5 tướng CS biển bàn bạc ăn chia; Vụ 500 căn biệt thự ở Đồng Nai; Vụ án tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

5 tướng cảnh sát biển bàn bạc trong phòng ăn về việc rút 50 tỉ đồng

(Ảnh minh họa).

Tòa án quân sự Quân khu Thủ Đô dự kiến đưa ra xét xử 2 cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Văn Đồng cùng 5 sĩ quan khác trong vụ án Tham ô tài sản, xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - Bộ Quốc phòng vào sáng mai 31-5.

Theo đó, các bị cáo bị đưa ra xét xử cùng về tội "Tham ô tài sản", gồm: 2 cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Văn Đồng, lần lượt là cựu tư lệnh và cựu chính ủy Cảnh sát biển ; Doãn Bảo Quyết, cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy; Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh; Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu phó tư lệnh và Bùi Văn Hòe, cựu thượng tá, cựu phó phòng tài chính.

Phiên toà sẽ do thẩm phán đại tá Phạm Minh Khôi làm chủ tọa. Hai đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Bộ đội biên phòng đồng giữ quyền công tố. 8 luật sư đăng ký tham gia tố tụng, bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỉ đồng ngân sách nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khi đó gặp, yêu cầu đại tá Nguyễn Văn Hưng, lúc này là Cục trưởng Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển: "Phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".

Trước đề nghị này, ông Hưng đáp lại Cục Kỹ thuật chưa bao giờ làm việc này, muốn rút ra 50 tỉ đồng cần có sự thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Sau đó, trung tướng Nguyễn Văn Sơn đã tạo điều kiện cho Cục Kỹ thuật bằng cách chỉ đạo phân bổ thêm 29 tỉ đồng, khiến ngân sách cho đơn vị này tăng lên 179 tỉ đồng.

Tháng 4-2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn cùng trung tướng Hoàng Văn Đồng và 3 thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng nói về việc "rút " 50 tỉ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật. Tại đây, tất cả đồng ý nên ông Sơn đã chỉ đạo đại tá Hưng thực hiện.

Đến lượt mình, đại tá Hưng lại yêu cầu 6 Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỉ đồng. Khi bị những Trưởng phòng phản ứng là khó, bị cáo này cho rằng: "Phải xác định việc rút lại 50 tỉ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành".

Sau đó, mỗi trưởng phòng dưới quyền đại tá Hưng được giao chỉ tiêu phải "rút ruột" từ 50 triệu đồng đến 25 tỉ đồng để đủ mức 50 tỉ đồng do Trung tướng Sơn yêu cầu. Tiếp đó, 6 trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, họ "đặt vấn đề" với các nhà thầu để nâng giá, nhằm "hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi". Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp rút ruột ngân sách 50 tỉ đồng. Có được số tiền này, trung tướng Sơn chia cho mình và 4 ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng.

Đến ngày 19-6-2020, ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm. Cơ quan chức năng vào kiểm tra, 5 người hưởng lợi tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỉ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Với 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, cơ quan tố tụng xác định họ "có mối quan hệ lệ thuộc", thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân. Do đó họ không xử lý hình sự.

(Nguồn: Soha)

Vụ 500 căn biệt thự ở Đồng Nai: Những ai bị “gọi tên”?

Kết luận Thanh tra tỉnh Đồng Nai nêu rõ hơn 20 cá nhân và 13 tổ chức từ cấp tỉnh tới cấp huyện liên quan sai phạm trong việc xây dựng 500 căn nhà trái phép tại huyện Trảng Bom.

Ngày 30-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, cá thể hóa hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ xây dựng 500 căn biệt thự trái phép tại khu dân cư Tân Thịnh do Công ty cổ phần đầu tư LDG làm chủ đầu tư.

Đây là động thái mới nhất của Công an tỉnh sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan dự án sai phạm trên.

Theo kết luận thanh tra tỉnh, ông Hoàng Văn Dung, cựu Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai xác nhận trên 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với nội dung chuyển nhượng cho Công ty LDG diện tích 16.094m2 (trong đó có 12.889m2 đất trồng lúa) khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là không đúng theo quy định Luật Đất đai.

Hành vi của ông Dung có dấu hiệu phạm tội hình sự nên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, kết luận thanh tra gọi tên 5 lần với các vi phạm thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường dự án không đúng quy định như: Kiểm kê, áp giá bồi thường, có trường hợp áp giá thu hồi đất không đúng chủ sử dụng đất theo hồ sơ pháp lý đất đai, thưởng di dời số tiền 313 triệu đồng trong khi hộ gia đình, cá nhân đã giao đất cho Công ty LDG xây dựng công trình trên đất, một số trường hợp thu hồi đất, phương án bồi thường mâu thuẫn với hồ sơ kiểm kê, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, không đúng chủ sử dụng đất… là vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, bà Châu cũng ký thông báo thu hồi đất không đúng chủ sử dụng đất, không đúng thửa đất, diện tích đất đã cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký quyết định thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó có ông Nguyễn Văn Minh (người nhận ủy quyền của một số hộ gia đình, cá nhân) tham gia với tư cách là người đại diện cho hộ dân có đất bị thu hồi, trong khi ông Nguyễn Văn Minh không có đất bị thu hồi trong dự án.

Tất cả sai phạm bà Châu bị kiến nghị xử lý hành chính.

Công ty LDG bị gọi tên 14 lần

Trong kết luận Thanh tra nêu vi phạm của 13 tổ chức, trong đó Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh bị kiến nghị chuyển cơ quan công an; UBND huyện Trảng Bom bị gọi tên 7 lần và công ty LDG bị gọi tên 14 lần với nhiều sai phạm nhưng chỉ bị kiến nghị xử lý hành chính.

Kết luận thanh tra chỉ ra Công ty LDG chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án.

Tuy nhiên, phía công ty đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó 198 căn biệt thự. Có 290 căn nhà liên kế đã thi công xong, 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở.

Đối với công ty LDG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi cơ quan quản lý nhà nước và chấp hành nghiêm việc xử lý sai phạm; không được thực hiện các giao dịch mua bán, đến khi hoàn thành các thủ tục.

(Nguồn: Người Lao Động)

Vụ án gây thất thoát, lãng phí 22 tỷ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn: Đến hẹn lại... ký

(Ảnh minh họa).

Tại phiên tòa, các cựu lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn khai nhận, việc chi tiền từ quỹ phúc lợi, khen thưởng là theo "ba - rem", cứ "đến hẹn lại… ký chi".

Hôm nay (30/5), TAND TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM), gây thất thoát, lãng phí số tiền 22 tỷ đồng . Trong đó, quỹ khen thưởng của CNS gây thất thoát 17,3 tỷ đồng và sai phạm khi thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE gây thất thoát gần 4,7 tỷ đồng.

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh Văn phòng CNS) khai nhận, tại CNS việc chi tiền thưởng thưởng, phúc lợi là danh sách có sẵn từ rất lâu. “Cứ đến hẹn lại lên”, chi theo "ba - rem" và danh sách có sẵn” - Bị cáo Vượng khai.

Trước đó, chiều 29/5, trả lời HĐXX, ông Chu Tiến Dũng thừa nhận cách chi khen thưởng của CNS là không đúng theo quy định của pháp luật. Ông Dũng trình bày rằng, khi ông về làm Tổng giám đốc CNS thì việc chi khen thưởng đã được thực hiện tương tự và ông Dũng cứ thế làm, không kiểm tra. Khi Cơ quan thanh tra vào cuộc thì ông Dũng mới biết việc này là sai.

Trả lời HĐXX về câu hỏi, nhận thức bản thân về quỹ khen thưởng, phúc lợi có phải là tài sản Nhà nước hay không? Bị cáo Đỗ Văn Ngà trả lời rằng, quỹ phúc lợi, khen thưởng của CNS được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, hạch toán vào tài khoản nợ phải trả ngắn hạn. Quỹ khen thưởng, phúc lợi, người thụ hưởng là người lao động trong công ty, không phải là tài sản của Nhà nước.

Trong vụ án này, 10 bị cáo cùng bị xét xử tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Đó là Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Nguyễn Hoàng Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS), Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS), Lê Viết Ba (cựu Phó phòng Tài chính - Kế toán CNS), Vũ Lê Tùng (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS), Phạm Thúy Oanh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP TIE - công ty con của CNS), Hoàng Minh Trí (cựu Thành viên HĐQT TIE, Phó giám đốc Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS).

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang