ của bà, và có khả năng nhà ngoại nữ hoàng có xuất thân khác. Danh tính của mẹ và bà nữ hoàng vẫn chưa thể xác định, nên một số chuyên gia cho rằng bà có một phần nguồn gốc người Ai Cập bản địa.

Nữ hoàng Cleopatra là hậu duệ dòng dõi các vị vua Hy Lạp - Macedonia cai trị Ai Cập trong khoảng thời gian 323-30 TCN. Tuy nhiên, Vương triều Ptolemies có xu hướng kết hôn với người thân trong gia đình nên khó có khả năng người ngoài xuất hiện.

“Những bức tượng Nữ hoàng Cleopatra cho thấy bà có những nét đặc trưng của người Hy Lạp, với làn da sáng, chiếc mũi khoằm và đôi môi mỏng”, chính phủ Ai Cập cho biết hôm 30/4.

Những tranh cãi về di sản và màu da của Cleopatra xuất hiện hết lần này tới lần khác, bùng nổ mỗi lần Hollywood tuyển chọn vai diễn, từ Elizabeth Taylor (đóng năm 1963) đến Angelina Jolie, Lady Gaga và Gal Gadot.

Việc Netflix chọn Adele James - nữ diễn viên người Anh - phản ánh những tranh luận liên quan tới phương Tây về đại diện của người da đen ở Hollywood, và liệu lịch sử có bị chi phối quá nhiều bởi câu chuyện về người da trắng xoay quanh sự vượt trội của châu Âu hay không.

Dẫu vậy, bộ phim khuấy động cuộc tranh luận khác ở Ai Cập, khi nhiều người nhìn bản sắc và chủng tộc qua lăng kính khác. Với nhiều người Ai Cập, câu hỏi đặt ra là liệu người Ai Cập và tổ tiên xa xưa của họ - bất chấp vị trí địa lý - có phải là người châu Phi hay không.

Ai Cập nằm ở Đông Bắc châu Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ của nước này và lục địa đen rất phức tạp. Vào thời Hy Lạp và La Mã, Ai Cập được coi là nhân tố chính tại Địa Trung Hải, cửa ngõ vào châu Phi, chứ không hoàn toàn là người châu Phi.

Kể từ khi người Arab chinh phục Ai Cập vào thế kỷ VII, mang theo ngôn ngữ Arab và Hồi giáo, người Ai Cập có quan hệ văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ gần với Trung Đông và Bắc Phi, hơn là với phần còn lại của châu Phi.

Tổ tiên của người Ai Cập ngày nay không chỉ bao gồm người Arab và Ai Cập bản địa, mà còn cả người Nubia, Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ, Circassian, Albania, Tây Âu cùng nhiều nhóm thương nhân, nô lệ và người nhập cư đổ bộ vào khu vực này trong suốt 2 thiên niên kỷ qua.

Chính sự đa dạng đó mà xã hội Ai Cập thường đánh giá cao làn da sáng và không coi trọng người có làn da sẫm màu. Tuy nhiên, nhiều người Ai Cập và nhà sử học nói African Queens đã kéo nữ hoàng cổ đại vào giữa các cuộc tranh luận đương đại của phương Tây.

Áp đặt cái nhìn hiện đại lên quá khứ

Ai Cập cổ đại và những kỳ quan từ lâu đã được coi là "chiến lợi phẩm" trong cuộc chiến văn hóa phương Tây. Năm 1987, cuốn sách Black Athena của Martin Bernal lập luận các nhà sử học châu Âu đã xóa bỏ những đóng góp của Ai Cập cho nền văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Mặc dù nhiều học giả đồng tình rằng phần lớn chứng cứ mà cuốn sách trích dẫn còn thiếu sót, Black Athena đã trở thành một trong những tài liệu kinh điển của Afrocentrism (chủ nghĩa Phi châu trung tâm). Đây là phong trào đề cao nền văn hóa và lịch sử châu Phi, theo Cambridge.

Theo một số người có tư tưởng Afrocentrism, Ai Cập cổ đại là nền văn minh của người châu Phi da đen và khai sinh ra lịch sử - văn hóa châu Phi lẫn nền văn minh thế giới, cho đến khi họ bị người châu Âu cướp công nghệ, ý tưởng và văn hóa.

Các kim tự tháp và pharaoh trở thành niềm tự hào của người theo Afrocentrism, và Nữ hoàng Cleopatra là anh hùng của phong trào.

“Cleopatra phản ứng trước những áp bức và bóc lột, như cách phụ nữ da đen sẽ làm”, Shelley Haley - giáo sư về người châu Phi và chuyên gia về Cleopatra, người tư vấn cho African Queens - nhận định. Bà lập luận việc nữ hoàng có thể có xuất thân đa dạng khiến Cleopatra trở thành người da màu: “Chúng tôi coi bà như chị gái”.

Cách suy nghĩ này không được nhiều người Ai Cập, nhà sử học và nhà Ai Cập học tán thành. Theo họ, các pharaoh - những người có nguồn gốc và màu da vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi - là người Ai Cập, không phải người châu Phi.

Một số cá nhân theo Afrocentrism cho rằng người Ai Cập ngày nay là hậu duệ của người Arab, thay thế người châu Phi da đen của Ai Cập cổ đại. Giả thuyết này bị nhiều người Ai Cập coi là xúc phạm và không chính xác.

Một số nhà sử học cho rằng quan điểm hiện đại về việc Cleopatra trông như Elizabeth Taylor hay Adele James không giống cách người xưa nhìn nhận.

Theo nhà sử học David Abulafia của Đại học Cambridge, vào thời Cleopatra, mọi người được xác định bởi văn hóa và tôn giáo, không phải màu da.

Trong khi đó, Monica Hanna - nhà Ai Cập học - cho rằng chủng tộc là cấu trúc hiện đại của bản sắc chính trị đang được áp đặt lên quá khứ.

“Việc sử dụng và áp đặt quá khứ cho các chương trình nghị sự hiện đại sẽ chỉ làm tổn thương tất cả, bởi nó tạo ra hình ảnh méo mó về quá khứ”, bà nói.

Mặc dù những người Ai Cập lên tiếng chỉ trích phim đã khẳng định mình không có động cơ phân biệt chủng tộc, một số nhà bình luận cho rằng tư tưởng phân biệt chủng tộc và mặc cảm tự ti trong xã hội nước này khiến cuộc tranh luận về Cleopatra càng thêm kịch liệt.

Nhà văn Ai Cập Abdelrahman ElGendy cho rằng do không thể tự hào về đất nước Ai Cập ngày nay, một số người đã “gắn liền bản sắc của mình với vinh quang cổ xưa”, hoặc họ cố thể hiện sự vượt trội so với những vùng khác của châu Phi bằng cách nhấn mạnh nguồn gốc châu Âu của mình.

(Nguồn: Zing News)

Bùng nổ trào lưu lạ ở Trung Quốc: Khách trả tiền để trải nghiệm cảm giác "nửa tỉnh nửa mơ", nhu cầu sau dịch COVID tăng chóng mặt

Các hoạt động thiền định chữa lành giải tỏa stress ở Trung Quốc đang bùng nổ vì giới trẻ ngày càng quan tâm tới sức khỏe tinh thần hơn.

Hoạt động lạ được ưa chuộng

Theo China Daily, xu hướng "tự nhìn vào tâm hồn" để giảm lo âu, giảm trầm cảm đã gia tăng sau đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Vào một buổi chiều chủ nhật, 15 bạn trẻ ngả lưng nằm trên những tấm thảm nhiều màu sắc và những chiếc gối xếp thành vòng tròn. Mắt họ nhắm nghiền, một số duỗi thẳng chân về phía trước và những người khác cuộn tròn, trông như thể họ đang ngủ.

Kong Yi ngồi khoanh chân trước mặt họ, dùng một chiếc vồ đặc biệt gõ nhẹ vào những chiếc bát kim loại trước mặt, tạo ra âm thanh vang vọng bên trong căn phòng yên tĩnh ở trung tâm thành phố Thâm Quyến, một thành phố nhộn nhịp ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo hướng dẫn của Kong, họ tham gia vào một buổi thiền định và chữa bệnh bằng âm thanh kéo dài hai giờ. Lắng nghe âm thanh nhỏ dần của các nhạc cụ cổ xưa như bát nhạc và cồng chiêng, những người tham gia đạt đến một trạng thái tập trung sâu hơn, như thể "nửa tỉnh nửa mê".

Sau đó, họ được hướng dẫn tưởng tượng rằng mình đang nói chuyện với một nhà thông thái mặc đồ trắng, trong thời gian đó họ có thể đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ nhà thông thái trong nửa giờ. Trong phần cuối cùng, họ được khuyến khích chia sẻ những cuộc trò chuyện nội tâm của mình với những người tham gia khác.

"Trong buổi học đó, nhiều người đã hỏi ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng mọi người đều đưa ra những câu trả lời khác nhau từ nhà thông thái - thực ra là từ chính họ", Kong, người điều hành một studio cung cấp các khóa học chữa lành tâm hồn kết hợp với các loại hình nghệ thuật như hội họa, âm nhạc và khiêu vũ, cho biết.

Những trải nghiệm tâm linh, thiền định như vậy có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng và giảm bớt trầm cảm và đã trở thành lựa chọn mới nhất cho thế hệ trẻ Trung Quốc. Nhờ đó, họ có thể tìm kiếm sự thư giãn và khám phá nội tâm.

Trong số các nhóm khách hàng của Kong có những người quan tâm đến nghệ thuật và chữa bệnh tâm lý — những nhân viên văn phòng trẻ tuổi có học thức cần thư giãn và những bà mẹ toàn thời gian có sở thích học hỏi và trò chuyện.

Kong cho biết: "Giai đoạn giống như giấc ngủ này - mặc dù chỉ kéo dài nửa giờ - nhưng rất dễ chịu và thư giãn. Nhiều người thức dậy với cảm giác như họ đã ngủ trong một thời gian dài".

Cô nói, thông qua thiền định, tiềm năng tự phục hồi trong mỗi cá nhân đã được phát huy, đó là một quá trình tuyệt vời. "Họ loại bỏ được một số suy nghĩ không có lợi cho cuộc sống và cảm thấy thư thái khi hết buổi", cô nói.

Người phụ nữ 37 tuổi đã chuyển sang nghiên cứu chữa bệnh bằng nghệ thuật trong những năm gần đây sau khi được truyền cảm hứng trong lần thử đầu tiên vào năm 2016. Cô nhận thấy rằng những người trẻ Trung Quốc có tư duy cởi mở giờ sẵn sàng thử giải tỏa bằng nghệ thuật, vốn có thị trường rất bé trong vài năm trước.

Kong cho rằng một phần nguyên nhân là do việc thường xuyên cách ly và giãn cách xã hội được thực hiện trong ba năm qua để phòng chống dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách đối phó với căng thẳng của mọi người.

"Mọi người thường đi xem phim, hát karaoke, mua sắm, ăn uống nhưng bây giờ họ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, đó là một loại khả năng cần rèn luyện, vì vậy việc chữa bệnh bằng âm thanh và thiền định mang lại sự khám phá nội tâm hiện đang được chào đón bởi công chúng", cô nói.

Liệu pháp chữa trị bằng nghệ thuật vẫn còn là một thị trường ngách ở Trung Quốc, nhưng Kong tin rằng thị trường đang mở rộng. Trong thời kỳ hậu đại dịch, con người có nhu cầu "xả stress" và đời sống tinh thần ngày càng cao.

Sở thích giải tỏa căng thẳng

Theo một báo cáo được công bố bởi Bilibili, một nền tảng chia sẻ video phổ biến với giới trẻ Trung Quốc, vào tháng 10, thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của họ. Số lượt xem các video liên quan đến các chủ đề như vậy trong năm qua đã tăng mạnh 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số những người dùng tìm kiếm câu trả lời hoặc đưa ra đề xuất về các vấn đề tâm lý thông qua nền tảng này, những người từ 24 tuổi trở xuống chiếm tới 76%. Báo cáo cho thấy những từ cảm xúc có tần suất tìm kiếm cao trên nền tảng bao gồm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng.

Nhu cầu tìm kiếm sự giải trí sau giờ làm việc của giới trẻ đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều loại hình trải nghiệm mới lạ nhằm mục đích thư giãn. Việc họ sẵn sàng chi tiền cho những sở thích mới này đã thúc đẩy các nghề giúp khách hàng xả stress.

Một danh sách mười hoạt động giảm căng thẳng phổ biến mới nổi trong năm nay do Meituan, một nền tảng dịch vụ theo yêu cầu, đưa ra, bao gồm chơi súng bắn sợi (tufting), đóng vai thám tử phá án, mát-xa và nuôi chó mèo.

Trải nghiệm bắn sợi - một công nghệ biến len thành chăn được sử dụng trong sản xuất công nghiệp - là một hoạt động không thể bỏ qua tại các xưởng thủ công ở Trung Quốc trong năm nay, nơi khách hàng có thể trải nghiệm tự làm thảm hoặc túi xách.

Khách hàng chọn một bức tranh họ thích và chiếu đường viền của nó lên một mảnh vải, giơ súng điện lên và lấp đầy mẫu bằng len đầy màu sắc. Các hội nhóm bắn sợi đã xuất hiện ở các thành phố lớn trên cả nước trong năm qua vì hoạt động này rất dễ bắt đầu và không kém phần thú vị.

Jiang Junqi, 28 tuổi, tốt nghiệp ngành nghệ thuật và là một họa sĩ minh họa tự do, đã đưa hoạt động thêu ren vào xưởng nghệ thuật dạy vẽ của cô ở trung tâm thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vào đầu năm nay khi cô nhận thấy nhu cầu đối với thú vui này tăng cao.

Vào những ngày cuối tuần, xưởng thêu ren thu hút các bạn trẻ yêu thích thủ công mỹ nghệ. Họ dành cả ngày để dệt len, mỗi người cầm một khẩu súng bắn sợi trên tay, tiếng cười nói rôm rả tràn ngập căn phòng.

Jiang cho biết sinh viên tuổi teen và nhân viên văn phòng dưới 30 tuổi là những người thích bắn sợi điển hình."Mọi người xung quanh tôi đều sẵn sàng thử và thấy thú vị, đặc biệt là phụ nữ, những người không thể nói không với những thứ liên quan đến vải vóc", Jiang nói.

Những người trẻ tuổi thích hoạt động kết hợp nghệ thuật và thực tế này, và có thể làm quà tặng cho người khác hoặc làm một tấm thảm nhỏ để che hộp công tơ điện ở nhà, cô nói và cho biết thêm rằng một khách hàng quen đã làm cả chục tấm thảm.

"Nó có thể làm tâm hồn con người trở nên phong phú hơn. Nhiều người không biết rằng họ có thể làm nghệ thuật và cảm thấy rằng nghệ thuật rất khó. Thực tế không phải vậy, và nghệ thuật ở xung quanh chúng ta", Jiang nói thêm.

Trong khi đó, những người trẻ tuổi bị căng thẳng lại khao khát một nơi mà họ có thể có những trải nghiệm khác biệt khi rời xa công việc, Jiang nói.

"Một số người nói rằng họ giống như những chiếc đinh ốc cứ làm việc trong văn phòng nhưng khi họ chơi súng bắn sợi, họ có thể quên đi công việc của mình và chỉ tập trung vào làm đồ thủ công", cô nói.

(Nguồn: Soha)

Bao giờ Ukraine sẽ phát động đợt phản công mùa xuân?

(Ảnh minh họa).

Nhiều nhà quan sát dự đoán Ukraine sẽ tiến hành một cuộc phản công chống lại quân đội Nga trong tương lai rất gần, nhằm nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng.

Trong nhiều tháng, các lực lượng Ukraine đã tập trung vào việc kiềm chế và làm kiệt quệ quân đội Nga.

Nhưng cả các quan chức Ukraine và các đồng minh Phương Tây đã công khai hoặc chia sẻ kín đáo về một cuộc tấn công lớn sắp diễn ra vào mùa xuân, và chúng ta biết rằng Ukraine đã chuẩn bị về quân đội và vũ khí mới trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, các chi tiết khác của kế hoạch vẫn được giữ bí mật và chúng ta có thể cho rằng Ukraine sẽ cố gắng đánh lạc hướng kẻ thù của họ nhằm tạo bất ngờ.

Sau đây là những gì chúng ta có thể nói về kế hoạch phản công của Ukraine cho đến nay.

Phản công là gì?

Một cuộc phản công thường được mô tả là một cuộc tấn công hoặc hoạt động quân sự quy mô lớn được thực hiện bởi một lực lượng vũ trang trước đó đã ở thế phòng thủ.

Ví dụ, trong một cuộc phản công nhanh vào tháng 9/2022, các lực lượng Ukraine cho biết họ đã tái chiếm hơn 8.000 km vuông trong sáu ngày ở khu vực đông bắc Kharkiv.

Nhưng các nhà chức trách đã cảnh báo về việc đơn giản hóa quá mức những gì liên quan đến các kế hoạch như vậy.

"Một cuộc phản công không phải là một sự kiện đơn lẻ bắt đầu sau một hồi còi và sau đó nhất thiết phải kết thúc trong một thời gian có thể đoán trước được”, Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC Newsnight.

"Đây là cuộc chiến có tính cơ động, đây là cuộc chiến rất khốc liệt và có rất nhiều yếu tố phải được tính đến."

Ukraine sẽ phản công khi nào?

Ông Sak cho biết Ukraine sẽ tiến hành phản công một khi họ nhận thấy có thể "đạt được nhiều thành công nhất có thể" với ít tổn thất quân sự hơn.

"Quân đội Nga đã có đủ thời gian để tạo ra các tuyến phòng thủ kiên cố," ông nói thêm.

Nhưng một số sự kiện gần đây có thể chỉ ra rằng việc chuẩn bị cho cuộc phản công có thể đã bắt đầu.

Hai vụ cháy riêng rẽ tại các kho trữ nhiên liệu đã bùng phát trong vài ngày qua ở miền nam nước Nga và ở Crimea do Nga chiếm đóng, trong đó có một vụ ở khu vực Krasnodar gần cây cầu dẫn đến bán đảo Crimea đang bị chiếm đóng.

Tuần này, hai vụ nổ ở khu vực biên giới Bryansk của Nga đã làm trật bánh các đoàn tàu chở hàng, trong khi các đường dây điện bị phá hủy bởi một thiết bị nghi là chất nổ ở khu vực Leningrad.

Mặc dù Ukraine không nhận trách nhiệm cho cuộc tấn công nào trong số này, nhưng quân đội Kyiv đã nói rằng việc phá hoại hậu cần của quân Nga là một phần trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phản công đã được mong đợi từ lâu của họ.

Nga thu hẹp quy mô lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đổ lỗi cho các mối đe dọa an ninh.

"Tất nhiên chúng tôi biết rằng chính quyền Kyiv, đứng sau một số vụ tấn công, hành động khủng bố như vậy, có kế hoạch tiếp tục chiến dịch của mình. Tất cả các cơ quan đặc biệt của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo an ninh", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Ukraine chuẩn bị phản công như thế nào?

Quân đội Ukraine đã không tiến hành bất kỳ hành động tấn công quy mô lớn nào trên mặt trận Nga-Ukraine kể từ cuối năm 2022.

Trong suốt những tháng mùa đông, họ đã làm tổn hại quân đội Nga và tiêu hao lực lượng dự bị của họ.

Hơn 20.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Ukraine kể từ tháng 12/2022, theo ước tính của Mỹ.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby cho biết thêm 80.000 người đã bị thương, trích dẫn thông tin tình báo mới được giải mật. BBC không thể xác minh độc lập những con số này.

Đồng thời, dữ liệu sơ bộ cho thấy 12 lữ đoàn đã được chuẩn bị tính đến tháng này, với quân số từ 40.000 đến 50.000 binh sĩ Ukraine.

Kyiv cũng đã sở hữu một tỷ lệ lớn các thiết bị như xe bọc thép và pháo đã được các đồng minh phương Tây hứa hẹn viện trợ.

Các quan chức Ukraine cho biết cuộc phản công có thể diễn ra vào cuối tháng Tư hoặc đầu tháng Năm. Các kênh truyền thông Mỹ trích dẫn những nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đề cập đến những mốc thời gian này.

Tuy nhiên, một hoạt động quy mô lớn như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết. Ở miền đông và miền nam Ukraine, tháng Tư mưa rất nhiều nên các xe bọc thép sẽ phải vất vả để di chuyển qua bùn lầy với tốc độ cao.

Tuy nhiên, thời tiết khô ráo vào đầu tháng Năm đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc Ukraine sắp bắt đầu đợt phản công.

Các blogger quân sự Nga, cũng như thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, dự đoán rằng cuộc phản công sẽ bắt đầu trước ngày 15/5, khi mặt đất đủ cứng để các phương tiện di chuyển qua.

Tại sao Ukraine sẽ phát động một cuộc phản công?

Chính quyền Ukraine và các đồng minh Phương Tây đều cho biết sự thành công của cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine là rất quan trọng.

Tổng thống Volodymyr Zelensky rất muốn giành lại các vùng đất do Nga chiếm đóng ở Ukraine. Ông cũng muốn chứng minh giá trị của các khoản đầu tư của các chính phủ ở châu Âu và Mỹ vào lực lượng Ukraine.

Các binh lính Ukraine có khả năng phải đối mặt với những rào cản đáng kể để đạt được thành công.

Họ không có lợi thế hơn quân đội Nga về nhân sự hay xe bọc thép. Nga cũng áp đảo Ukraine về số lượng lẫn chất lượng máy bay quân sự.

Để chống lại ưu thế trong lĩnh vực không quân này của Nga, lực lượng vũ trang Ukraine cần một số lượng lớn các hệ thống phòng không di động, nhưng tính đến đầu tháng 5, họ không có đủ thiết bị cho các hoạt động trên một mặt trận rộng lớn.

Đồng thời, quân đội Nga gặp vấn đề trong việc phối hợp và huấn luyện các đơn vị của mình, đồng thời chịu những đòn giáng mạnh vào tinh thần và trạng thái tâm lý của họ.

Các cuộc tấn công kéo dài không thành công gần Mariinka, Vuhledar, Avdiivka và Bakhmut đã làm kiệt quệ lực lượng Nga đáng kể, đặc biệt là về mặt cung cấp đạn dược cho họ.

Cuộc phản công sẽ diễn ra ở đâu?

Để duy trì yếu tố bất ngờ, các nhà lãnh đạo Ukraine đã giữ bí mật địa điểm của cuộc phản công đã lên kế hoạch của họ.

Các nhà phân tích và chuyên gia quân sự đã gợi ý một số khu vực mà phía Ukraine có thể lựa chọn.

Một trong những địa điểm đó là ở phía nam Ukraine, trong khu vực Zaporizhzhia. Phản công theo hướng này sẽ cho phép các lực lượng Ukraine cắt đứt "hành lang trên bộ" của Nga từ Crimea đến Donbas và làm gián đoạn hoạt động hậu cần của quân đội Nga ở cả hai hướng.

Tuy nhiên, quân đội Nga đã tăng cường củng cố khu vực này bằng nhiều tuyến phòng thủ, trong đó có các chiến hào lớn.

Trong khi đó, cuộc chiến giành thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine là cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu nhất cho đến nay.

Tổng thống Zelensky đã gọi đây là "pháo đài" của tinh thần Ukraine.

Cùng với việc nâng cao tinh thần, thành công cho Ukraine ở đây có thể dẫn đến sự sụp đổ của lực lượng Nga gần các thành phố quan trọng chiến lược như Popasna, Horlivka và Avdiivka.

Các khả năng khác bao gồm phát động một cuộc phản công về phía nam và phía đông từ Kherson, hoặc từ Vuhledar về phía Volnovakha, hoặc có thể cố gắng cắt đứt tuyến đường chiến lược quan trọng giữa các thành phố Svatove và Kreminna của Luhansk ở phía đông.

(Nguồn: BBC)

Dải Gaza biến thành chảo lửa - Hội đồng Bảo an họp khẩn

Hôm qua (10/5) là ngày thứ hai liên tiếp Israel tấn công các mục tiêu của nhóm vũ trang Thánh chiến Hồi giáo Jihad tại dải Gaza. Ngược lại, hàng trăm rocket tên lửa từ Gaza cũng đã được phóng sang lãnh thổ Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, chiến dịch quân sự nhằm vào Gaza chưa kết thúc. Theo quân đội Israel, các lực lượng vũ trang nước này đã tấn công khoảng 50 mục tiêu của nhóm vũ trang Thánh chiến Hồi giáo Jihad, bao gồm cả các địa điểm mà nhóm này phóng tên lửa sang Israel.

Vài phút sau cuộc tấn công của Israel, còi báo động tên lửa đã vang lên tại khu vực biên giới và thành phố Tel Aviv của nước này. Thủ tướng Israel cho biết, hơn 400 quả rocket đã được phóng từ Gaza, trong đó hơn 1/4 quả rocket đã tự rơi trong lãnh thổ Gaza.

Hơn 20 người tại dải Gaza đã thiệt mạng, trong đó có 3 chỉ huy cấp cao của nhóm Jihad kể từ khi Israel thực hiện các cuộc tấn công.

Trong bối cảnh đó, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế, nhanh chóng hạ nhiệt tình hình. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, những cái chết của dân thường ở Gaza là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cũng chỉ trích các vụ phóng tên lửa bừa bãi từ Gaza sang lãnh thổ Israel. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa.

Hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã họp kín để bàn về căng thẳng giữa Israel và các nhóm vũ trang tại dải Gaza. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng.

Theo các nguồn tin từ Israel và dải Gaza, hiện Ai Cập đang nỗ lực trung gian để các bên có thể ngừng giao tranh./.

(Nguồn: VOV)

Pakistan huy động quân đội đối phó làn sóng biểu tình bạo loạn

(Ảnh minh họa).

Chính phủ Pakistan đã đề nghị quân đội hỗ trợ trong việc đối phó với các cuộc biểu tình bạo loạn đang lan rộng tại quốc gia này.

Reuters ngày 10/5 đưa tin, chính phủ Pakistan đã huy động quân đội vào cuộc nhằm nhanh chóng ổn định tình hình sau hàng loạt các vụ biểu tình bạo loạn trong 2 ngày qua.

Theo nhà chức trách Pakistan, các cuộc bạo loạn nhằm phản đối việc cơ quan phòng chống tham nhũng nước này bắt cựu Thủ tướng Imran Khan đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng cùng nhiều tài sản cũng như công trình công cộng bị phá hủy. Bên cạnh đó, ít nhất 145 cảnh sát đã bị thương sau những vụ đụng độ với người biểu tình.

Nhà chức trách Pakistan khẳng định sẽ tiến hành những biện pháp mạnh để ngăn chặn bạo loạn bùng phát. Theo các báo cáo mới nhất, 1.300 người đã bị bắt vì liên quan tới những cuộc biểu tình trong 2 ngày qua.

Quân đội Pakistan đã đưa ra thông cáo trong đó khẳng định mọi hành vi tấn công vào các công trình thuộc sở hữu của nhà nước, quân đội hoặc lực lượng hành pháp Pakistan sẽ bị "đáp trả thích đáng".

Trước đó, một tòa án tại Pakistan hôm 10/5 đã đồng ý gia hạn tạm giam cựu Thủ tướng Khan thêm 8 ngày để phục vụ quá trình điều tra của cơ quan phòng chống tham nhũng quốc gia.

Ngày 9/5, hàng chục nhân viên của cơ quan phòng chống tham nhũng Pakistan đã tiến hành bao vây và bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan bên ngoài trụ sở Tòa thượng thẩm tại thủ đô Islamabad. Nhà chức trách Pakistan sau đó xác nhận ông Khan bị bắt giữ vì từ chối trình diện cơ quan phòng chống tham nhũng của nước này.

Vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan đã châm ngòi cho nhiều vụ biểu tình bạo loạn quy mô lớn tại khắp các tỉnh và thành phố ở Pakistan. Người biểu tình ủng hộ ông Khan đã tiến hành chặn đường cao tốc, đập phá và đốt các phương tiện giao thông, trụ sở chính quyền, cũng như một số chốt kiểm soát quân sự.

Phó Chủ tịch đảng PTI của cựu Thủ tướng Khan Shah Mahmood Qureshi lên tiếng chỉ trích lực lượng hành pháp Pakistan đã bắt giữ ông Khan một cách trái luật.

"Tại sao luật sư riêng cùng các quan chức cấp cao không được phép gặp ông Khan? Tại sao ông Khan chưa được hiện diện trước công chúng", ông Qureshi chất vấn.

Về phản ứng của quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng đề nghị các bên tại Pakistan giữ bình tĩnh, tránh xa bạo lực và tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa. Ông Guterres cũng đề nghị nhà chức trách Pakistan "tôn trọng các thủ tục pháp lý và luật pháp" trong việc bắt giữ cựu Thủ tướng Khan.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang