5 điểm mới về sổ đỏ; Gói 120.000 tỷ vẫn chưa được giải ngân; Mua điện gió, điện mặt trời vẫn tắc; Chính sách đặc thù cho TP.HCM

5 điểm mới về sổ đỏ

(Ảnh minh họa).

Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã sửa đổi, bổ sung quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 02/2023/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.

Thứ nhất, sửa quy định về số vào sổ cấp sổ đỏ.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận được ghi bằng chữ và số (là số thứ tựvào sổ cấp Giấy chứng nhận) theo quy định như sau:

Đối với Giấy chứng nhận do Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp thì ghi chữ “CH”, tiếp theo ghi số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận, gồm 5 chữ số và được ghi tiếp theo số thứ tự Giấy chứng nhận đã cấp theo Thông tư 17/2009/TTBTNMT.

Đối với Giấy chứng nhận do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp thì ghi chữ “CT”, tiếp theo ghi số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận gồm 5 chữ số được lập theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và được ghi tiếp theo số thứ tự Giấy chứng nhận đã cấp theo Thông tư 17/2009/TTBTNMT.

Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thì ghi chữ “CT”, tiếp theo ghi số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận gồm 5 chữ số được lập theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và được ghi tiếp theo hệ thống số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận.

Đối với Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký đất đai cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thì ghi chữ “VP”, tiếp theo ghi số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận gồm 5 chữ số được lập theo từng đơn vị hành chính cấp xã và được ghi tiếp theo hệ thống số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

Đối với Giấy chứng nhận do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thì ghi chữ “CN”, tiếp theo ghi số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận gồm 5 chữ số được lập theo từng đơn vị hành chính cấp xã và được ghi tiếp theo hệ thống số thứ tự vào sổ cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp.

Thứ hai, sửa đổi quy định xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai.

Khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã sửa đổi quy định xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) như sau:

Việc cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m và r khoản 1 và các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP).

Đối với trường hợp quy định tại điểm n khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận.

Thứ ba, sửa đổi quy định về cơ quan xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai.

Khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã sửa đổi quy định về cơ quan xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai tại Điều 19 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi bởi Thông tư 02/2015/TT-BTNMT).

Cụ thể, cơ quan thực hiện việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định như sau:

Trường hợp thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này do cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thực hiện.

Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai 2003 tiếp tục thực hiện việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.

Trường hợp đính chính nội dung sai sót vào Giấy chứngnhận đã cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 105 Luật Đất đai và Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thực hiện.

Trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thực hiện.

Cơ quan trên ghi ngày tháng năm; ký tên, đóng dấu và ghi họ tên và chức vụ người ký vào cột “Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, hướng dẫn mới về cấp sổ đỏ với đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Điều 2 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã bổ sung quy định về cấp sổ đỏ với đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất tại Điều 9a Thông tư 24/2014/TTBTNMT về hồ sơ địa chính.

Việc cấp Giấy chứng nhận được áp dụng cho toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng (bao gồm diện tích thửa đất gốc và diện tích đất tăng thêm).

Thứ năm, bãi bỏ nhiều thông tư về đất đai.

Thông tư 02/2023/TT-BTNMT bãi bỏ các thông tư về đất đai sau: Bãi bỏ khoản 1 Điều 18 của Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Bãi bỏ các khoản 13 và 15 Điều 6, khoản 7 Điều 7 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội chưa được giải ngân?

Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Phân tích về những nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạo, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, do các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Các địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngoài các dự án trên, đã có tỉnh Bắc Giang công bố 12 dự án đủ điều kiện vay. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường, và khoảng 40 dự án đang triển khai.

Trong tháng 4/2023, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vay. Nguồn vốn huy động cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại, có thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành đã kiến nghị bổ sung thêm đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Hiện nay, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và căn bản được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật này có hiệu lực.

Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hàng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. NHNN và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng./.

(Nguồn: CafeF)

Đàm phán mua điện gió, điện mặt trời vẫn 'tắc'

(Ảnh minh họa).

Bộ Công thương chưa chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về mức giá mua điện gió, điện mặt trời tạm thời và cho phát điện lên lưới theo chỉ đạo của Chính phủ, nên quá trình đàm phán, sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đối với 23 dự án điện chuyển tiếp vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Ngày 23.5, 23 chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị về việc hướng dẫn, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá mua điện tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán khi có giá chính thức trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện.

Theo các nhà đầu tư, ngày 17.5, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 182/TB-VPCP về kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và 23 nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trong ngày 12.5.

Trong đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trước ngày 20.5, Bộ Công thương khẩn trương có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá tạm thời và cho vận hành lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất về giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới điện.

Nhưng theo các nhà đầu tư, đến nay, EVN chưa nhận được hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công thương thực hiện theo nội dung Thông báo số 182/TB-VPCP. Do vậy, quá trình đàm phán, sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp những ngày vừa qua tiếp tục gặp vướng mắc.

Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng, trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung mua bán điện hiện nay chưa có quy định nào thể hiện rõ nội dung: sau khi đàm phán xong, thống nhất về giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới điện, như chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong Thông báo số 182/TB-VPCP. Điều này dẫn đến, các chủ đầu tư chưa thể ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.

Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán tiếp tục kéo dài, sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện hiện nay, các nhà đầu tư kiến nghị Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo đối với EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá tạm thời và cho phép EVN huy động lên lưới đối với các dự án đã hoàn tất đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương hướng dẫn, chỉ đạo EVN quy định rõ các nội dung trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung có giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7.1.

Đối với giá mua điện chính thức: bên mua điện và bên bán điện đàm phán và thống nhất giá mua điện chính thức; sau khi thống nhất giá chính thức, sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.

Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT theo Thông báo số 182/TB-VPCP và ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định để các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp sớm có giá mua bán điện chính thức.

Theo Bộ Công thương, cập nhật đến ngày 19.5, sau quá trình đám phán với EVN, đã có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời được phê duyệt giá mua điện tạm thời.

Bộ Công thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư các dự án này khẩn trương ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện chuyển tiếp theo phương án giá điện tạm thời, đồng thời hoàn thành các thủ tục pháp lý, yêu cầu kỹ thuật để sớm đưa các nhà máy này hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó khăn.

(Nguồn: Thanh Niên)

NÓNG: Chính phủ gửi Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển TP.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội (QH) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết). Báo cáo này dựa trên các tờ trình hồi tháng 4 và tháng 5 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ QH, QH về Dự thảo này.

Chính phủ cho biết việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ chính trị theo Nghị quyết 31 ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tại Nghị quyết 76 ngày 15-11-2022, QH đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trình QH xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.

Nghị quyết này nhằm tới mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP, góp phần xây dựng và phát triển TP HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và QH nêu trên.

Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm.

Một là bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội TP HCM và Nghị quyết 81 của QH về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hai là quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP thuộc thẩm quyền của QH.

Ba là việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP mà còn tạo điều kiện cho TP phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Bốn là cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết 54; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình QH thời gian tới.

Năm là quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.

Chính phủ đề xuất Dự thảo Nghị quyết của QH quy định thống nhất về hiệu lực thi hành sau khi Nghị quyết được QH thông qua và được thực hiện trong 5 năm. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc QH, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Dự thảo này dự kiến trình QH vào thứ 6, ngày 26-5.

Chính phủ cho biết dự thảo Nghị quyết đã được lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dưới đây là các nhóm cơ chế, chính sách mà Dự thảo Nghị quyết trình QH ra quyết nghị cho TP HCM:

Nhóm 1: Các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54

1. TP được điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên.

2. TP quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của QH và Chính phủ.

3. TP được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

4. TP được áp dụng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

5. TP được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương với mức không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

6. HĐND TP quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định của Nghị quyết 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này được thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới.

7. TP được chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.

Nhóm 2: Các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác

1.TP chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Phân cấp TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

3. Cho phép thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất của các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, địa phương, giao thông, khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí cộng đồng, có quy mô từ 300 ha hoặc có từ 1.000 hộ gia đình trở lên.

4. TP được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.

Nhóm 3: Các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình QH cho ý kiến

1. TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

2. Quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi.

3. Cho phép các tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.

4. Quy định việc sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được ký trước ngày Luật PPP có hiệu lực mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư.

5. Quy định đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, TP thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

6. Chủ đầu tư mua tài sản phát mãi là quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, tòa án,... để thực hiện dự án phi nông nghiệp nhưng chưa thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất đến hết ngày 30-6-2024.

Nhóm 4: Các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa

Trường hợp TP dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì TP được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo QH vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

1. TP được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

2. TP được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): Sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

3. Quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

4. TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách TP.

5. Quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán.

6. TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

7. Quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TP được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

8. TP được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành Quy chế thu, chi, đảm bảo tính minh bạch.

9. Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách TP hưởng 100%.

10. Cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

11. Quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

12. Quy định chính sách về xây dựng nhà ở xã hội: Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; Được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; Quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội.

13. Quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do nhà nước quản lý.

14. Quy định nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng.

15. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

16. Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới..; Các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; Trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

17. Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của TP.

18. TP được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP từ các Sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm.

19. Quy định số lượng cấp phó của UBND TP và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của TP.

20. Quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

21. Quy định việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.

22. TP được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

23. TP được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.

24. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu công nghiệp, khu chế xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP.

25. Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

26. Quy định việc HĐND TP HCM thành lập một số Ban, phòng Ban, Văn phòng thuộc TP Thủ Đức.

27. Quy định HĐND TP Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP Thủ Đức.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang