19 cơ chế đặc thù làm đường sắt tốc độ cao; ‘Nóng’ giải ngân vốn công TP.HCM; Hồi sinh bán đảo Thanh Đa; Vụ ‘chuyến bay giải cứu’

19 CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO BẮC-NAM

Chính phủ đề xuất đầu tư 67,34 tỉ USD theo hình thức đầu tư công để làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, với 19 cơ chế, chính sách đặc thù

Chính phủ vừa trình Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (gọi tắt là Dự án). Tuyến đường dự kiến dài 1.541 km; đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Để sớm hoàn thành Dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam tại Kỳ họp thứ 8, sau đó sẽ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha.

Hình thức đầu tư là đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD). Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,... trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Chính phủ kiến nghị Dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù áp dụng để triển khai. Trong đó có những cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù như về cơ cấu nguồn vốn cho Dự án, Chính phủ đề xuất trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định sử dụng các nguồn trái phiếu Chính phủ; vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các nguồn vốn hợp pháp trong nước khác theo quy định của pháp luật.

Về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho Dự án, để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là chủ động trong việc bố trí nguồn lực đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2035, đề nghị giao thẩm quyền này từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho Dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

Khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất

Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh được điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng (hoặc Quy hoạch đô thị - nông thôn) tại các khu vực phụ cận ga đường sắt tốc độ cao khi cần thiết để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất và không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch xây dựng (hoặc Quy hoạch đô thị - nông thôn) cấp trên đã phê duyệt trước đó.

Đối với khu vực ga và vùng phụ cận ga chưa có quy hoạch xây dựng (hoặc Quy hoạch đô thị - nông thôn) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh được lập các quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết để triển khai dự án, không cần căn cứ vào các quy hoạch cấp trên. Quy mô diện tích, vị trí phù hợp với Dự án được phê duyệt.

HĐND cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trình tự thủ tục đối với dự án khai thác quỹ đất vùng phụ cận theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao sau khi trừ đi các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương để cân đối ngân sách nhà nước đầu tư cho Dự án.

Phải ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam

Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ Dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng thực hiện Dự án, chủ đầu tư phải quy định điều khoản cụ thể về lộ trình, nội dung chuyển giao công nghệ đối với tổng thầu, nhà thầu theo danh mục chuyển giao công nghệ nêu trong Dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên lựa chọn tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, phức tạp mà trong nước chưa có.

Đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ Dự án mà trong nước có thể sản xuất được, chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

NÓNG CHUYỆN GIẢI NGÂN VỐN CÔNG TẠI TPHCM

Gần hết tháng 10/2024, thế nhưng tổng số vốn đã giải ngân của TPHCM chỉ đạt 17.041 tỉ đồng, tương đương 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao (79.263 tỉ đồng).

Đó là nội dung được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM báo cáo tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM với các đơn vị về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngày 24/10/2024.

Giải ngân thấp ở 4 nhóm dự án

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tính đến ngày 18/10, tổng số vốn đã giải ngân là 17.041 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao (79.263 tỉ đồng). Đặc biệt, hiện nay, số vốn giải ngân của TP chưa đạt so với kế hoạch giải ngân đã đề ra của các đơn vị, thấp hơn 4.619 tỉ đồng (kế hoạch đến hết tháng 9 các đơn vị đã xây dựng là 20.734 tỉ đồng, tỉ lệ 26,2%).

“Qua rà soát, có 7 đơn vị có kết quả giải ngân đến hết tháng 9 đạt trên mức bình quân của TPHCM (20,3%). Tuy nhiên, các đơn vị này lại không đạt tỉ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND TP tại thông báo số 849 (phải đạt từ 26,9% trở lên)”, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu .

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại có tới 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung của TP.HCM đến hết quý 3 năm 2024, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban Quản lý đường sắt đô thị (17,1%), Ban Quản lý khu công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (0%), Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (0,5%).

Khối các quận, huyện, gồm: huyện Nhà Bè (10,5%), TP Thủ Đức (8,0%), quận 1 (11,6%), quận 10 (8,8%), quận 5 (13,0%).

Nêu những nguyên ngân chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng việc chậm giải ngân trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là các dự án, gồm:

Một là, nhóm liên quan thủ tục của trung ương (có số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm 2024 là 10.517 tỉ đồng, tỉ lệ 13,3% tổng vốn), gồm: các dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với kế hoạch giải ngân là 6.800 tỉ đồng; dự án metro số 1 với tổng số kế hoạch giải ngân là 3.717 tỉ.

Hai là, nhóm liên quan điều chỉnh quy hoạch 1/2000 (số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm là 4.008 tỉ đồng, tỉ lệ 5,05% tổng vốn): Có 57 dự án hiện đang chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch và dự kiến chỉ giải ngân được chi phí chuẩn bị đầu tư và khó có khả năng khởi công dự án và kịp giải ngân trong năm 2024.

Ba là, nhóm liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: Khoảng 30.504 tỉ đồng (chiếm 38,4% tổng vốn) sẽ giải ngân vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 (tập trung ở 17 dự án đã giải ngân là 681 tỉ đồng trên tổng vốn là 31.086 tỉ đồng).

Bốn là, nhóm các dự án khởi công mới (không vướng điều chỉnh quy hoạch 1/2000): Khoảng 8.925 tỉ đồng (chiếm 11,2% tổng vốn) trong các tháng đầu năm còn chậm thực hiện các thủ tục về cấp phép môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các thủ tục này đã được đẩy nhanh và tháo gỡ, cam kết sẽ giải ngân theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, với 3 dự án nhóm A chiếm 1.200 tỉ đồng là 3 dự án mua sắm trang thiết bị các bệnh viện cửa ngõ hiện còn chậm trong việc thực hiện thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chưa thể trình thẩm định và phê duyệt dự án.

Đề nghị phê bình 11 đơn vị giải ngân dưới tỉ lệ

Về các giải pháp, Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị chủ đầu tư nghiên cứu đề xuất UBND TPHCM cho phép tạm ứng cho các dự án này theo quy định với tỉ lệ tối đa là 50% thay vì 30%, bởi dự án này có thể giải ngân được 1.800 tỉ đồng thay vì 1.200 tỉ như dự kiến. Đồng thời, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng kiến nghị UBND TPHCM phê bình 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung của TP đến hết quý 3 năm 2024 (20,2%) và không có nguyên nhân khách quan.

Liên quan đến những hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công không chỉ giúp xây dựng và phát triển TP mà còn có ý nghĩa hạn chế lãng phí.

“Đầu tư hiệu quả và giải quyết được dự án tồn đọng cũng nhằm hạn chế lãng phí, bởi theo Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói lãng phí còn gây hại và tổn thất nhiều hơn cả tham nhũng. Do đó, đề nghị các đơn tập trung, đánh giá, nhìn nhận lại nguyên nhân nào là then chốt cần phải tháo gỡ để chuẩn bị cho kỳ trung hạn sau bởi chúng ta đặt ra rất nhiều chỉ tiêu”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay TP đã có cơ chế đặc thù với nghị quyết 98, đồng thời hướng đến lộ trình đô thị đặc biệt. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc biệt để TP thực hiện đầu tư công thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn hiện hữu.

Trước đó, ngày 3/10/2024, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, ông Phạm Tuấn Anh - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã phân tích một số nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TPHCM 9 tháng chỉ đạt 20% kế hoạch vốn được giao.

Theo đó, TPHCM được giao 249.000 tỉ đồng đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ.

"Thông thường việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, nhưng khi TPHCM thực hiện nghị quyết 98 thì được bổ sung thêm 107.000 tỉ vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn. Mặt khác, khi Luật Đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Đặc biệt, trong tổng số 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của TPHCM thì có tới 33.000 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng”, ông Tuấn Anh nêu.

Cũng theo ông Tuấn Anh, những nguyên nhân khác là một số dự án có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý chủ đầu tư cũng như quy trình thủ tục để thực hiện, tác động đến tiến độ giải ngân. Hoặc trường hợp thiếu vật liệu, cát san lấp nhiều tháng qua, mặc dù, TPHCM đã tích cực phối hợp với các bộ ngành để giải quyết nhưng cũng làm ảnh hưởng nhất định. Về nguyên nhân chủ quan, một số sở ngành có khó khăn, chậm trễ nhất định trong phối hợp giải quyết thủ tục các dự án.

Trước tình hình đó, ông Tuấn Anh đề nghị UBND TPHCM triển khai loạt biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc tiến độ từng dự án, từng đơn vị.

 

 

BÀI TOÁN HỒI SINH BÁN ĐẢO THANH ĐA

Người dân trông ngóng, nhà đầu tư mong muốn được tham gia, TP có trong tay cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98…; đó là những điều kiện cần quan trọng để biến giấc mơ Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa thành hiện thực.

Đảm bảo người dân tại chỗ được hưởng lợi

30 năm, 6 lần siêu dự án được khơi lên "hâm nóng", rồi lại chìm xuống "đóng băng". Mỗi lần như vậy, những người dân nơi bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại đi từ khấp khởi hy vọng tới thất vọng, chán nản, vơi dần niềm tin vào ngày được tận mắt chứng kiến mảnh đất mình gắn bó cả đời người lột xác. Đó cũng là điều khiến KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, lo ngại nhất khi TP.HCM tuyên bố quyết tâm hồi sinh dự án lần này. Theo ông, bên cạnh những khó khăn, tồn tại cũ như quy mô dự án quá lớn, nguồn vốn cao, khả năng thu hút nhà đầu tư thấp, thì một phần do quy hoạch, định hướng phát triển và cách làm trong giai đoạn trước chưa phù hợp, khiến dự án không khả thi, dùng dằng mãi không thể dứt điểm.

Trong lần trở lại này, ông Võ Kim Cương cho rằng TP nên bình tĩnh, nghiên cứu, xem xét thật kỹ nhu cầu thị trường thế nào, làm sao để huy động vốn hiệu quả, hấp dẫn được các nhà đầu tư cùng tham gia. Đồng thời, cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về quyền lợi của người dân liên quan, có thể có cơ chế đặc biệt đảm bảo phương án bồi thường, tái định cư hợp lý trước để có được quỹ đất sạch thoải mái, đủ để thực hiện phương án theo quy hoạch một cách khả thi.

"Áp lực làm nhanh, làm sớm, làm dứt điểm nhưng phải nghiên cứu kỹ để đã làm là chắc. Muốn vậy phải xây dựng chi tiết từng phương án, cơ chế; còn nếu cứ hô hào chung chung lên thôi thì dự án sẽ mãi đứng đó, khiến người dân mất đi niềm tin vào lời hứa của lãnh đạo TP", KTS Võ Kim Cương góp ý.

Là người đã theo dõi và có nhiều đóng góp cho dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa từ những ngày đầu lập quy hoạch, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh nếu TP vẫn giữ cách làm cũ, tư duy cũ rằng chỉ tìm cách đền bù giải tỏa, thu hồi đất của người dân để giao đất lại cho các nhà đầu tư, thì hồi sinh bán đảo Thanh Đa sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Theo ông, có thể coi Thanh Đa là một di sản cảnh quan về đời sống văn hóa, tinh thần của TP.HCM cũng như của cả nước. Do đó, quy hoạch Thanh Đa nên có một cách nhìn mới, quy hoạch mới và cách làm mới. Có thể tham khảo cách làm của Nhật Bản khi xây dựng TP Tama, TP mới trong TP thủ đô Tokyo. Đầu tiên, quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý, phát triển trật tự, ngăn nắp, thân thiện môi trường, trong tầm nhìn trung hạn, dài hạn, nhưng phải đi kèm các điều kiện là bản thuyết minh về dự án quy hoạch, bao gồm thời gian hoàn thành, nguồn vốn, biện pháp, khuyến cáo, quy chuẩn... Trong đó quy định chặt chẽ biện pháp và trình tự thực hiện, nguồn vốn giữa người dân có đất, chính quyền và doanh nghiệp (DN).

Đơn cử, phân chia rõ ràng từng đầu mục: về phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm: không gian xanh, công viên, cấp thoát nước, điện, đường giao thông, bến bãi… Về phát triển tiện ích đô thị gồm trường học, bệnh viện, trạm xá, công trình thương mại, chợ, siêu thị, phố đi bộ, công trình xử lý nước thải, hỏa táng, công trình tôn giáo, sân bãi thể dục thể thao…; và về phát triển nhà gồm chung cư, liên kế, phố, các công trình dịch vụ đi kèm khu ở…

Những đầu việc trên, cụ thể là đầu mục 1, 2 nên được phân bổ bằng nguồn vốn nhà nước, cấp thành phố và cấp quận, huyện. Các DN, nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào từng lô đất sạch, đất ở… tại đầu mục 3. Từ những đầu việc này tổng hợp với tổng mức đầu tư, chính quyền TP nên đứng ra lập công ty cổ phần đầu tư (trong đó, người dân sở tại là thành phần quan trọng của cổ đông) và kinh doanh theo luật, minh bạch, rõ ràng. Đất đai, nhà cửa hình thành trong tương lai là nguồn vốn tái đầu tư của TP, quận, huyện và nhà đầu tư.

"Như vậy, sẽ không có chuyện đền bù, giải tỏa mà người dân sở tại vẫn được sống ở khu vực của mình, được giàu có từ chính mảnh đất mà mình đã chịu "treo" bao năm nay. Chỉ khi có sự đồng thuận của người dân, coi họ là cổ đông mới cho dự án thay vì là những người xưa nay giữ đất giùm cho DN, thì siêu dự án này mới có thể khả thi, sớm thành hiện thực", KTS Nguyễn Ngọc Dũng nêu quan điểm.

Thời cơ chín muồi

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng dự án đô thị mới Thanh Đa - Bình Quới đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch với nhiều kỳ vọng từ 30 năm nay chưa thành hiện thực, đã có nhiều nhà đầu tư được chỉ định thực hiện nhưng tiến độ vẫn không nhúc nhích. Đến nay, với các cơ chế mới sẽ tạo nên động lực mới, điển hình là Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá.

Các cơ chế này cũng gỡ vướng cho TP.HCM nói chung và bán đảo Thanh Đa nói riêng trong vấn đề đất đai như tạo được quỹ đất để tái định cư tại chỗ cho các hộ có đất bị thu hồi, có quỹ đất để đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư. Điều quan trọng là chính quyền TP có thể chủ động hơn trong việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư các dự án có sử dụng đất.

Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 nhằm giúp TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, đơn cử như dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Trước đây, do vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thì nay Nghị quyết 98 đã xác định rõ cơ chế cho phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu thỏa 3 điều kiện: thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo quy định, có diện tích đất do nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án, đất chưa được giải phóng mặt bằng. Với cơ chế này, TP có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, tạo bộ mặt đô thị mới cho khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP.

 

 

GIAI ĐOẠN 2 VỤ ‘CHUYẾN BAY GIẢI CỨU’: DOANH NGHIỆP MÓC NGOẶC, NÂNG GIÁ KIẾM LỜI

Để có thêm lợi nhuận, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (PGĐ Công ty Bluesky) và ông Nguyễn Tiến Mạnh (PGĐ Công ty Lữ hành Việt) đã trao đổi, thỏa thuận, móc ngoặc để kiếm lời...

Liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, ông Vũ Hồng Quang (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Theo cáo buộc, ông Vũ Hồng Quang có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện chuyến bay “combo” do doanh nghiệp tổ chức sau khi có sự phê duyệt của Văn phòng chính phủ và Tổ công tác 04 Bộ/5 Bộ.

Khi thực hiện chuyến bay “combo” đưa công dân về nước, ở một số chuyến doanh nghiệp không thuê được tàu bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt nên phải thuê hai tàu bay nhỏ, dẫn đến phát sinh chi phí, trong khi vẫn còn ghế trống khách.

Để có thêm lợi nhuận, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (PGĐ Công ty Bluesky) và ông Nguyễn Tiến Mạnh (PGĐ Công ty Lữ hành Việt) đã trao đổi, thỏa thuận và được ông Vũ Hồng Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt với chi phí 2 triệu đồng/khách.

Thực hiện thỏa thuận, ông Quang đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Trường (chuyên viên Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) triển khai cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách, theo yêu cầu của bà Hằng và ông Mạnh, nhận hối lộ tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền, ông Quang đã chủ động chuyển khoản 4 lần, chia cho ông Trường tổng tộng 244 triệu đồng. Hành vi đưa hối lộ của bà Hằng, ông Mạnh và hành vi nhận hối lộ của ông Vũ Hồng Quang đã bị xét xử ở giai đoạn 1 của vụ án nên không xem xét trong vụ án này.

Cáo buộc cũng cho rằng, tháng 9/2020, ông Vũ Hồng Quang đã liên hệ, trao đổi nhờ ông Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế, giai đoạn 1 vụ án) giúp để có được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.

Ông Phạm Trung Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân. Ông Quang đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cương và Vũ Hoàng Dũng biết việc ông Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí từ 2.000 - 3.000 USD/người.

Sau đó, ông Cương và Dũng trao đổi với một số giám đốc doanh nghiệp tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cần xin về nước và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí ông Quang yêu cầu) để hưởng lợi.

Các doanh nghiệp trên đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân (so với chi phí ông Cương, Dũng yêu cầu) để hưởng lợi…

Tương tự, tháng 1/2021, ông Trần Thanh Nhã (lao động tự do) liên hệ, trao đổi, thỏa thuận nhờ ông Kiên giúp để có văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ với chi phí 10 – 15 triệu đồng/công dân.

Ông Nhã đã trao đổi với ông Đặng Nhật Đức (Giám đốc Cty TNHH Top Agent Japan) biết việc mình có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí từ 10 – 35 triệu đồng/công dân. Sau đó, ông Đức đã trực tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc thông qua một số người khác và thỏa thuận chi phí từ 25 – 160 triệu đồng/người…

Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ ông Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã, từ cuối năm 2020 đến tháng 6/2021, ông Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo duyệt, ký văn bản cấp phép theo quy trình của Bộ Y tế.

Theo cáo buộc, ông Vũ Hồng Quang đã đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng cho ông Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước, hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.

Tương tự, ông Trần Thanh Nhã đã đưa hối lộ gần 7,4 tỷ đồng cho ông Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 461 công dân về nước, hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng.

 

Nguồn: CafeF; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang