'Những ngày tận thế' ở Singapore; TQ siết 'giá cô dâu'; Bước ngoặt chính trường Thái; Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ; Kiev rung chuyển

'Những ngày tận thế' với người thuê nhà ở Singapore

(Ảnh minh họa).

Nhiều người thuê nhà ở Singapore đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi thị trường bất động sản tăng chóng mặt, khiến họ cảm thấy như “ngày tận thế”.

Vào cuối năm 2022, Eva Teh và chồng đã quyết định gia hạn hợp đồng thuê căn hộ ở trung tâm Singapore. Họ biết rõ tiền nhà hàng tháng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đề xuất của chủ nhà với mức tăng tới 60% khiến cặp đôi bàng hoàng.

"Chúng tôi lập tức đi tìm những căn hộ còn trống. Nhưng kết quả khiến chúng tôi sốc không kém. Giá thuê đã tăng vọt", Teh nói với BBC.

“Ý nghĩ không đủ khả năng chi trả cho một căn nhà khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi. Cảm giác như ngày tận thế", cô chia sẻ.

Teh cho hay cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thương lượng với chủ nhà để có một thỏa thuận tốt hơn. Giờ đây, cặp đôi phải trả 2.900 SGD/tháng (tương đương 2.185 USD) cho căn hộ một phòng ngủ, tăng từ 1.950 SGD trước đó.

"Để đối phó với tình trạng tiền thuê nhà tăng, tôi buộc mình phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm nhiều tiền hơn", Teh cho biết. "Trong những tháng không thể kiếm đủ sống, tôi sẽ phải rút tiền tiết kiệm. May mắn là chúng tôi có một quỹ khẩn cấp cho những ngày thế này".

Thị trường quá nóng

Eva Teh không đơn độc. Giá thuê nhà tăng chóng mặt đã trở thành một vấn đề lớn ở Singapore hiện nay.

Tại quốc gia Đông Nam Á này, giá thuê nhà ở tư nhân tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. Xu hướng này đang diễn ra trên khắp thị trường bất động sản Singapore, đối với cả khu nhà ở công cộng và cao cấp.

Theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank, Singapore hiện có tốc độ tăng giá thuê bất động sản hạng sang nhanh nhất thế giới, vượt qua New York.

Cho dù đang thuê phòng, căn hộ hay nhà riêng, những người nước ngoài sống lâu năm ở Singapore đang dốc hầu bao và buộc phải thay đổi lối sống để đối phó với tình trạng giá thuê tăng cao, theo CNBC.

Dữ liệu từ Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore (URA) cho thấy giá tất cả bất động sản tư nhân đã tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 2007. Thậm chí, một số người nước ngoài cho biết chủ nhà đang lợi dụng thị trường bất động sản quá nóng để tăng gấp đôi tiền thuê nhà.

Trao đổi với BBC, Ủy ban Phát triển và Nhà ở Singapore (HDB) và URA lý giải giá thuê tăng vọt khi đại dịch Covid-19 thu hút thêm nhiều người dân địa phương tham gia thị trường và khiến các dự án xây dựng bị trì hoãn.

“Nhu cầu thuê nhà tăng lên khi những người không cư trú đang quay trở lại Singapore để làm việc trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19”, các cơ quan cho biết.

Từ lâu, thị trường thuê nhà tại Singapore đã bị chi phối bởi người nước ngoài. Điều này là do phần lớn trong số 5,6 triệu cư dân nước này đã mua các hợp đồng thuê dài hạn với nhà ở công cộng được trợ cấp.

Thông thường, người Singapore chỉ ra ở riêng khi kết hôn, nhưng điều đó đang thay đổi khi ngày càng nhiều người trẻ chọn thuê nhà để sống tự lập.

"Họ mong muốn có không gian riêng và sống giữa một cộng đồng cùng chí hướng. Với lý do đó, mô hình co-living (không gian chung được chia sẻ bởi nhóm người trẻ tuổi có cùng sở thích hay công việc) đã trở thành một lựa chọn phổ biến hơn trong thời gian gần đây", ông Tan Tee Khoon, từ cổng thông tin bất động sản PropertyGuru, cho hay.

Pearlyn Siew là một trong những người trẻ lựa chọn xu hướng này. Khi Singapore áp dụng các hạn chế kiểm soát dịch Covid-19 vào năm 2021, cô chuyển đến một khu chung cư có phòng riêng và các tiện nghi chung gồm phòng tắm, nhà bếp và thiết bị giặt là.

"Tôi cần không gian riêng tách khỏi gia đình sau khi ở nhà trong suốt đại dịch. Cảm giác thực sự ngột ngạt", cô nói với BBC.

"Cha mẹ tôi không dễ chịu và chúng tôi có quan hệ khá tệ. Nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi đã cải thiện sau khi tôi có không gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình", cô nói thêm.

Nguồn cung hứa hẹn

Trong khi đó, Asher Chua chuyển ra ngoài sống sau khi chật vật làm việc trong căn hộ chung với bố mẹ và 3 anh chị em.

"Khi anh chị em của bạn không đi làm và sống trong cùng một phòng, lịch trình của bạn có xu hướng mâu thuẫn. Việc sống cùng nhau trở nên khá khó khăn khi bạn không ở cùng một giai đoạn cuộc đời", anh nói.

Cả Asher và Pearlyn đều chưa kết hôn và dưới 35 tuổi, điều đó có nghĩa họ chưa đủ điều kiện nhận nhà ở xã hội.

“Các quy tắc hạn chế khả năng tiếp cận nhà ở giá rẻ cho người độc thân, bất kể nguyện vọng của họ là có một nơi ở cho riêng mình”, nhà xã hội học Chua Beng Huat cho biết. “Các gia đình có nhu cầu về nhà ở lớn hơn so với người độc thân, và HDB luôn cố gắng bắt kịp nhu cầu”.

Việc tăng tiền thuê nhà cũng ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT - nhóm chiếm một phần đáng kể trong số cư dân cần thuê nhà, khi hôn nhân đồng giới không được công nhận tại Singapore.

"Các chính sách nhà ở ảnh hưởng đến người độc thân cũng tác động đến cộng đồng LGBT. Bên cạnh đó, cộng đồng này cũng có những vấn đề riêng", nhà môi giới bất động sản William Tan nhận định.

"Nhiều người không thể sống chung với gia đình vì môi trường không thân thiện, nguy hiểm hoặc độc hại. Điều này buộc họ phải thuê nhà", ông lý giải.

Song HDB và URA cho biết người thuê nhà ở Singapore sắp đón nhận một số tin tốt. Giá thuê dự kiến giảm khi "nguồn cung nhà ở đáng kể được đưa vào sử dụng trong vài năm tới".

Gần 40.000 ngôi nhà công cộng và tư nhân dự kiến được hoàn thành trong năm nay - mức cao nhất trong 5 năm. Ngoài ra, 60.000 ngôi nhà khác dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.

“Khi nguồn cung bắt đầu hoạt động, những người Singapore đang thuê nhà tạm thời trong khi chờ hoàn thành nhà mới sẽ rời khỏi các căn hộ cho thuê và giúp xoa dịu thị trường”, HDB và URA cho biết thêm.

"Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ thị trường bất động sản và điều chỉnh các chính sách khi cần thiết", cơ quan này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Teh, cô sẽ phải tiếp tục thuê nhà trong 3 năm cho đến khi nhà ở xã hội của cô có thể sử dụng được.

"Chúng tôi đã thảo luận về mọi lựa chọn. Chúng tôi không thể chuyển đến sống cùng gia đình vì bố mẹ đều ở nước ngoài", cô nói.

"Tôi hy vọng giá thuê sẽ giảm khi có thêm nhiều căn hộ mới được hoàn thành. Tôi nghĩ không ai có thể ngăn (giá tăng) vì chúng ta không thể ngăn dịch Covid-19 lây lan", Teh nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Trung Quốc siết 'giá cô dâu'

Nhiều chính sách mới được chính quyền Trung Quốc đưa ra trong nỗ lực giải quyết tỷ lệ sinh đẻ đang giảm mạnh.

"Giá cô dâu" là tục lệ cổ xưa phổ biến ở các nước Nam Á, trong đó chú rể tương lai trả tiền cho gia đình cô dâu để thể hiện sự chân thành và giàu có của mình, tương tự như sính lễ.

Tuy nhiên, "giá cô dâu" ở Trung Quốc những năm gần đây bị đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại, khoảng 140.000 tệ (470 triệu đồng) ở một số tỉnh, khiến việc kết hôn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự mất cân bằng giới tính trầm trọng sau nhiều thập niên thi hành chính sách một con.

Trước những lo ngại về sự sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 6 thập kỷ và già hóa dân số, các quan chức đang đưa ra một loạt chính sách nhằm "mở ra một kỷ nguyên mới về hôn nhân và sinh đẻ".

Chính quyền một số địa phương bắt đầu triển khai chiến dịch tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ chưa lập gia đình không cạnh tranh "giá cô dâu" với nhau. Một số nơi thậm chí còn áp đặt giới hạn và can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán riêng tư giữa các gia đình.

Tại Daijiapu, một thị trấn ở đông nam Trung Quốc, mới đây chính quyền đã tập hợp phụ nữ trong thị trấn để ký cam kết công khai từ chối "giá cô dâu" cao. Chính quyền địa phương hy vọng mọi người sẽ từ bỏ những phong tục lạc hậu như vậy và thực hiện phần việc của mình để "bắt đầu một xu hướng văn minh mới".

Siết "giá cô dâu" chỉ là một trong những dự án mà Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đang thử nghiệm ở hơn 20 thành phố nhằm tăng dân số quốc gia. Một cách khác là khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Các biện pháp trước đó được các tỉnh của Trung Quốc đưa ra bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục miễn phí, hoặc trợ cấp cho người sinh con thứ ba.

Tháng 3/2023, các cố vấn chính trị của chính phủ đã đề xuất rằng phụ nữ độc thân và chưa lập gia đình nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng và thụ tinh nhân tạo IVF, cùng với các dịch vụ khác để tăng tỷ lệ sinh của đất nước. "Xã hội cần hướng dẫn giới trẻ nhiều hơn về khái niệm hôn nhân và sinh con," nhà nhân khẩu học He Yafu cho biết.

Tuy nhiên, chiến dịch đã vấp phải chỉ trích, khi nhiều người dân đặt câu hỏi tại sao gánh nặng giải quyết vấn đề dân số lại đổ lên đầu phụ nữ.

Các biện pháp tăng tỷ lệ sinh gần đây cũng không mang lại hiệu quả, với một số phụ nữ cho rằng các chính sách này không giải quyết hiệu quả chi phí chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, nhiều phụ nữ đã quyết định không sinh con do áp lực xã hội buộc họ phải chấm dứt sự nghiệp.

(Nguồn: Vnexpress)

Bước ngoặt trên chính trường Thái Lan

(Ảnh minh họa).

Chiến thắng của Đảng Tiến bước được giới chuyên gia đánh giá là sự chuyển dịch mang tính lịch sử của chính trị Thái Lan

Theo kết quả cuộc tổng tuyển cử Thái Lan được công bố hôm 15-5, Đảng Tiến bước (MFP) của ông Pita Lim-jaroenrat giành nhiều ghế nhất, với 151/500 ghế Hạ viện.

Theo sau là Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, với 141 ghế. Trong khi đó, Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha giành 36 ghế, đứng vị trí thứ 4.

Ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, từng là giám đốc điều hành của hãng gọi xe công nghệ Grab, viết trên Twitter: "Rõ ràng giờ đây MFP đã nhận được sự tin tưởng to lớn của người dân và đất nước". Lãnh đạo MFP cũng nhấn mạnh cam kết sẵn sàng thay đổi đất nước nếu ông trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Theo hãng tin AP, kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 15-5 cho thấy cử tri Thái Lan muốn chứng kiến sự thay đổi sau 9 năm lãnh đạo của các đảng được quân đội hậu thuẫn. Bên cạnh đó, theo Reuters, MFP nhận được làn sóng ủng hộ đông đảo của cử tri trẻ, bao gồm 3,3 triệu cử tri bỏ phiếu lần đầu, nhờ chương trình nghị sự tự do và những cam kết thay đổi táo bạo, bao gồm phá bỏ mô hình công ty độc quyền và sửa đổi luật về tội khi quân.

Trước đó, giới chuyên gia còn dự đoán Pheu Thai sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước MFP và bà Paetongtarn Shinawatra cũng dẫn trước trong các cuộc thăm dò.

Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, bị cho là xử lý kém hiệu quả vấn đề kinh tế trì trệ, đại dịch COVID-19 và cản trở các cải cách dân chủ, vốn là đề tài gây bức xúc ở các cử tri trẻ.

GS khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định: "Đây rõ ràng là sự từ chối hiện trạng và đòi hỏi thay đổi cũng như cải cách". Theo ông Pongsudhirak, đó là một kết quả đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử, khi MFP đưa cuộc cạnh tranh lên một nấc mới, tập trung vào vấn đề cải cách thể chế.

Sau khi kết quả được công bố, hãng tin Reuters dẫn lời ông Pita cho biết đã liên lạc với các đảng đối lập, đề xuất thành lập liên minh 6 đảng, trong đó có Pheu Thai để có được 309 ghế và ông là thủ tướng.

Dù vậy, con số 309 ghế vẫn thấp hơn so với 376 ghế cần thiết để bảo đảm ông Pita được bầu vào vị trí thủ tướng. Theo Bangkok Post, lãnh đạo Pheu Thai Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, đã chúc mừng chiến thắng của MFP và tuyên bố hai bên có thể hợp tác trong tương lai.

Sự hợp tác của MFP và Pheu Thai sẽ còn đối mặt nhiều rào cản. Theo bản hiến pháp năm 2017 do chính quyền quân sự khi đó soạn thảo, sau cuộc tổng tuyển cử, 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ Thái Lan sẽ tiếp tục bầu ra thủ tướng mới vào tháng 7 tới.

Tân thủ tướng Thái Lan phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu của hai viện Quốc hội. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn tiếp tục điều hành cho đến khi chính phủ mới chính thức ra mắt. Tuy nhiên, Thượng viện Thái Lan từ lâu có lập trường ủng hộ các đảng được quân đội hậu thuẫn.

Khi được hỏi về sức ép từ Thượng viện, ông Pita cho rằng tất cả các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và không có ích gì khi chống lại nó. Lãnh đạo Đảng Pheu Thai cũng cho hay về nguyên tắc, các thượng nghị sĩ phải tôn trọng tiếng nói của người dân.

Nhà khoa học chính trị Wanwichit Boonprong tại Trường ĐH Rangsit (Thái Lan) bình luận: "Đây sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ mới. Mỗi bước đi sẽ được theo dõi và xem xét kỹ lưỡng".

Được giới trẻ ủng hộ

Khi chính trị gia 42 tuổi có mặt tại một khu chợ đông đúc ở thủ đô Bangkok để tuyên truyền về chính sách của Đảng Tiến bước (MFP), người hâm mộ ông vây quanh, bấm điện thoại chụp hình liên tục, miệng hô tên, tay tặng hoa. Đó là một đoạn mô tả của kênh truyền hình Úc ABC về ông Pita Limjaroenrat - người cha một con, tỉ phú trẻ tuổi, doanh nhân năng động và nay là ứng viên sáng giá cho ghế thủ tướng Thái Lan.

Báo giới địa phương nhận xét ông Pita được nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt không kém gì ngôi sao nhạc pop. Được khen ngợi là có phong cách tranh luận quyết đoán nhưng lịch lãm, ông Pita từng nói thông điệp then chốt của ông là: "Nền chính trị tốt, nền kinh tế tốt, tương lai tốt".

Tỉ phú Pita Limjaroenrat, cựu sinh viên Trường ĐH Harvard (Mỹ), khởi đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 25 tuổi bằng việc vực dậy công ty dầu cám gạo đang chìm trong nợ nần của gia đình, sau đó đảm nhận chức vụ giám đốc điều hành của Grab khu vực Thái Lan.

Ông bắt đầu vai trò mạnh mẽ trong chính trường khi Đảng Tương lai phía trước, tiền thân của MFP, bị tòa án hiến pháp giải tán vì "vi phạm một số quy định về tài trợ". Sự việc này xảy ra chỉ 1 năm sau khi Đảng Tương lai phía trước bất ngờ về thứ ba trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019. Ông Pita, nhà lãnh đạo mới, đã xây dựng lại đảng và khơi nguồn một phong trào đấu tranh mạnh mẽ.

Giáo sư Siripan Nogsuan Sawasdee từ Khoa Khoa học chính trị của Trường ĐH Chulalongkorn ở Bangkok cho biết mức độ ủng hộ dành cho MFP tăng lên từng ngày. "Theo tính toán của tôi, khoảng 60%-70% thế hệ trẻ yêu thích MFP. Các thế hệ lớn tuổi hơn cũng bị con cháu họ thuyết phục và bỏ phiếu cho MFP" - bà nói với ABC.

Thực ra ông Pita không phải là "tay ngang" trong chính trị. Cha ông, ông Pongsak Limjaroenrat, từng là cố vấn của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, còn người chú Padung Limcharoenrat là cố vấn thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Nhưng phải đợi đến khi sang New Zealand du học ở tuổi thiếu niên, ông Pita mới bắt đầu khơi sâu tình yêu với chính trị. Thậm chí, ông vừa làm bài tập vừa nghe các bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand khi đó là ông Jim Bolger.

Tại Mỹ sau này, ngoài bằng thạc sĩ về chính sách công ở Trường ĐH Harvard, ông Pita còn lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh ở Viện Công nghệ Massachusetts.

(Nguồn: Soha)

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ và nỗi lo của phương Tây

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dẫn trước đối thủ trong vòng bầu cử đầu tiên, nghĩa là phe đối lập sẽ phải rất vất vả ngăn ông nối dài quyền lực sang thập kỷ thứ 3 trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 28/5.

Kết quả bầu cử ngày 14/5 cho thấy ông Erdogan nhận được gần 50% số phiếu, thấp hơn đôi chút so với ngưỡng quá bán cần thiết, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều cử tri bận tâm. Cuộc bầu cử được theo dõi sát sao ở các thủ đô phương Tây, trụ sở NATO và Mátxcơva, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay thường đóng vai trò trung gian trong những mối quan hệ phức tạp và gây tranh cãi.

Về chính thức, phương Tây không thể hiện ủng hộ ai, để tránh bị cáo buộc can thiệp vào chính trị nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một bí mật mà ai cũng biết là các lãnh đạo châu Âu, chưa kể chính quyền Mỹ Joe Biden, sẽ rất vui nếu ông Erdogan thất bại, New York Times viết.

Như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt phát biểu hôm 12/5: “Chúng ta đều muốn một Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng hơn”, một thành viên ngày càng đóng vai trò quan trọng chiến lược trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành đối tác ngày càng phức tạp với Liên minh châu Âu (EU).

Trong suốt 20 năm cầm quyền, ông Erdogan thực hiện chính sách không liên minh, vì vậy thường xuyên chọc giận các đồng minh phương Tây và tạo cơ hội cho Nga, nhất là từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Nói rộng hơn, có một cảm giác mạnh mẽ ở EU và Washington rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan đang rời xa các giá trị và chuẩn mực của châu Âu.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Erdogan dự lễ đưa nhiên liệu vào dự án hạt nhân dân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD do tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom xây dựng trở thành biểu tượng cho hợp tác kinh tế và năng lượng tốt đẹp giữa hai quốc gia, cũng như giữa hai nhà lãnh đạo.

Sự kiện ngày 27/4 diễn ra chưa đầy 3 tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc tạo nên một ngành công nghiệp công nghệ cao tiên tiến mới là một ví dụ thuyết phục nữa cho thấy những gì mà ngài, Tổng thống Erdogan, đang làm cho đất nước của mình, cho sự tăng trưởng kinh tế và cho tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói trong buổi lễ.

Theo giới quan sát, nhà lãnh đạo 69 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp bảo vệ lợi ích của Nga khi làm suy yếu sự đoàn kết của NATO và từ chối áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Mátxcơva. Mùa hè năm ngoái, Nga chuyển hàng tỷ đô la cho chi nhánh của Rosatom ở Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bước đi mà giới chuyên gia cho là để hỗ trợ đồng nội tệ đang chao đảo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ khi làm thủ tướng những năm 2000 đến khi trở thành tổng thống, ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, uy tín của ông sụt giảm khi lạm phát tăng vọt, khiến mức sống của người dân giảm mạnh.

Trong khi đó, ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu (74 tuổi) tuyên bố sẽ xây dựng lại quan hệ với châu Âu và Mỹ. Điều này có thể mở cánh cửa để Thụy Điển gia nhập NATO nhanh hơn, bất chấp Nga phản đối mạnh mẽ. Ông Kilicdaroglu hứa sẽ duy trì hợp tác kinh tế với Nga nếu đắc cử, nhưng không rõ liệu chính trị gia này có duy trì cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề Ukraine như ông Erdogan hay không. “Nếu ông Kilicdaroglu thắng cử, Nga sẽ phải chấp nhận việc ông xích lại gần phương Tây hơn ở mức độ nào đó, để ngăn ông ấy đứng hẳn về phía đó”, ông Mark Katz, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH George Mason (Mỹ), nhận định.

(Nguồn: Tiền Phong)

Nhiều tiếng nổ lớn ở Kiev, Ukraine nói Nga tấn công "bất thường"

(Ảnh minh họa).

Các nhân chứng cho biết, có ít nhất 10 tiếng nổ lớn ở thủ đô Kiev rạng sáng 16/5. Các quan chức Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã tổ chức không kích.

Theo Al Jazeera, thủ đô Kiev của Ukraine đã hứng chịu một cuộc không kích "bất thường" của Nga với các loại vũ khí như máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Quan chức quân đội Ukraine mô tả cuộc không kích là dữ dội "bất thường" vì số lượng tên lửa Moscow bắn là nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất và tới từ nhiều hướng khác nhau.

"Mật độ tên lửa sử dụng trong vụ tấn công là bất thường, với số lượng tên lửa nhiều nhất tấn công trong khoảng thời gian ngắn nhất", Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Kiev, bình luận trong một bài đăng trên Telegram.

Chưa rõ có bao nhiêu tên lửa, UAV Nga nhằm vào Kiev đầu giờ sáng 16/5, cũng như chưa có thống kê tổng thể về thương vong hay thiệt hại trong vụ tấn công mới này. Tuy nhiên, ông Vitali Klitschko, thị trưởng Kiev, sau đó cho biết trên Telegram rằng, có 3 người bị thương và một tòa nhà lớn bị hư hại.

Cảnh báo không kích vang lên trên khắp Ukraine. Ông Popko cho biết, dựa trên thông tin sơ bộ, "nhiều tên lửa, UAV của Nga đã bị phát hiện và ngăn chặn trên bầu trời Kiev".

Ông Klitschko cho biết, các vụ nổ được ghi nhận ở quận Solomyanskyi của Kiev và thiêu rụi nhiều ô tô ở đây. "Hãy ở yên tại nơi trú ẩn", thị trưởng Kiev viết trên Telegram.

Hãng Kyiv Independent đưa tin, còi báo động rền vang trên khắp Ukraine để cảnh báo về các cuộc không kích tiềm năng của các lực lượng Nga. Các phóng viên hiện trường và nhân chứng cho biết, họ nghe thấy ít nhất 10 tiếng nổ lớn ở Kiev vào đầu ngày 16/5.

Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 16/5 đăng trên Telegram rằng, các hệ thống phòng không ở Kiev đang đối phó với đợt tấn công của quân Nga.

Moscow hiện chưa lên tiếng về vụ tấn công.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang