'Vua tôm', đại gia gà, trứng lỗ nặng; Ngân hàng giảm lãi vay; Đất ngộp ven TP.HCM chờ sóng hạ tầng; Tiền đổ vào BĐS Bình Định

'Vua tôm', đại gia gà và trứng lỗ nặng

Kết thúc quý I/2023, ghi nhận nhiều ông lớn ngành nông nghiệp gặp khó khăn với lợi nhuận âm mạnh, ngay cả 'vua tôm' Minh Phú lần đầu báo lỗ sau 7 năm.

"Vua tôm" lần đầu lỗ đậm sau 7 năm

Kết thúc quý I/2023, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) lần đầu tiên lỗ theo quý sau 7 năm.

Theo đó, doanh thu MPC đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 50% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận giảm từ 11% xuống còn 6%. Thêm vào đó, chi phí lãi vay tăng 3 lần so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế của MPC âm 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý đầu tiên năm 2023, khiến MPC theo đuổi mục tiêu doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.145 tỷ đồng trong năm 2023 ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản và tổng nợ của MPC đều giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, lần lượt còn 9.500 tỷ đồng và hơn 3.800 tỷ đồng.

"Đại gia" chăn nuôi báo lỗ

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng vượt thu, dẫn đến lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ âm hơn 70 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí bán hàng và quản quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của DBC âm 320 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, lãi hơn 25 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2023, tổng nợ phải trả của DBC giảm 6,2%, còn hơn 7.800 tỷ đồng. Tuy khoản nợ phải trả người bán giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ vay tài chính của DBC là 4.290 tỷ đồng, tăng 15,8% và chi phí cho người lao động hơn 71 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, chi phí chăn nuôi trong kỳ của DBC tăng cao, trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo giải trình của DBC, kinh tế quý I/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát.

DBC là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Tổng đàn heo lên đến hàng triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000-700.000 con/năm.

Lộc Trời bất ngờ báo lỗ

Năm 2023, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý đầu tiên của năm, LTG có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, khiến mục tiêu lợi nhuận năm ngày càng xa.

Doanh thu quý I/2023 của LTG đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 619 tỷ đồng (chiếm 25%); thu từ lương thực 1.675 tỷ đồng còn thu từ hạt giống cây trồng 112 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đồng, đẩy lợi nhuận gộp giảm 50%, xuống còn 273 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, lên 147 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng. Kết quả, LTG báo lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 184 tỷ đồng.

"Đại gia" mía đường lợi nhuận đi lùi

Mặc dù lợi nhuận niên độ tài chính 2022-2023 của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) không lỗ nhưng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu thuần đạt hơn 5.710 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh đường chiếm gần 91% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 72%, vượt qua qua mức doanh thu, khiến lãi gộp của SBT chỉ thu về hơn 659 tỷ đồng, tăng 8%. Biên lãi gộp theo đó giảm từ 17,4% xuống 11,5%.

Qua đó, lãi ròng quý III niên độ tài chính 2022-2023 của SBT chỉ đạt hơn 149 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Đáng nói, kết quả đi lùi của SBT hơi "ngược" so với bối cảnh giá đường thế giới tăng liên tục và chính thức chạm đỉnh trong vòng 11 năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lo ngại nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đe dọa duy trì áp lực lên lạm phát lương thực toàn cầu.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay

Một loạt các ngân hàng gần đây công bố giảm lãi suất cho vay tiền đồng từ 0,5 - 4%/năm. Không những nhà băng lớn mà cả những ngân hàng nhỏ cũng tham gia cuộc đua vốn rẻ. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục đi xuống.

Giảm từ 0,5 - 4%/năm

Chiều tối 4.5, PVcomBank chính thức triển khai gói tín dụng 13.500 tỉ đồng với lãi suất (LS) cho vay giảm 4% so với LS thông thường. LS ưu đãi từ 10%/năm, hạn mức lên tới 20 tỉ đồng, linh hoạt phương án trả lãi, gốc. Thời gian của gói tín dụng này kéo dài đến 31.1.2024, tập trung cho khách hàng vay là hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ m.SME, cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở. Ngân hàng (NH) sẽ ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tính từ đầu năm 2023, PVcomBank đã có 2 lần điều chỉnh LS cho vay khách hàng cá nhân thuộc các lĩnh vực ưu tiên, mua nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với các mức giảm từ 0,5 - 1%/năm.

Ngoài ra, DN m.SME, hộ kinh doanh gia đình, tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất… có nhu cầu vay vốn bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh cũng là đối tượng khách hàng của gói tín dụng này với mức LS áp dụng từ 10,49%/năm. Một NH khác là OCB cũng đã giảm LS cho vay 2% đối với khách hàng DN nhỏ và vừa (SME) vay ngắn hạn và tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Theo đó, LS ưu đãi lên tới 7,99%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 10,49% đối với khoản vay trung dài hạn. Ngoài ra, đối với khách hàng sản xuất kinh doanh, OCB cũng có gói ưu đãi chỉ từ 8,99%/năm. Riêng đối với cho vay bất động sản, LS chỉ 10,5%.

Trong đợt giảm lần này, không thể thiếu các NH lớn. Mới đây, Vietcombank công bố giảm LS cho vay thêm 0,5%/năm đối với những khoản vay bằng tiền đồng. LS này áp dụng trong 3 tháng từ 1.5 - 31.7 nhằm góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính sách này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi… Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỉ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp LS vay.

Trước đó, Vietcombank cũng đã thực hiện giảm LS cho vay 0,5%/năm đối với khách hàng từ ngày 1.1 - 30.4. Một NH khác trong nhóm Big 4 là Agribank cũng công bố chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD đối với khách hàng DN. Cụ thể, LS cho vay giảm 1,5%/năm đối với tiền đồng và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ 15.3 đến hết tháng 6. Về phần mình, MB công bố giảm 1%/năm LS khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số BIZ MBBank. Chương trình được dành riêng cho khách hàng DN có doanh thu dưới 100 tỉ đồng. Ngoài ra, với khách hàng vay cá nhân, MB giảm LS vay vốn sản xuất kinh doanh đối với chương trình tín dụng 40.000 tỉ đồng, LS còn 8,5%/năm. Đối với khách hàng vay mua nhà gói tín dụng 27.000 tỉ đồng, LS vay từ 10,3%/năm.

Có thể thấy, ngày càng có nhiều NH tham gia giảm LS cho vay. Đây cũng là điều dễ hiểu khi tốc độ tăng trưởng tín dụng với nền kinh tế đang chậm lại. Ngay như Vietcombank, nhà băng có nguồn vốn vay rẻ nhất nhì thị trường nhưng trong quý 1 chỉ tăng trưởng tín dụng được 2,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 6,9%. Hay tăng trưởng tín dụng của TP.HCM trong quý 1/2023 cũng chỉ 1,25%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 3,65%. Cả nước trong quý 1 chỉ tăng tín dụng có 2,06%, trong khi cùng kỳ tăng 5,04%.

Sẽ tiếp tục giảm

Sau 2 lần giảm LS điều hành của NH Nhà nước, các NH liên tục giảm LS huy động. Tới đầu tháng 5, LS tiết kiệm đã giảm từ 0,1 - 1,55%/năm so với đầu tháng 4. Công ty CP chứng khoán VnDirect kỳ vọng LS tiền gửi trung bình 12 tháng của cả NH tư nhân và quốc doanh sẽ giảm thêm 0,5%, xuống còn 7%/năm trong nửa cuối năm 2023. Những yếu tố hỗ trợ LS giảm đến từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kết thúc chu kỳ tăng LS điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như LS của VN trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm. Thêm vào đó, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, thừa nhận động thái giảm LS điều hành của NH Nhà nước thời gian qua đang thúc đẩy các NH giảm LS huy động, từ đó kéo giảm lãi vay. LS vay giảm giúp DN tiếp cận vốn NH dễ dàng hơn, mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi. Trong ngắn hạn 3 - 6 tháng, LS có thể giảm thêm ít nhất 1% với cả huy động và cho vay. Còn về dài hạn, LS huy động phải kéo về mức bình quân 5 - 6%/năm và LS cho vay từ 8 - 10%/năm sẽ hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng nhận xét bức tranh kinh tế đang có chuyển động tích cực khi hàng loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản và nền kinh tế đang được triển khai. Mới đây, NH Nhà nước ban hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ, Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN, Chính phủ thúc đẩy các dự án đầu tư công... sẽ là đòn bẩy quan trọng cho cả nền kinh tế. Kỳ vọng từ giữa quý 2, hoạt động của DN và thị trường sẽ chuyển động tích cực hơn.

(Nguồn: Thanh Niên)

Đất 'ngộp' ven TP.HCM chờ "sóng" hạ tầng

Các chính sách vĩ mô có vẻ vẫn chưa đủ sức nóng để làm “tan băng” thị trường đất nền khu vực vùng ven TP.HCM. Sau thời gian dài trầm lắng, nhiều nhà đầu tư tiếp tục phải giảm giá mạnh 25-30%, thậm chí cắt lỗ để "thoát hàng" lấy tiền trả nợ.

Từng có lúc giá đất nền khu vực TP.Thủ Đức tăng 15 - 30% theo tuần, nhưng đến nay, “cò” mất tăm, thị trường rơi vào cảnh đìu hiu. Anh Lâm, nhà đầu tư, cho biết đã tung ra 2 đợt giảm giá, tổng cộng gần 600 triệu đồng, nhưng 6 tháng qua vẫn chưa thể bán ra lô đất mua từ đầu năm 2021.

Đất “ngộp” tiếp đà giảm

Theo anh Lâm, lô đất trên có diện tích 72m2, được mua vào lúc sốt giá, nằm ven tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, giá gần 2,8 tỷ đồng. Cuối năm 2022, vì không thể tiếp tục gồng lãi ngân hàng nên anh quyết định giảm giá để "thoát hàng", trả nợ vay, thu hồi vốn.

“Giữa tháng 12/2022, tôi rao bán lô đất với giá 2,5 tỷ đồng, tức lỗ khoảng 300 triệu đồng, tuy nhiên không thể tìm được người mua. Đến cuối tháng 3/2023, tôi giảm thêm 300 triệu nữa, nhưng đến nay vẫn chưa có khách hàng hỏi, “cò” cũng lắc đầu”, anh Lâm chia sẻ.

Khảo sát cho thấy, các trường hợp “giảm giá không lối thoát” như anh Lâm ở Thủ Đức hiện không hiếm. Số lượng nền đất rao bán giảm giá tăng mạnh nhưng lượng “xuống tiền” còn khá khiêm tốn. Nhiều nhà đầu tư đất “ngộp” giảm giá sâu, có trường hợp cắt lỗ 30-50% so với giá mua vào.

Tương tự, giá đất mặt tiền ở Củ Chi đang được nhiều nhà đầu tư rao bán giá 20 - 25 triệu đồng/m2 (các lô diện tích tiêu chuẩn 100 - 150m2), tùy vị trí, giảm 10 - 15 % so với hồi đầu năm 2022. Các lô diện tích lớn, xa mặt đường có giá 8 - 16 triệu đồng/m2, giảm trên 20%.

Thị trường nhà đất tại các huyện vùng ven TP.HCM khác như Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn… cũng đang chịu áp lực giảm giá mạnh, với biên độ giảm 10 - 25% tùy vùng.

Không chỉ ở các huyện vùng ven, giá đất các tỉnh lân cận TP.HCM (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh) cũng đang chịu sức ép giảm giá mạnh, phổ biến ở mức 10 - 30%.

Điển hình, tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành… của tỉnh Đồng Nai từng được “cò đất” thổi giá chóng mặt nhưng hiện im ắng hẳn. Như ở Long Thành, dọc các tuyến huyện lộ, hàng loạt biển treo bán đất "ngộp", mức giảm phổ biến 100 - 500 triệu cho các lô diện tích tiêu chuẩn 100 - 150m2. Giao dịch giảm 70% so với hồi đầu năm 2022.

“Nín thở” chờ "sóng" hạ tầng

Trong bối cảnh thị trường "đóng băng", không thể thoát hàng, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang “nín thở” gồng lỗ, chờ "sóng" hạ tầng “tiếp lửa”, mở lối thoát hiểm trong thời gian tới.

Kỳ vọng trên là có cơ sở khi mới đây, Sở GTVT đã trình báo cáo UBND TP.HCM đối với 34 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 245.000 tỷ đồng. Điển hình như dự án mở rộng QL50 (huyện Bình Chánh), dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức), đường Song Hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.Thủ Đức), cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

Anh Lê Luân, một nhà đầu tư đang sở hữu 3 lô đất nền gần cửa khẩu Mộc Bài (đoạn qua huyện Bến Cầu (Tây Ninh), ven dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài), cho biết giá đất khu vực này đang được rao ở mức 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/lô (70 - 90m2).

Theo anh Luân, sau thời gian “nhảy múa”, giá đất ăn theo cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang chững lại, giao dịch giảm. Nhiều nhà đầu tư đang giảm giá mạnh để "thoát hàng" vì sức ép tài chính.

“Các trường hợp cắt lỗ đa phần là vì vay quá nhiều để đầu tư. Còn những người có dòng tiền mạnh, hoặc chưa quá áp lực về tài chính thì vẫn đang hy vọng khi tuyến đường cao tốc dần hình thành, thị trường sẽ hồi phục. Bản thân tôi đang mong có thể bán “chốt lời” trong thời gian tới rồi chuyển sang nơi khác sau gần 3 năm đầu tư ở đây”, anh Luân nói.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, "sóng" quy hoạch hạ tầng cũng đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng trở thành xung lực giúp thị trường nhà đất TP.HCM hồi phục sớm hơn.

Đơn cử như ở Thủ Đức, việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cùng đề án phát triển TP.Thủ Đức đến năm 2040 đang giúp các dự án bất động sản tại khu vực An Phú và khu vực lân cận hưởng lợi lớn.

Minh chứng là các dự án ở khu vực này như Global City, Senturia An Phú, Vinhomes Grand Park, The Classia, The Rivus Elie Saab... đang và sắp triển khai thi công trở lại.

Có thể thấy, trong bối cảnh đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực đang được đẩy mạnh, "sóng" quy hoạch được kỳ vọng trở thành cú hích cho thị trường bất động sản, mở ra cơ hội "thoát hàng" cho nhà đầu tư.

Ông Trần Khánh Quang, CEO Công ty Việt An Hòa, dự báo trong thời gian tới, giá bất động sản các huyện vùng ven TP.HCM nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc giảm trong biên độ hẹp 3-4%.

Ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM gồm Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể giảm giá 5-15% trong 12 tháng tới. Các vùng xa hơn sẽ giảm giá mạnh hơn.

Dù đang gặp nhiều khó khăn, theo ông Quang, bất động sản vẫn đang là nơi “trú ngụ” tốt nhất của dòng tiền. Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp, nhiều người buộc phải giảm giá 15 - 30% để "thoát hàng", đây là cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh có thể “bắt đáy”.

(Nguồn: VnBusiness)

Dòng tiền chảy vào bất động sản ở Bình Định ngày càng lớn

Việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn - du lịch đã tạo đòn bẩy cho bất động sản Bình Định.

Loạt dự án nghìn tỷ đồng xuất hiện ở Bình Định

Thời gian qua, thị trường bất động sản đang chứng kiến những làn sóng phát triển mới ở các tỉnh thành miền Trung. Cùng với xu thế chuyển dịch dòng tiền, bất động sản tại các tỉnh thành nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn quỹ đất sạch dồi dào trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Trong đó, Bình Định đã và đang chú trọng công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng; chú trọng đầu tư kết nối xây dựng hạ tầng và chỉnh trang đô thị, phát triển môi trường sinh thái.

Cộng hưởng nhiều tiềm năng vượt trội, trong những năm gần đây, bất động sản Bình Định đã trở thành “miền đất hứa” của giới bất động sản. Nhiều chủ đầu tư đã quyết định rót vốn phát triển dự án lớn, có quy mô hàng nghìn tỷ, điển hình như: Khu dân cư Hưng Thịnh 3.265 tỷ đồng; Khu đô thị An Phú Thịnh 2.450 tỉ đồng; Khu đô thị mới khu vực Chợ Góc (CG01) hơn 1.777 tỷ đồng; Khu dân cư Ánh Việt 1.359 tỷ đồng; Trung tâm trí tuệ nhân tạo - đô thị phụ trợ (TP. Quy Nhơn) 4.362 tỷ đồng; Khu đô thị NĐT-1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) quy mô 2.950 tỷ đồng…

Đáng chú ý, trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội cũng đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, như dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 7.494 tỷ đồng; dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 2 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 9.153 tỷ đồng; dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 10.683 tỷ đồng…

Theo thống kê của DKRA Group, thị trường bất động sản tại Bình Định trong năm vừa qua đã có những sự phục hồi đáng ghi nhận. Theo đó chỉ tính riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng (biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, condotel), trong năm 2022, Bình Định đón nhận nguồn cung mới khoảng 930 căn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ, chiếm 15.8% tổng nguồn cung toàn khu vực miền Trung. Tỷ lệ tiêu thụ đạt mức 70% với khoảng 651 căn bán được, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ và chiếm 15,7% lượng tiêu thụ miền Trung.

Không dừng ở đó, thời gian qua, Bình Định cũng nổi lên như tâm điểm của thị trường bất động sản miền Trung nhờ vào những tiềm năng vượt trội. Với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định cũng là địa phương hiếm hoi sở hữu đầy đủ 4 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không với nhiều tuyến giao thông trọng điểm. Đồng thời, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu và triển khai mới tăng cường khả năng kết nối được đẩy mạnh đầu tư: Quốc lộ 19, Quốc lộ 1, tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Nha Trang (đoạn đi qua Bình Định), cao tốc Quy Nhơn – Pleiku…

Đặc biệt, đòn bẩy từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch địa phương, năm 2022 ngành du lịch Bình Định ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tích cực với khoảng 4.1 triệu lượt khách, tăng 185.2% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu du lịch đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2021. Từ đó, đã góp phần đưa Bình Định trở thành điểm đến nổi bật của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, điểm đến đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư lớn.

Chú trọng thu hút những nhà đầu tư lớn

Đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản ở Bình Định, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group cho rằng, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng thị trường bất động sản tại Bình Định vẫn còn tương đối "sơ khai" nếu so sánh với những địa phương có nền kinh tế, du lịch phát triển trong khu vực như Nha Trang, Đà Nẵng… hay Quảng Ninh ở miền Bắc.

Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình chung của thị trường bất động sản cả nước, thị trường tại Bình Định tương đối trầm lắng, hầu như không ghi nhận nguồn cung - tiêu thụ mới phát sinh ở tất cả các phân khúc.

"Tuy nhiên trong tầm nhìn dài hạn, tôi vẫn bảo lưu quan điểm về tiềm năng lớn của mảng bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây, với những lợi thế lớn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch thời gian gần đây. Trong năm vừa qua, địa phương còn đón nhận những siêu dự án phức hợp nghỉ dưỡng quy mô lên đến gần 1.000 ha, được phát triển bởi thương hiệu chủ đầu tư lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh, tạo tiền đề, sức bật mạnh mẽ cho những bước phát triển tiếp theo của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, để có thể phát huy triệt để nội lực hiện tại sẵn có, địa phương cần tăng cường hạ tầng giao thông kết nối vùng, xúc tiến nhanh các dự án hạ tầng đang triển khai chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. "Bổ sung cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư những dự án trọng điểm quy mô lớn, có sức ảnh hưởng, thay đổi bộ mặt thị trường bất động sản Bình Định nói riêng và toàn miền Trung nói chung", ông Thắng cho hay.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng, địa phương này cần phải củng cố hành lang pháp lý, gỡ rối những vướng mắc cho các dự án treo còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh; khai thác du lịch nhưng vẫn phải ưu tiên bảo tồn môi trường, thảm thực vật tự nhiên, hạn chế những dự án xâm hại, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định trong năm 2023, tỉnh này dự kiến kêu gọi, triển khai đầu tư 250 dự án bất động sản, khoảng 107.416 căn hộ hoặc nhà với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 15.180.000 m2. Trong số 250 dự án, có 181 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và khu dân cư, 13 dự án nhà ở xã hội và 56 dự án nhà ở tái định cư. Tổng diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở khoảng hơn 3.252 ha.

Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho rằng, hiện nay, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đăng ký đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, những quỹ đất quy mô hàng trăm ha đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm. Do đó, tỉnh phải lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có năng lực để thực hiện. Đối với các dự án sản xuất, du lịch thì lớn hay nhỏ, tỉnh đều kêu gọi đầu tư.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang