'Vũ khí hóa' chuỗi cung ứng; 'Cơn đau đầu' mới ở Nga; Đột phá bất thành ở Kursk; Vụ tấn công chấn động; Israel- Hezbollah trả đũa lẫn nhau

VIỄN CẢNH CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU BỊ "VŨ KHÍ HÓA"

Hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ ở Lebanon trong tuần này càng thúc đẩy nỗ lực của các lãnh đạo toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ từ đối thủ

Một loạt vụ nổ máy nhắn tin tại nhiều địa điểm ở Lebanon hôm 17-9 làm chết ít nhất 12 người và gần 3.000 người bị thương. Nhóm vũ trang Hezbollah cáo buộc Israel đã can thiệp vào chuỗi cung ứng.

Một ngày sau, hàng loạt bộ đàm phát nổ khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và khoảng 450 người bị thương. Được biết Hezbollah đã mua số bộ đàm và máy nhắn tin này cùng thời điểm cách đây 5 tháng.

Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Lebanon kết luận những thiết bị này bị gắn chất nổ trong quá trình sản xuất hoặc phân phối.

Dù phương thức cài chất nổ đã được sử dụng từ lâu trong hoạt động gián điệp song quy mô của cuộc tấn công ở Lebanon khiến nhiều quan chức dày dạn kinh nghiệm cũng phải lo lắng. Họ e ngại chuỗi cung ứng toàn cầu hóa giúp sản xuất hàng hóa giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng có thể bị vũ khí hóa.

TS Harjinder Singh Lallie, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng của Trường ĐH Warwick (Anh), nhận định các vụ nổ đồng thời ở Lebanon chứng tỏ hoạt động gián điệp cực kỳ tinh vi bởi các thiết bị bị thay đổi kết cấu mà không ai phát hiện.

Ông đồng thời cảnh báo thiết bị liên lạc của những nhân vật quan trọng cũng có thể bị xâm nhập để nghe lén hoặc kích hoạt camera bí mật.

Ông Lallie và TS Aleksandr Yampolskiy, Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng SecurityScorecard (Mỹ), đều cho rằng sau vụ việc ở Lebanon, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro của bên thứ ba đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Bà Melanie Hart, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định bất kỳ nước nào phụ thuộc vào quốc gia khác về sản phẩm đầu vào hoặc công nghệ quan trọng cũng đồng nghĩa đã cho đối phương cơ hội xâm nhập chuỗi cung ứng.

Các quan chức Mỹ từ lâu thừa nhận nền kinh tế số 1 thế giới quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Những năm gần đây, chính phủ Mỹ bắt đầu chuyển một số chuỗi cung ứng quan trọng, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, về nước hoặc đến "các quốc gia thân thiện".

Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Các lĩnh vực quốc phòng trên toàn thế giới ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, truyền thông và cơ sở hạ tầng quan trọng. Các mạng lưới phức tạp này trải rộng qua nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng dễ dàng bị xâm nhập.

Điển hình là việc Iran cáo buộc Israel sử dụng những công ty bình phong để cung cấp các thiết bị bị lỗi cho Tehran, bao gồm nhiều thành phần quan trọng của hệ thống tên lửa dẫn đường. Các thành phần này khi sử dụng hoặc sẽ bị lỗi hoặc phát nổ, có khả năng gây hư hại hoặc phá hủy tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái của Iran.

Một ví dụ khác là Úc, đất nước nhập khẩu đáng kể thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Theo trang ABC, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu khiến Úc có nguy cơ gặp phải những lỗ hổng an ninh trên khắp thế giới nếu các linh kiện bị xâm nhập trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển.

Đạo luật An ninh Cơ sở hạ tầng quan trọng được Úc ban hành năm 2018 là nỗ lực bảo vệ các lĩnh vực quan trọng, ngoài năng lượng, quốc phòng còn có chăm sóc sức khỏe, nguồn nước…, khỏi các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp từ nước ngoài.

 Đạo luật này yêu cầu chủ sở hữu và bên vận hành cơ sở hạ tầng quan trọng phải đáp ứng nghĩa vụ bảo mật nghiêm ngặt, chẳng hạn báo cáo sự cố mạng và bảo mật dữ liệu.

‘CƠN ĐAU ĐẦU’ MỚI VỚI NGA: HÀNG LOẠT NGÂN HÀNG BỊ NGƯNG GIAO DỊCH, NHIỀU TÀI KHOẢN BỊ ĐÓNG BĂNG

Hầu hết các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có kế hoạch ngừng giao dịch với Nga vì e ngại lệnh trừng phạt.

Hầu như tất cả các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia NATO, đều đang tìm cách ngừng cung cấp dịch vụ cho các giao dịch liên quan đến Nga và ủy nhiệm chúng cho một tổ chức tài chính trong nước.

Thông tin trên được cơ quan thông tấn Tass (Nga) dẫn lời một nguồn tin trong lĩnh vực tư vấn tài chính Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

“Dựa trên tình hình hiện tại, hầu như tất cả các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn rút hoàn toàn khỏi các giao dịch với Nga và Belarus. Họ muốn để Ngân hàng Emlak Katilim xử lý hết các giao dịch này vì không muốn bị kéo vào các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai như hạn chế và lệnh trừng phạt”, nguồn tin cho biết.

Các ngân hàng tư nhân và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt lo ngại rủi ro vì đối tác của họ chủ yếu đến từ phương Tây. Các tổ chức tài chính có sự tham gia của phương Tây vốn đã ngừng cung cấp dịch vụ cho các giao dịch liên quan đến Nga.

Nguồn tin cho biết thêm “chỉ có Ngân hàng Emlak Katilim thực hiện các giao dịch bằng cặp rúp Nga/lira Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexey Erkhov nói với Tass rằng các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng “bóp nghẹt” các công ty tham gia vào vận chuyển hàng hóa sang Nga, chặn các giao dịch chuyển tiền và đóng tài khoản của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện có quan hệ rất tốt với Nga về chính trị, ngoại giao và quân sự, ví dụ như thỏa thuận cho phép Ankara tiến quân vào miền bắc Syria lập vùng đệm để chặn lực lượng vũ trang người Kurd hoặc các hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumph.

Bên cạnh đó, Ankara cũng nhận được nhiều lợi ích kinh tế từ Nga. Nhiều dự án kinh tế từ Nga mang lại lợi nhuận rất cao như Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin hay hệ thống đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream) và “Dòng chảy Xanh Lam” (Blue Stream).

KẾ HOẠCH ĐỘT PHÁ TẠI KURSK CỦA UKRAINE THẤT BẠI

Lực lượng Ukraine tiếp tục cố gắng đột phá ở quận Glushkovsky thuộc vùng Kursk, đưa xe tăng Đức Leopard 2 vào trận chiến nhưng đã bị Nga đánh bại.

Mặc dù chịu tổn thất nặng nề, lực lượng Ukraine vẫn không từ bỏ nỗ lực đột phá ở quận Glushkovsky thuộc vùng Kursk và tấn công vào nhóm quân của Lực lượng vũ trang Nga ở phía sau.

Theo các nguồn tin của Nga, Bộ tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắt đầu đưa xe tăng chiến đấu chủ lực tham gia chiến đấu ở khu vực này, đặc biệt là Leopard 2 của Đức, hay chính xác hơn là Stridsvagn 122, phiên bản Leopard 2A5 được Thụy Điển cung cấp.

Theo thông tin từ mặt trận, quân Ukraine đã cố gắng đột phá vào khu vực làng Vesyoloye thuộc quận Glushkovsky, nhưng lực lượng trinh sát của Nga đã phát hiện ra đoàn xe tăng nên pháo binh và máy bay không người lái bắt đầu tấn công và phá hủy đoàn xe này, biến những chiếc xe tăng Đức thành đống kim loại phế liệu.

Theo thông tin được cung cấp bởi kênh Severny Veter, hai máy bay không người lái được sử dụng để tấn công một xe tăng, trong đó chiếc đầu tiên được sử dụng để đánh hỏng xe tăng và máy bay thứ hai được sử dụng để kết liễu nó. Ít nhất đã có một chiếc Leopard 2 đã bị đốt cháy gần Vesyoloye.

Được biết, xe tăng Stridsvagn 122 của Thụy Điển, cũng như xe chiến đấu bộ binh CV9040C đang phục vụ trong lữ đoàn cơ giới độc lập số 21 của Lực lượng vũ trang Ukraine, khiến lữ đoàn này được đặt cho biệt danh là “lữ đoàn Thụy Điển”.

Lực lượng của lữ đoàn này đã được cử đến để hỗ trợ Lữ đoàn tấn công đường không số 95 của Lực lượng vũ trang Ukraine, vốn chịu tổn thất lớn trong các trận chiến gần các làng Vesyoloye và Medvezhye.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Berlin mới đây đã nhất trí chuyển giao thêm một gói viện trợ mới cho Ukraine, bao gồm 22 xe tăng Leopard.

Các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin rằng, Đức đã chuyển một lô vũ khí khác đến Kiev, bao gồm 22 xe tăng Leopard và phụ tùng thay thế cho chúng, cùng số lượng xe bọc thép MRAP, 12 pháo tự hành PzH 2000, ba hệ thống phòng không Gepard, khoảng 70 máy bay không người lái trinh sát, cũng như 61 nghìn quả đạn pháo 155 mm và một triệu viên đạn cho vũ khí cá nhân.

Ngoài ra, báo chí phương Tây đưa tin rằng, chính phủ Đức có ý định cung cấp cho Kiev khoản viện trợ bổ sung trị giá 397 triệu euro.

Được biết, ngoài việc là nước cung cấp nhiều tiền viện trợ cho Kiev, Đức cũng chính là nước đầu tiên giao xe tăng Leopard của mình cho Ukraine, cùng với những chiếc Stridsvagn 122 của Thụy Điển.

Tuy nhiên, danh tiếng của những chiếc xe tăng Đức đã ảnh hưởng đáng kể khi bị quân Nga bắn cháy hàng loạt trên các cánh đồng ở Rabotino, vùng Zaporozhye (được gọi là nghĩa địa xe tăng Leopard), trong cuộc phản công thất bại của Lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 6 năm ngoái.

MOSSAD: NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CHẤN ĐỘNG TRONG LỊCH SỬ

Một bước đi táo bạo, máy nhắn tin và các thiết bị liên lạc khác mà Hezbollah sử dụng đã bị biến thành thiết bị nổ di động. Được coi là phương tiện an toàn để né công nghệ giám sát tiên tiến của Israel, các máy nhắn tin đã phát nổ trong tay người dùng, giết chết hàng chục người và làm bị thương hàng ngàn người khác.

Chính phủ Lebanon đã cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công, gọi đây là "hành vi bạo lực tội ác", trong khi Hezbolla thề sẽ "trả thù đích đáng".

Israel chưa phản hồi cáo buộc này, nhưng một vài cơ quan truyền thông của nước này đưa tin rằng nội các Israel đã ra lệnh cho các bộ trưởng không đưa ra tuyên bố công khai nào về sự kiện này.

Israel thường theo dõi các hoạt động của Hezbolla rất chặt chẽ. Điều này cho thấy loạt tấn công có khả năng là một phần trong cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa hai bên.

Nếu Israel nhận trách nhiệm, đây sẽ là một chiến dịch bất ngờ và có sức ảnh hưởng nhất của nước này, gợi nhớ lại các chiến dịch khác trong quá khứ được cho là do Israel thực hiện, và đặc biệt là cơ quan tình báo Mossad.

Thành công của Mossad

Mossad được ghi nhận với hàng loạt chiến dịch thành công.

Dưới đây là một số chiến dịch đáng chú ý nhất.

Truy lùng sĩ quan Đức Quốc xã Adolf Eichmann

Cuộc bắt cóc sĩ quan Đức Quốc xã Adolf Eichmann tại Argentina vào năm 1960 là một trong những phi vụ tình báo thành công gây tiếng vang nhất của Mossad.

Eichmann, kiến trúc sư trưởng của chương trình diệt chủng Holocaust, chịu trách nhiệm về hoạt động đàn áp người Do Thái ở các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, trong đó khoảng sáu triệu người Do Thái đã bị giết.

Sau khi lẩn trốn bằng cách di chuyển qua một số nước, Eichmann cuối cùng định cư ở Argentina.

Một nhóm gồm 14 điệp viên Mossad đã lần ra hành tung của Eichmann, bắt cóc ông ta và đưa về Israel, nơi ông ta bị xét xử và cuối cùng bị hành hình.

Chiến dịch Entebbe

Chiến dịch Entebbe ở Uganda được coi là một trong những chiến dịch quân sự thành công nhất của Israel.

Mossad cung cấp thông tin tình báo, trong khi quân đội Israel tiến hành chiến dịch.

Lực lượng biệt kích Israel đã giải cứu thành công 100 con tin từ một chiếc máy bay bay từ Tel Aviv tới Paris quá cảnh ở Athens.

Chiếc máy bay này chở khoảng 250 hành khách, trong đó có 103 người Israel.

Nhưng kẻ không tặc - hai trong số đó là thành viên của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine và hai đồng phạm người Đức - đã buộc máy bay chuyển hướng tới Uganda.

Sự kiện này dẫn đến cái chết của ba con tin, những kẻ không tặc, một số lính Uganda và Yonatan Netanyahu, anh trai của Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu.

Chiến dịch Anh em

Trong một vụ đánh lừa phi thường, vào đầu những năm 1980, Mossad – theo chỉ thị của Thủ tướng Menachem Begin – đã đưa lậu hơn 7.000 người Do Thái Ethiopia đến Israel thông qua Sudan, sử dụng vỏ bọc là một khu nghỉ dưỡng lặn giả.

Sudan là một quốc gia thù địch thuộc Liên đoàn Ả Rập, vì vậy chiến dịch này được thực hiện hoàn toàn bí mật. Một nhóm điệp viên Mossad đã lập một khu nghỉ dưỡng trên bờ biển Biển Đỏ của Sudan để làm căn cứ.

Vào ban ngày, họ cải trang thành nhân viên khách sạn và vào ban đêm, họ đưa lậu người Do Thái, những người đã bí mật đi bộ từ nước láng giềng Ethiopia, ra khỏi Sudan bằng đường hàng không và đường biển.

Hoạt động này diễn ra trong ít nhất năm năm và khi bị phát hiện, các điệp viên Mossad đã trốn thoát.

Trả đũa vụ bắt cóc tại Thế vận hội Munich

Năm 1972, nhóm chiến binh Palestine Black September (Tháng Chín Đen) đã giết hai thành viên đoàn thể thao Israel tại Thế vận hội Munich và bắt giữ chín người khác.

Các con tin sau đó đã bị giết trong một nỗ lực giải cứu bất thành của cảnh sát Tây Đức.

Sau đó, Mossad nhắm vào một số thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine, trong đó có Mahmoud Hamshari.

Ông này đã bị giết bởi một thiết bị nổ được cài trong điện thoại tại căn hộ ở Paris.

Hamshari bị mất một chân trong vụ nổ và cuối cùng chết vì vết thương quá nặng.

Yahya Ayyash và vụ nổ điện thoại

Trong một chiến dịch tương tự vào năm 1996, Yahya Ayyash, một chuyên gia chế tạo bom chủ chốt của Hamas, đã bị ám sát sau khi chiếc điện thoại di động Motorola Alpha chứa 50 gram thuốc nổ nổ tung.

Ayyash, một nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Hamas, nổi tiếng với chuyên môn chế tạo bom và chỉ đạo các cuộc tấn công phức tạp nhằm vào các mục tiêu của Israel.

Điều này khiến ông ta trở thành đối tượng chính của các cơ quan an ninh Israel, là một trong những người bị Israel truy nã gắt gao nhất.

Vào cuối năm 2019, Israel đã dỡ bỏ kiểm duyệt một số chi tiết nhất định của vụ ám sát và Kênh truyền hình 13 của Israel đã phát sóng bản ghi âm cuộc gọi điện thoại cuối cùng của Ayyash với cha mình.

Các vụ ám sát Hamshari và Ayyash cho thấy lịch sử lâu dài và phức tạp của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để giết người có chủ đích.

Mahmoud al-Mabhouh bị siết cổ đến chết

Năm 2010, Mahmoud al-Mabhouh, một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Hamas, đã bị ám sát tại một khách sạn ở Dubai.

Ban đầu, có vẻ như đó là một cái chết tự nhiên, nhưng cảnh sát Dubai cuối cùng đã có thể xác định được nhóm ám sát sau khi xem xét đoạn phim từ video giám sát.

Cảnh sát tiết lộ rằng al-Mabhouh đã bị giết bằng điện giật và sau đó bị siết cổ.

Vụ án này bị nghi ngờ do Mossad thực hiện, gây ra sự phẫn nộ ngoại giao từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Israel tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy Mossad liên quan tới vụ thủ tiêu.

Dù thế, họ cũng không phủ nhận, điều này phù hợp với chính sách duy trì "sự mơ hồ" của Israel về những vấn đề như vậy.

Những nỗ lực ám sát bất thành

Mặc dù đã thực hiện nhiều chiến dịch thành công, Mossad cũng có những thất bại lớn.

Khaled Meshal - lãnh đạo chính trị Hamas

Một trong những hoạt động dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng là nỗ lực ám sát Khaled Meshaal tại Jordan bằng chất độc vào năm 1997. Meshaal là người đứng đầu bộ chính trị Hamas.

Nhiệm vụ đã thất bại khi các điệp viên Israel bị bắt, buộc Israel phải cung cấp thuốc giải độc để cứu mạng Meshaal.

Người đứng đầu Mossad khi đó, Danny Yatom, đã bay đến Jordan để điều trị cho Meshaal.

Vụ ám sát này đã khiến mối quan hệ giữa Jordan và Israel trở nên căng thẳng.

Mahmoud al-Zahar, thủ lĩnh Hamas

Năm 2003, Israel đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào nhà của thủ lĩnh Hamas Mahmoud al-Zahar ở thành phố Gaza.

Mặc dù al-Zahar sống sót sau cuộc tấn công, nhưng vợ và con trai ông ta là Khaled cùng với một số người khác đã thiệt mạng.

Vụ đánh bom đã phá hủy hoàn toàn nơi ở của al-Zahar, cho thấy hậu quả nghiêm trọng của các hoạt động quân sự ở những khu vực đông dân cư.

Vụ bê bối Lavon

Năm 1954, chính quyền Ai Cập đã phá tan một hoạt động gián điệp của Israel được gọi là Chiến dịch Susannah.

Đây là kế hoạch đặt bom tại các tòa nhà của Mỹ và Anh tại Ai Cập để gây sức ép buộc Anh duy trì lực lượng đồn trú tại Kênh đào Suez.

Vụ việc được biến đến với tên gọi Vụ bê bối Lavon, được đặt theo tên Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Pinhas Lavon.

Ông Lavon được cho là đã tham gia vào việc lên kế hoạch cho chiến dịch này.

Mossad cũng được coi là đã phải chịu một số thất bại tình báo thảm khốc.

Chiến tranh Yom Kippur

Vào ngày 6/10 năm 1973, Ai Cập và Syria phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel để giành lại Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.

Cuộc tấn công diễn ra vào lễ Yom Kippur, ngày lễ chuộc tội của người Do Thái, đã khiến Israel bất ngờ.

Ai Cập và Syria tấn công Israel trên hai mặt trận.

Lực lượng Ai Cập đã vượt qua Kênh đào Suez, chỉ chịu chút ít thương vong như dự kiến, trong khi lực lượng Syria tấn công các vị trí của Israel và tiến vào Cao nguyên Golan.

Liên Xô cung cấp nhu yếu phẩm cho Syria và Ai Cập, còn Mỹ cung cấp một tuyến tiếp tế khẩn cấp cho Israel.

Israel sau đó đẩy lùi quân Ai Cập và Syria.

Chiến tranh kết thúc vào ngày 25/10 - bốn ngày sau khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt giao tranh.

Cuộc tấn công ngày 7/10/2023

Gần 50 năm sau, Israel lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công đột xuất, lần này do Hamas phát động, nhằm vào các thị trấn của Israel gần biên giới Gaza vào ngày 7/10/2023.

Việc Mossad không dự báo được cuộc tấn công được coi là một thất bại lớn, phản ánh sự yếu kém trong chính sách răn đe của Israel đối với Hamas, theo các nhà phân tích.

Cuộc tấn công ngày 7/10 đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân, chính quyền Israel cho biết.

Khoảng 251 người khác đã bị bắt và đưa tới Dải Gaza làm con tin.

Để đáp trả cuộc tấn công của Hamas, Israel đã phát động một cuộc chiến tranh ở Dải Gaza, cho đến nay đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, phần lớn là thường dân, theo Bộ Y tế Gaza.

ISRAEL – HEZBOLLAH LIÊN TỤC ĐÁP TRẢ LẪN NHAU

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Lebanon kêu gọi giảm leo thang chiến tranh ngay lập tức khi tình hình thù địch tiếp diễn tại biên giới Lebanon-Israel hôm 20/9, sau các cuộc không kích dữ dội nhất của Israel trong gần một năm xung đột với Hezbollah, vốn do Iran hậu thuẫn.

Quân đội Israel cho biết hôm 19/9 rằng họ đã tấn công hàng trăm bệ phóng tên lửa của Hezbollah đang chuẩn bị bắn về phía Israel, trong vụ tấn công mà các nguồn tin an ninh tại Lebanon cho biết là vụ tấn công dữ dội nhất kể từ khi tình hình thù địch bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái.

Bắt nguồn từ cuộc chiến ở Gaza, cuộc xung đột đã leo thang đáng kể trong tuần này, khi Hezbollah phải hứng chịu một cuộc tấn công chưa từng có trong đó máy nhắn tin và bộ đàm mà các thành viên của nhóm này sử dụng đã phát nổ, khiến 37 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Một nguồn tin người Lebanon biết về các thành phần của thiết bị này cho Reuters biết rằng pin của bộ đàm được tẩm một hợp chất dễ nổ gọi là PETN.

Theo nguồn tin này, cách vật liệu nổ được tích hợp vào bộ pin khiến nó cực kỳ khó phát hiện.

Lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL ở miền nam Lebanon cho biết vào sáng ngày 20/9 rằng trước đó 12 giờ, đã có "sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động thù địch" trên khắp biên giới Lebanon-Israel và trong khu vực hoạt động của lực lượng này.

"Chúng tôi lo ngại về sự leo thang gia tăng trên Đường giới tuyến xanh và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngay lập tức hạ nhiệt", người phát ngôn của UNIFIL Andrea Tenenti nói với Reuters, ám chỉ đến đường phân định biên giới giữa Lebanon và Israel.

Các cuộc không kích của Israel hôm 20/9 đã đánh trúng ít nhất ba ngôi làng ở miền nam Lebanon, theo các nguồn tin an ninh tại Lebanon và kênh truyền hình al-Manar của Hezbollah, nơi phát sóng cảnh quay về một đám khói bốc lên từ một trong những cuộc tấn công.

Không có bình luận ngay lập tức từ quân đội Israel.

Hezbollah cho biết các chiến binh của họ đã bắn một tên lửa dẫn đường vào quân đội Israel ở Metula, một thị trấn của Israel trên biên giới vốn thường xuyên bị nhóm người Lebanon nhắm mục tiêu trong năm qua.

Đài phát thanh Israel đưa tin rằng cư dân của một số thị trấn ở miền bắc Israel đã được cơ quan quốc phòng chịu trách nhiệm bảo vệ dân sự Home Front Command hướng dẫn phải ở gần nơi trú ẩn của họ.

Trước đó, quân đội đã dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển và tụ tập đông người mà họ đã ban hành vào đêm 19/9 đối với một số cộng đồng ở phía bắc và Cao nguyên Golan. Các lệnh hạn chế được ban hành sau khi các cuộc không kích bắt đầu được tiến hành.

Các nguồn tin an ninh ở Lebanon cho biết bốn người đã bị thương trong cuộc pháo kích dữ dội của Israel hôm 19/9. Hiện vẫn chưa rõ liệu họ có phải là thành viên của Hezbollah hay không.

Cuộc xung đột kéo dài cả năm giữa Israel và Hezbollah là cuộc xung đột tồi tệ nhất kể từ khi họ tham chiến vào năm 2006. Hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa ở cả hai bên biên giới.

Mặc dù cuộc xung đột chủ yếu diễn ra ở các khu vực tại hoặc gần biên giới, nhưng sự leo thang trong tuần này đã làm gia tăng lo ngại rằng nó có thể lan rộng và dữ dội hơn nữa.

Hoa Kỳ hôm 19/9 đã cảnh báo tất cả các bên ở Trung Đông về việc leo thang, nói rằng ưu tiên của Washington là tìm ra giải pháp ngoại giao.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự vệ của Israel, nhưng chúng tôi không muốn thấy bất kỳ bên nào leo thang xung đột này, chấm hết", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller phát biểu trong một cuộc họp báo.

Hơn 460 chiến binh Hezbollah đã bị giết kể từ khi các cuộc giao tranh gần đây nhất với Israel nổ ra cách đây gần một năm, ngoài ra còn có khoảng 170 thường dân thiệt mạng, theo các nguồn tin ở Lebanon.

Tại Israel, ít nhất 52 người đã thiệt mạng – một nửa trong số đó là thường dân và một nửa là binh lính – theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel.

Hội đồng Bảo an sẽ họp

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên dự kiến sẽ họp vào ngày 20/9 về các vụ nổ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 19/9, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho biết các vụ nổ thiết bị vào ngày 17/9 và 18/9 "đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ" và tuyên bố sẽ trừng phạt Israel.

Israel chưa bình luận trực tiếp về các vụ nổ máy nhắn tin và radio, mà các nguồn tin an ninh nói rằng có thể do cơ quan gián điệp Mossad của nước này thực hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết vào cuối ngày 19/9 rằng Israel sẽ tiếp tục hành động quân sự chống lại Hezbollah.

Israel nói rằng mục tiêu của họ là đảm bảo người Israel trở về miền bắc Israel một cách an toàn.

Hezbollah, một đồng minh của nhóm chiến binh Hamas ở Palestine, cho biết các cuộc tấn công của họ vào miền bắc Israel nhằm mục đích hỗ trợ người Palestine đang bị Israel tấn công ở Dải Gaza.

Ông Nasrallah hôm 19/9 nói rằng mặt trận Lebanon sẽ không dừng lại "trước khi cuộc xâm lược Gaza dừng lại".

Nguồn: Người Lao Động; CafeF; Soha; BBC; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang