.jpg)
7 VỤ HÀNG GIẢ RÚNG ĐỘNG DƯ LUẬN 5 THÁNG ĐẦU NĂM
Hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn bị triệt phá thời gian qua cho thấy mức độ tinh vi, liều lĩnh của tội phạm, đồng thời đặt ra cảnh báo về an toàn sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh hàng tiêu dùng ngày càng phong phú, người Việt đang đối mặt với một hiểm họa mang tên "hàng giả công nghệ cao" – những sản phẩm được làm giả tinh vi, đánh vào niềm tin của người tiêu dùng.
Không còn là những sản phẩm nhái rẻ tiền, hàng giả ngày nay được đóng gói sang trọng, quảng cáo rầm rộ bởi người nổi tiếng, lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với chiến lược marketing chuyên nghiệp.
Dưới đây là những vụ việc điển hình vừa được cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng qua, phản ánh mức độ nguy hiểm và quy mô ngày càng lớn của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả tại Việt Nam.
1. Triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả số lượng lớn tại Bắc Giang
Ngày 07/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an xã Đại Lâm và Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang do Nguyễn Văn Khánh làm chủ cơ sở.
Kết quả điều tra xác định: Từ khoảng cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu khách hàng tiêu dùng nhiều loại sản phẩm là mỹ phẩm nên đã nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời.
Đến nay, Nguyễn Văn Khánh đã bán trót lọt trên 100.000 đơn hàng cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và với doanh thu trên 6 tỷ đồng.
Tại cơ sở sản xuất của Nguyễn Văn Khánh, lực lượng chức năng đã thu giữ 13 loại mỹ phẩm khác nhau với gần 2.500 sản phẩm thành phẩm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
2. Triệt phá, thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả tại Hà Nội
Ngày 7/5/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP Hà Nội triệt phá một ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô cực lớn do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.
Tận dụng chuyên môn dược sĩ, Tiến tự tạo công thức, mua nguyên liệu trong nước, thuê người không có chuyên môn pha chế, đóng gói thành các sản phẩm giả dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng và thiết bị y tế nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ…
Các đối tượng lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty nhập khẩu để tạo vỏ bọc hợp pháp, còn lại để phân phối hàng hóa.
PC03 đồng loạt khám xét gần 20 địa điểm tại 20 tỉnh thành, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả gồm hàng chục nghìn hộp, lọ, vỉ sản phẩm cùng máy móc, khuôn ép, tem nhãn… Các sản phẩm được phân phối vào cả hiệu thuốc, bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Công an đã tạm giữ nhiều đối tượng liên quan, tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm trước pháp luật.
3. Hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả nhập từ Trung Quốc
Trước đó, ngày 27/4/2025, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có quy mô rất lớn, số lượng thực phẩm chức năng thu giữ lên tới trên 100 tấn.
5 người bị khởi tố bắt tạm giam, trong số này có 3 giám đốc gồm: Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA); Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar) và Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức).
Từ năm 2016, nhóm này đã điều hành nhiều công ty để sản xuất thực phẩm chức năng giả, dán nhãn “nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ”, nhưng thực tế nguyên liệu phần lớn đến từ Trung Quốc.
Đường dây này sản xuất hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ yếu nhắm vào người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Doanh thu của một công ty trong hệ thống đã vượt 800 tỷ đồng từ năm 2021.
Công an xác định nhóm đối tượng chủ yếu là trình dược viên, bán hàng qua hệ thống chợ thuốc và còn gia công cho nhiều đơn vị khác.
4. Phát hiện 70.000 lít dầu ăn và hàng chục tấn gia vị giả ở Phú Thọ
Ngày 26/4/2025, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ kiểm tra Công ty Famimoto Việt Nam tại khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì, phát hiện một cơ sở sản xuất thực phẩm và gia vị giả với quy mô lớn.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn giả, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh cùng nhiều phụ gia, hương liệu không rõ nguồn gốc.
Điều tra ban đầu xác định cơ sở này đã hoạt động trong thời gian dài với quy trình sản xuất khép kín, từ pha chế, đóng gói đến dán nhãn.
Dầu ăn giả được sản xuất từ nguyên liệu kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; còn các loại gia vị chứa phụ gia không được kiểm định.
Đáng chú ý, công ty này còn lợi dụng mạng xã hội, livestream để quảng bá sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng.
5. Đường dây thuốc giả quy mô lớn bị bóc gỡ tại Thanh Hóa
Ngày 18/4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả quy mô lớn do Nguyễn Tiến Đạt cầm đầu, gây chấn động dư luận.
Đường dây này đã hoạt động trong suốt 4 năm, sản xuất và phân phối một lượng lớn thuốc giả đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Các loại thuốc giả bị thu giữ bao gồm nhiều nhãn hiệu quen thuộc như Tetracycline, Clorocid, Neo-Codion, cùng hàng loạt thuốc xương khớp được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Hong Kong, Malaysia, Singapore.
Quá trình khám xét đã thu giữ hàng nghìn hộp thuốc giả, bao gồm 2.285 hộp thuốc bổ tỳ tăng lực nhân sâm nhung hươu đông trùng hạ thảo, 1.923 hộp Viên Giáo Sư (thường gọi là “xương khớp xanh”), và 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (cũng được gọi là “xương khớp xanh”).
Các sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ qua mạng xã hội, các chợ tự do hoặc bán trực tiếp cho người dân mà không cần đơn thuốc, khiến nguy cơ gây hại càng tăng cao.
6. Gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện tại Hà Nội
Ngày 11/4/2025, Bộ Công an triệt phá một đường dây sản xuất sữa bột giả với quy mô lớn, hoạt động dưới vỏ bọc của hai công ty: Rance Pharma và Hacofood Group.
Các sản phẩm sữa giả được quảng cáo là dành cho những đối tượng đặc biệt như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, trẻ thiếu tháng và phụ nữ mang thai, với thành phần công bố chứa các chất cao cấp như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca và bột óc chó.
Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy tất cả đều là sản phẩm thông thường, không hề chứa thành phần cao cấp như cam kết. CQĐT đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả; đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ cao các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường nội địa, Vũ Mạnh Cường (46 tuổi) và Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi) đã thành lập 2 công ty trên để sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
7. Kẹo rau củ Kera
Kẹo rau Kera từng được tung hô như một giải pháp thay thế rau củ, nổi bật nhờ sự quảng bá của loạt nhân vật có sức ảnh hưởng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Hoa hậu Thùy Tiên.
Tuy nhiên, ngày 3/4/2025, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng” liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) và Công ty CP Asia Life, đơn vị sản xuất kẹo Kera.
Qua điều tra cho thấy, hàm lượng bột rau thực tế chỉ từ 0,61–0,75%, hoàn toàn trái ngược với mức 28% được công bố. Ngoài ra, kẹo còn chứa tới 33,4% sorbitol, chất nhuận tràng không hề ghi nhãn. Hơn 135.000 hộp kẹo đã được bán ra chỉ trong 4 tháng từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, thu về hàng chục tỷ đồng.
Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ khi các sản phẩm gây hại lại được tiếp thị thông qua các gương mặt nổi tiếng, dẫn dụ người tiêu dùng bằng những lời hứa sức khỏe vô căn cứ.
CÔNG NGHỆ “PHÙ PHÉP” HÀNG TẤN KẸO TRUNG QUỐC THÀNH HÀNG NHẬT
Nguyễn Viết Cường (SN 1987, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhận thấy thị trường tại Hà Nội có nhu cầu lớn về các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài và mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc về đóng gói nhãn mác Nhật, Hàn để bán.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối tượng Nguyễn Viết Cường (SN 1987, trú tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm. Vụ việc trên bị phát hiện vào tháng 1/2025.
Theo cơ quan công an, đầu năm 2024, Nguyễn Viết Cường nhận thấy thị trường bánh kẹo tại Hà Nội có nhu cầu lớn về các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài. Từ đó, Cường nảy sinh ý định sản xuất kẹo giả để bán dịp Tết Nguyên đán.
Sau đó, Cường đã lên mạng xã hội Facebook và tìm thấy trang "Tổng kho hàng Trung" chuyên cung cấp kẹo cân và vỏ bao bì in sẵn nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Cường cũng được "tư vấn" các tên thương nhân nhập khẩu trên bao bì chỉ là "tên tự nghĩ ra, không có thật" nên không lo làm hàng giả, hàng nhái của công ty nào tại Việt Nam.
Đối tượng khai nhận, kẹo nguyên liệu được mua từ Trung Quốc với giá 300 nghìn đồng/thùng (10kg) và túi ni lông bao bì 100 nghìn đồng/kg. Sau 2 lần nhập hàng, tổng khối lượng Cường mua khoảng 6 tấn kẹo và 345kg túi ni lông.
Số nguyên liệu này được Cường tập kết tại Khu công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức để sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất được làm thủ công với trọng lượng mỗi túi từ 200g - 300g, mang 6 nhãn hiệu khác nhau có bao bì gần giống với các thương hiệu kẹo nổi tiếng của nước ngoài, đang bán chạy trên thị trường, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Sau đó, sử dụng máy hàn để hàn kín miệng túi và máy in "date" để in hạn sử dụng lên vỏ túi, biến thành kẹo thành phẩm với nguồn gốc xuất xứ giả mạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ tháng 11/2024 đến khi bị bắt, Cường đã sản xuất hơn 25.000 gói kẹo các loại với giá trị ước tính gần 430 triệu đồng. Toàn bộ số kẹo và nguyên liệu chưa kịp tiêu thụ đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra và thu giữ.
HÀNG KHÔNG SÔI ĐỘNG, GIÁ VÉ CÓ GIẢM?
.jpg)
Việc có thêm hãng hàng không, mua thêm máy bay đã mở ra chặng đường phát triển mới của ngành hàng không Việt Nam.
Vài ngày trước, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hãng hàng không Vietjet đã ký thỏa thuận với Airbus International để đặt mua 20 máy bay thân rộng A330-900, phục vụ cho kế hoạch phát triển trong thập kỷ tớ i.
Thêm hãng mới, đội bay mở rộng
Với hợp đồng này, Vietjet nâng tổng số đơn đặt hàng dòng A330neo lên 40 chiếc. Ngoài ra, hãng hiện có đơn hàng 96 máy bay một lối đi thuộc dòng A320neo. Đội bay hiện tại của Vietjet gồm 115 máy bay Airbus, bao gồm 108 chiếc dòng A320 và 7 chiếc A330-300.
Theo Vietjet, đơn đặt hàng mới sẽ hỗ trợ kế hoạch mở rộng các đường bay quốc tế, tăng tần suất trên những tuyến bay có nhu cầu cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mở rộng sang các đường bay dài đến châu Âu trong tương lai.
Một diễn biến đáng chú ý khác là Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways (SPA) của Tập đoàn Sun Group. SPA dự kiến có quy mô đội bay 31 chiếc vào năm 2030, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng (tương đương 98,81 triệu USD). Hãng dự kiến sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên vào quý IV/2025, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế - du lịch trong và ngoài nước.
Theo Sun Group, việc được phê duyệt chủ trương đầu tư là dấu mốc quan trọng không chỉ với hãng mà còn với sự phát triển của du lịch Phú Quốc nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. SPA kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối mới, đưa Phú Quốc đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch mua 50 máy bay thân hẹp trong giai đoạn đến năm 2032. Hãng cho biết sẽ tập trung đầu tư vào dòng máy bay này để nâng cao hiệu suất khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng. "Tổng công ty cũng đang mở và khôi phục 15 đường bay quốc tế trọng điểm đến các thị trường như Ý, Nga, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản và UAE. Những bước đi này sẽ giúp Vietnam Airlines mở rộng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế" - đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Với các hãng đang tái cơ cấu như Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ đón thêm máy bay mới từ đầu tháng 6 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong mùa hè 2025.
Hay Vietravel Airlines cũng có nhiều chuyển động sau khi ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch T&T Group, trở thành Chủ tịch HĐQT tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 4-2025. Trước đó, vào tháng 12-2024, hãng đã tiếp nhận nhà đầu tư chiến lược từ T&T Group sau khi Tập đoàn Vietravel chuyển nhượng cổ phần.
Tại Đại hội này, cổ đông lớn T&T Group đã công bố định hướng phát triển mới trong lĩnh vực hàng không, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái hàng không hoàn chỉnh theo mô hình tập đoàn. Ngoài mảng vận chuyển hành khách, T&T Group cũng có kế hoạch mở rộng sang vận chuyển hàng hóa bằng đường không (air cargo), xây dựng trung tâm logistics hàng không khu vực.
Chặng đường phát triển mới
TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), dẫn nguồn từ IATA cho biết năm 2025 sẽ đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của thị trường hàng không toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 9,1%. Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 5, dự kiến đạt 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035. "Năm nay, hàng không nội địa tăng trưởng trở lại, vượt mốc năm 2019. Đặc biệt, việc khôi phục và mở nhiều đường bay quốc tế giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc nhanh chóng đầu tư hạ tầng sân bay, bổ sung đội bay là bước đi phù hợp để đón đầu nhu cầu thị trường" - TS Bùi Doãn Nề nhận định.
Dưới góc nhìn của hành khách, việc các hãng mở rộng đội bay và thị trường đón thêm hãng mới như SPA có thể giúp hạ nhiệt giá vé máy bay. Bởi, hiện nay, thị trường hàng không nội địa có tới 6 hãng khai thác chuyến bay thường lệ, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và Vietravel Airlines. TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhìn nhận về lý thuyết, sự gia nhập của doanh nghiệp mới trong thị trường có cấu trúc độc quyền nhóm như hàng không sẽ làm tăng cạnh tranh, có thể dẫn đến giảm giá hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế trong và ngoài nước cho thấy tác động này không phải lúc nào cũng rõ ràng và bền vững.
Tại Việt Nam, từng có nhiều hãng hàng không tư nhân được cấp phép như Indochina Airlines hay Air Mekong nhưng phần lớn đều rút lui do thua lỗ kéo dài và khó cạnh tranh với các "ông lớn". "Nguyên nhân là chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận thấp, và sự phụ thuộc vào hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý - vốn đã quá tải. Việc có thêm hãng hàng không tư nhân là cần thiết nhưng để phát triển bền vững, cần có chiến lược rõ ràng và chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, tiếp cận slot bay, hoặc giảm phí dịch vụ giai đoạn đầu" - TS Tuấn nhận định.
NHÀ ĐẤT HÀ NỘI TĂNG GIÁ NHƯ "LÊN ĐỒNG" NHƯNG GIÁ CHO THUÊ CHỈ NHÍCH NHẸ, CHỦ NHÀ THẲN THẮNG TIẾT LỘ LÝ DO THẬT SỰ
Chị Hoa - chủ một căn nhà chia sẻ thẳng thắn giá bán nhà tăng phần nhiều là do người ta tự đồn thổi, rồi tự định giá với nhau, chứ thực tế nhu cầu không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu thuê là thật, người ta cần nhà để ở ngay - nên giá sẽ sát thực tế và mềm hơn.
Thời gian gần đây, thị trường nhà cho thuê trở thành tâm điểm chú ý khi ngày càng nhiều người lựa chọn thuê nhà thay vì mua, do giá bất động sản liên tục tăng cao. Theo thông tin Bộ Xây dựng công bố, trong năm 2024, chỉ tính riêng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng giá khoảng 40-50% so với năm 2023.
Theo khảo sát trên các nền tảng cho thuê, nhiều nhà riêng trong ngõ ở khu vực trung tâm như Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai… đang được niêm yết giá thuê 10–25 triệu đồng/tháng, tùy theo diện tích và tình trạng nội thất. Các căn nhà mới xây, có thang máy, chỗ để xe hoặc nằm trong ngõ ô tô ra vào được sẽ có giá cao hơn.
Đặc biệt, các căn có diện tích lớn phù hợp mở văn phòng quy mô vừa, nơi bán hàng online, lớp học tư, spa... thường được cho thuê với giá từ 15–30 triệu đồng/tháng.
Theo môi giới Kiên, anh hiện đang rao cho thuê một căn nhà riêng trong ngõ tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có diện tích 50 m2 gồm 4 tầng (5 phòng ngủ) - với mức giá 12 triệu đồng/tháng. Theo vị môi giới này, mức giá trên dù có tăng nhưng không đáng kể so với 1 năm trước.
Anh Kiên cho biết thêm, đối tượng thuê nhà riêng trong ngõ chủ yếu là các hộ gia đình, nhóm sinh viên có nhu cầu ở chung hoặc những người thuê lại để kinh doanh cho thuê phòng. Để thuê nhà riêng, khách hàng thường phải ký hợp đồng dài hạn một năm, thanh toán trước 3 tháng và đặt cọc 1 tháng tiền nhà.
Theo môi giới Phạm Văn Chi, anh hiện đang rao cho thuê căn nhà riêng trong ngõ đường Kim Đồng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có diện tích 55 m2 gồm 4 tầng (5 phòng ngủ) - với mức giá 12,5 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, mức giá thuê này đã được chủ nhà giữ nguyên trong suốt 4 năm qua, dù giá nhà liên tục leo thang.
Anh Chi cho biết thêm, không chỉ riêng trường hợp trên mà nhiều chủ nhà khác trong khu vực cũng chọn cách giữ giá hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ. Vị môi giới này chia sẻ: “Giá thuê nhà riêng ít biến động một phần là do các hợp đồng có thể kéo dài 2 – 3 năm, nên trong thời gian đó chủ nhà thường giữ giá ổn định hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ theo thỏa thuận của hai bên.
Ngoài ra, nhiều chủ nhà ưu tiên việc cho thuê nhanh để có dòng tiền đều đặn, thay vì kỳ vọng vào việc tăng giá. Đặc biệt, những căn diện tích nhỏ trong ngõ đối tượng thuê thường là nhóm bạn, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập trung bình – khá, nên mức giá thuê cũng được cân đối để phù hợp với khả năng chi trả của họ”.
Chị Hoa - chủ một căn nhà riêng có diện tích 40 m2 gồm 3 tầng, ngõ ô tô ra vào được nằm tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Chị cho biết đang rao cho thuê căn nhà này với giá 16 triệu đồng/tháng - chỉ cao hơn 1 triệu so với hợp đồng năm trước.
Chị Hoa chia sẻ thẳng thắn: “Giá bán nhà tăng phần nhiều là do người ta tự đồn thổi, rồi tự định giá với nhau, chứ thực tế nhu cầu không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu thuê là thật, người ta cần nhà để ở ngay - nên giá sẽ sát thực tế và mềm hơn. Hơn nữa, việc cho thuê giá hợp lý cũng giúp chủ nhà duy trì bất động sản, có thêm thu nhập đều hàng tháng, thay vì để trống không ai sử dụng”.
Về phía người thuê, điểm hấp dẫn lớn của nhà riêng trong ngõ là khả năng sử dụng đa năng: Vừa để ở, vừa làm văn phòng, vừa cho thuê lại một phần…
Anh Khổng Văn Chí (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết, hiện đang thuê một căn nhà 4 tầng, gồm 7 phòng ngủ tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) với giá 20 triệu đồng/tháng. Mức giá này đã được giữ ổn định suốt vài năm qua.
“Tôi giữ lại một phòng để ở, 6 phòng còn lại cho thuê với giá 3 - 4 triệu/phòng (tùy diện tích) thu về vừa đủ 20 triệu đồng/tháng, mỗi tháng coi như chỉ tốn công mà không mất tiền nhà” anh Chí chia sẻ. Cũng theo anh, do chủ nhà không tăng giá nên anh giữ nguyên mức thuê lại, không "ăn chênh" từ các phòng còn lại.
Một yếu tố khiến nhiều người chọn thuê nhà riêng trong ngõ là sự thoải mái. Chị Thu Hà (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây tôi thuê chung cư mini, nhưng bị bó buộc giờ giấc, không có không gian sinh hoạt chung. Từ khi chuyển sang nhà riêng trong ngõ, dù đi lại có phần bất tiện, tôi lại thấy dễ chịu hơn hẳn”.
Theo chia sẻ, chị Thu Hà cùng nhóm bạn 4 người đã thuê một căn nhà tại quận Hoàng Mai với mức giá 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí điện, nước, wifi… chia ra mỗi người trong nhóm tốn 2,5 triệu đồng/tháng. Mức giá này đối với chị rẻ hơn rất nhiều so với thuê chung cư mini, trung bình tốn 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong bối cảnh “đất chật người đông”, giá bất động sản không ngừng leo thang, việc sở hữu một căn nhà riêng là một bài toán khó, đặc biệt đối với những người có thu nhập trung bình. Vì vậy, thuê nhà đã trở thành phương án hiệu quả được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Năm 2025, thị trường thuê nhà được dự báo sẽ tiếp tục nóng do nhu cầu tăng mạnh.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn ghi nhận, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ của Hà Nội ở thời điểm hiện tại tăng khoảng 5-10% so với giữa năm 2024. Mức tăng này diễn ra đồng đều theo từng khu vực. Rất hiếm chủ nhà chào thuê ở thời điểm hiện tại không tăng giá thuê. Những mặt bằng vẫn giữ nguyên giá thuê là những mặt bằng vẫn đang còn thời hạn hợp đồng thuê. Ngoài ra, xu hướng tăng cũng nhằm “chống” lạm phát.
Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; CafeF; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá