'Nạn nhân' lạm phát toàn cầu; Chạy không thoát dầu Nga; TQ đau đầu vì hàng rẻ; Ukraine đột kích Dnipro; Quyết đấu ở Sudan

Những nạn nhân 'vô hình' của lạm phát toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Giọng nói của bà Meseret Addis yếu ớt và run rẩy. Phần lớn thời gian trong ngày người phụ nữ 83 tuổi này phải nằm trên giường.

Bà hít một hơi thật sâu, qua ống thông mũi để tăng lượng oxy.

"Tôi không muốn khổ sở. Tôi không muốn bị đói. Tôi không muốn bị lạnh", bà nói.

Bà Addis sống trong một căn phòng nhỏ chung với ba đứa cháu ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Con gái bà đã qua đời vì bệnh tiểu đường và bản thân bà cũng là một góa phụ.

Bọn trẻ ăn sáng và ăn trưa ở trường nên bà Addis tiết kiệm số thức ăn ít ỏi có thể mua được cho bữa tối. Bà chỉ ăn một bữa mỗi ngày, nhưng không phải ngày nào cũng vậy.

"Chúng tôi chỉ ăn Qolo (một hỗn hợp ngũ cốc rang truyền thống), uống nước và đi ngủ. Khi không có đồ ăn, chúng tôi không thể làm gì được."

Câu chuyện của bà không phải là trường hợp cá biệt.

'Họ không vô hình'

BBC đã trò chuyện với những người cao tuổi trên khắp thế giới để hiểu tác động của cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu.

Các dẫn chứng mà họ đưa ra cho thấy họ rất dễ bị tổn thương, ngày càng phụ thuộc vào các tổ chức từ thiện, và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bản thân.

"Dữ liệu về người cao tuổi hoàn toàn không có," Claudia Mahler, Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về quyền của người cao tuổi, trao đổi với BBC.

“Họ bị bỏ qua trên các hệ thống hỗ trợ vì họ vô hình,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều nhóm người lấn át họ.

Một nghiên cứu mới về 10 quốc gia của HelpAge, một mạng lưới từ thiện được tài trợ bởi các cơ quan quốc tế, cho thấy những người cao tuổi đang thực hiện "các biện pháp hà khắc để tồn tại" từ lần đầu tiên đi ăn xin cho đến từ bỏ điều trị tại bệnh viện.

"Bạn có thể thấy tôi đang ốm. Tôi đang nằm trên giường. Nếu không được hỗ trợ, tôi chỉ có thể chờ đợi cái chết", Meseret Addis nói khi bà kéo tấm chăn lên trong căn phòng lạnh lẽo.

Ở một chiếc giường khác cách đó hơn 4.000 km, tại thủ đô Beirut của Lebanon, bà Alice Chobanian, 67 tuổi, nói về nỗi tuyệt vọng tương tự.

"Tôi không muốn nói về số lần tôi cố gắng tự sát," bà nói.

Các chuyên gia cho biết tác động của cuộc khủng hoảng này đối với sức khỏe tâm thần của người cao tuổi là nghiêm trọng.

"Trầm cảm không được coi là trầm cảm. Mà chỉ được coi là 'điều gì đó liên quan đến tuổi tác', điều gì đó 'không quá nghiêm trọng'. Nhưng đây là một vấn đề lớn hoàn toàn bị bỏ qua", chuyên gia Liên Hiệp Quốc Claudia Mahler nói.

Bà Chobanian chia sẻ căn phòng ngủ nhỏ của mình ở thủ đô Lebanon với tổng cộng 10 người, hai cô con gái mới ly hôn và tám đứa con của họ.

Bà cho biết tình hình tài chính của gia đình đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2020 và "mọi thứ chưa bao giờ khó khăn như bây giờ".

Một loạt khủng hoảng chồng chéo

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng từ 135 triệu vào năm 2019 lên 345 triệu vào năm 2022.

Ngoài Covid và biến đổi khí hậu, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022 đã dẫn đến chuỗi cung ứng lương thực, năng lượng và thuốc men gián đoạn trên toàn cầu, cũng như lạm phát tăng vọt.

Lebanon đã rơi vào khủng hoảng trước cuộc chiến này và lạm phát lương thực lên tới 372,8% vào năm ngoái.

Bà Chobanian nói: “Các cháu gái của tôi thích đi ngang qua cửa hàng bán gà chỉ để ngửi mùi gà.

"Hôm qua các cháu nói rằng chúng đói. Tôi không có gì và chúng nói: 'Hãy đi ngủ và hy vọng chúng ta mơ thấy được ăn gà'."

Bà Chobanian kiếm được 20 USD một tháng từ công việc điều dưỡng của con gái bà.

"Trước cuộc khủng hoảng, tôi từng bán quần áo đan móc. Rồi khủng hoảng xảy ra, không ai mua bất cứ thứ gì. Những gì tôi làm được coi là xa xỉ và mọi người không thể chi trả nổi nữa", bà nói.

Phụ nữ cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn

Các chuyên gia cho biết những phụ nữ lớn tuổi như bà Addis và bà Chobanian "bị ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng này".

Bob Babajanian, trưởng bộ phận an ninh thu nhập của HelpAge cho biết: "Các chuẩn mực văn hóa xã hội thường bắt phụ nữ phải là người đầu tiên từ bỏ bữa ăn khi lượng thực phẩm bị hạn chế. Cũng vì sự bất bình đẳng xã hội hiện có, phụ nữ có ít khả năng kiếm thu nhập hơn".

"Điều đó cũng ảnh hưởng tới đời sống gia đình, họ có ít quyền kiểm soát hơn."

Phụ nữ thường là người chăm sóc chính cho con cái và người thân. Và họ thường kiếm được ít tiền hơn nam giới khi làm việc bên ngoài gia đình cũng như khi làm những công việc phi chính thức.

“Chúng ta thường nói về khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ nhưng cũng có khoảng cách về lương hưu”, chuyên gia Claudia Mahler cho biết.

"Nếu phụ nữ hoặc trẻ em gái không được tiếp cận với một nền giáo dục tốt, họ sẽ không bao giờ có được cơ hội việc làm như nam giới. Điều này cũng dẫn đến việc không có đủ hỗ trợ hay lương hưu hoặc các khoản trợ cấp khác", bà nói.

Đương nhiên, những nam giới cao tuổi cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.

Trời đã xế chiều và ông Ziauddin Khilji đang ngồi trước cửa garage ô tô của mình ở Islamabad, Pakistan. Vợ ông qua đời hồi tháng trước sau 7 năm chạy thận nhân tạo.

Ở tuổi 68, ông vẫn phải làm việc vì không có lương hưu. Nhưng hầu hết khách hàng của ông đã biến mất trong năm qua.

"Đã có lúc cả ngày chúng tôi không có thời gian rảnh. Bây giờ, đây là công việc đầu tiên tôi nhận được kể từ sáng sớm", ông Khilji nói, chỉ vào những chiếc máy phủ đầy bụi.

Vào tháng 2/2023, giá tiêu dùng của Pakistan tăng cao nhất trong gần 50 năm qua.

Bây giờ ông ngủ trên một tấm nệm gấp ở phía sau garage. Nhưng khả năng mất chỗ ngủ có thể xảy ra khi tiền thuê mặt bằng đã tăng hơn gấp đôi vào tháng trước.

Và các khoản vay mà ông phải trả để chữa bệnh cho vợ ngày càng nhiều hơn vì lãi suất cũng tăng vọt.

"Tôi bị tiểu đường và tôi có đặt một ống đỡ động mạch tim. Thận của tôi cũng đau. Nhưng thuốc bây giờ rất đắt. Đôi khi tôi ngừng uống thuốc. Khi nào có đủ khả năng, tôi sẽ uống. Nếu không có, tôi có thể làm gì?"

Bà Addis ở Ethiopia cũng đã ngưng mua hầu hết các loại thuốc quan trọng mà bà cần cho bệnh phổi.

Cả hai đều tham gia ủng hộ nghiên cứu của HelpAge cho thấy việc giá cả tăng cao đang ngăn người lớn tuổi được tiếp cận điều trị y tế và thuốc men.

Lần đầu tiên sử dụng ngân hàng lương thực

Tác động của cuộc khủng hoảng đối với người cao tuổi đã vượt ra ngoài các nước đang phát triển như Ethiopia, Lebanon và Pakistan. Ở Anh, một quốc gia giàu có cũng bị ảnh hưởng.

Thabani Sithole, 74 tuổi, là một y tá đã nghỉ hưu sống ở phía nam London. Bà phải dựa vào một tổ chức cộng đồng có tên là ngân hàng lương thực để có được thực phẩm cần thiết.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ sử dụng ngân hàng thực phẩm, chưa bao giờ, bởi vì mọi thứ từng trông ổn. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, tôi nghĩ 'Tại sao những người này lại sử dụng ngân hàng thực phẩm?'

"Và bây giờ đến lượt tôi đi xếp hàng," bà nói, chỉ vào những món đồ hộp trên bàn bếp của mình.

Khi nghỉ hưu sau thời gian làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia vào năm 2019, bà nghĩ rằng "cuộc sống chỉ mới bắt đầu", nhưng giá cả tăng cao kỷ lục đã thay đổi mọi thứ.

"Đôi khi bạn thèm ăn một món gì đó. Nhưng bây giờ vấn đề không phải là ăn ngon mà là bạn phải ăn gì, có đủ thức ăn."

Chồng bà Sithole qua đời khi con gái bà mới hai tháng tuổi. Bà sống với người con gái duy nhất của mình, những bức ảnh của cô ấy treo kín các bức tường trong phòng khách.

"Ít nhất có con gái tôi ở đó. Đó là lý do tại sao tôi có thể vượt qua mọi việc."

Nhưng dựa dẫm vào các thành viên trong gia đình, mặc dù rất phổ biến, không phải là cách tốt khi bạn già đi.

Wei Yang, giám đốc Viện Lão khoa tại Đại học King's College London cho biết: "Ở Anh, số lượng những người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong vài thập niên tới.

"Gần như không thể có chuyện mọi người luôn có những thành viên trẻ tuổi trong gia đình hỗ trợ. Các chính phủ thực sự cần nghĩ ra những cách mới để tài trợ cho việc chăm sóc dài hạn cho người lớn tuổi", Tiến sĩ Yang nói thêm.

Bà Sithole nói rằng bà cũng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện như Independent Age và lo sợ điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

“Tiền trả góp cứ tăng lên sau mỗi hai tháng,” bà nói. "Chúng tôi sẽ phải ra khỏi ngôi nhà này bởi vì chúng tôi không thể trả toàn bộ ngay bây giờ.”

"Chúng tôi sẽ phải bán căn nhà và chuyển đến nơi nào đó rẻ hơn một chút, điều này sẽ rất khó khăn cho con gái tôi khi đi làm."

Bà kêu gọi những người cao tuổi đang gặp khó khăn lên tiếng.

"Đừng ngại. Đừng cảm thấy sợ hãi. Đừng cảm thấy xấu hổ," bà nói.

"Trước đây, 'Ồ, thật tội nghiệp. Ồ, bà từng là y tá. Tại sao bà lại ở đây, và các câu hỏi khác.'

"Bây giờ không ai hỏi những điều đó bởi vì trong số những người đến ngân hàng thực phẩm thậm chí còn có giáo viên, bác sĩ và y tá vẫn đang làm việc."

(Nguồn: BBC)

"Chạy trời không khỏi nắng": Dầu Nga chảy khắp thế giới, châu Âu vừa cấm vừa mua đầy trớ trêu

Các quan chức châu Âu thừa nhận, dầu thô Nga vẫn đang chảy vào thị trường châu Âu, bất chấp các biện pháp trừng phạt.

Phương Tây nhập khẩu gián tiếp dầu của Nga

Theo một báo cáo được công bố của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA - Phần Lan) công bố hôm 19/4, các nước phương Tây đã nhập khẩu các sản phẩm dầu trị giá 42 tỷ EUR từ các quốc gia đang tăng nhập khẩu dầu thô của Nga trong khoảng thời gian 12 tháng qua.

" EU, hầu hết các nước G7 và Australia (tạm gọi là liên minh giá trần) đã cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga, dẫn đến giá dầu và doanh thu xuất khẩu của Nga giảm đáng kể.

Tuy nhiên, các quốc gia này đã tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ các quốc gia đang trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Đây là một kẽ hở lớn có thể làm giảm tác động của lệnh trừng phạt đối với Nga" , CREA cho biết.

Trong 1 năm qua, các quốc gia thuộc liên minh giá trần đã tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Trung Quốc (tăng 3,6 triệu tấn hay 94%), Ấn Độ (tăng 0,3 triệu tấn hay 2%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 1,8 triệu tấn hay 43%), UAE (tăng 2,6 triệu tấn hay 23%) và Singapore (tăng 1,8 triệu tấn hay 33%).

Trong đó, nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm dầu từ các quốc gia thứ 3 là EU (17,7 tỷ EUR), Australia (8,0 tỷ EUR), Mỹ (6,6 tỷ EUR), Vương quốc Anh (5,0 tỷ EUR) và Nhật Bản (4,8 tỷ EUR).

Được biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu hàng tháng của Trung Quốc sang Châu Âu và Australia tăng đột biến vào cuối năm 2022, vượt xa mức lịch sử.

Trước lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga, Trung Quốc đã tăng đáng kể xuất khẩu các sản phẩm dầu, đạt 2,9 triệu tấn vào quý 4 năm 2022, cao hơn 150% so với mức trung bình hàng quý năm 2022.

Cảng Sikka của Ấn Độ là cảng xuất khẩu sản phẩm dầu lớn nhất sang các quốc gia thuộc liên minh giá trần và là cảng nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất thế giới từ Nga.

Nhà máy lọc dầu của PetroChina ở Đại Liên, Trung Quốc là nơi tiếp nhận dầu thô của Nga lớn nhất trên thế giới, do có một đường ống kết nối với Nga. Điểm đến của các sản phẩm dầu từ Đại Liên là Australia.

Đáng chú ý, 56% lượng dầu thô của Nga đến các quốc gia thứ 3 đã được vận chuyển bằng tàu thuộc sở hữu và/hoặc được bảo hiểm bởi các quốc gia thuộc liên minh giá trần.

Châu Âu thừa nhận kẽ hở của lệnh trừng phạt

Theo tờ Politico (Mỹ), giới chức châu Âu thừa nhận dầu mỏ Nga vẫn đang chảy vào thị trường châu Âu bất chấp các lệnh trừng phạt.

EU đã cấm phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ tháng 2/2022, ngoại trừ số lượng hạn chế dầu thô, khí đốt vận chuyển qua đường ống, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu mỏ.

Nhưng khối lượng lớn dầu thô của Nga - nguồn doanh thu lớn hơn khí đốt - vẫn đang được vận chuyển ra thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng dầu Nga đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua cửa sau.

"Kể từ khi áp dụng các biện pháp trừng phạt, khối lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu ít nhiều vẫn ổn định" , Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại công ty thương mại hàng hóa toàn cầu Trafigura cho biết. "Có thể dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua bên trung gian".

Một tuyến đường tiềm năng vào châu Âu là đi qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (Azerbaijan) hay cảng Ceyhan, ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, châu Âu cho biết họ đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong các lệnh trừng phạt bằng cách bổ nhiệm cựu Đại sứ EU tại Mỹ, David O'Sullivan, làm đặc phái viên chuyên trách giải quyết hành vi lách luật.

Trong khi đó, Mai Rosner, một thành viên tham gia dự án của CREA, chỉ ra:

"Dầu Nga tiếp tục chảy khắp thế giới là một đặc điểm chứ không phải lỗi của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các chính phủ đã mở cửa sau cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các thương nhân cũng như các công ty dầu mỏ lớn đang khai thác những kẽ hở này để tiếp tục kinh doanh như bình thường".

(Nguồn: Soha)

Trung Quốc đau đầu vì cái gì cũng rẻ: Trong khi cả thế giới chống lạm phát thì nền kinh tế thứ 2 toàn cầu phải làm điều ngược lại

(Ảnh minh họa).

Giá cả hàng hóa tăng quá chậm, thậm chí đi xuống đang khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đau đầu.

Hãng tin CNN cho biết trong khi cả thế giới phải gồng mình vì vật giá leo thang làm giảm chất lượng sống thì Trung Quốc lại đang đau đầu vì cái gì cũng rẻ.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% trong tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm trước. Mức định giá tại cổng nhà máy (FGP-Giá bán của nhà sản xuất cho bên bán buôn đã loại trừ phí vận chuyển) của thị trường này đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

Đây là những con số khó tin nổi với Mỹ khi chỉ số CPI tại đây vẫn ở mức 5% trong tháng trước, dù con số này thấp hơn nhiều so với 9% của tháng 6/2022. Tỷ lệ này là 8,3% tại Liên minh Châu Âu (EU) và 10,1% tại Anh.

Đau đầu vì hạ giá

Theo CNN, giá cả hàng hóa tại Trung Quốc đang giảm tốc hoặc thậm chí là đi xuống bất chấp những biện pháp kích thích của chính phủ như việc Ngân hàng trung ương (PBOC) hạ lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống. Thậm chí việc nới lỏng chính sách “Zero Covid” từ cuối năm 2022 cũng không khiến giá hàng hóa tăng lên đáng kể.

Với người tiêu dùng Phương Tây, đây có thể là điều đáng mơ ước nhưng các nhà hoạch định chính sách lại khá lo lắng về điều này. Việc người tiêu dùng Trung Quốc ngại ngần chi tiêu do lo sợ tình hình kinh tế khó khăn, tích cực trữ tiền thay vì tiêu phí khiến giá cả hàng hóa hạ là một tín hiệu nguy hiểm. Doanh nghiệp thì hạn chế đầu tư mới vì đói vốn và những dự báo tiêu cực của nền kinh tế vĩ mô có thể dẫn đến hạ mức lương và sa thải bớt lao động.

Toàn bộ những yếu tố này sẽ ảnh hưởng xấu đến đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc hậu đại dịch.

“Chúng tôi dự đoán rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng Raymond Yeung của ANZ Research chi nhánh Trung Quốc nhận định sau khi kết quả tăng trưởng GDP quý I/2023 của Trung Quốc được công bố.

Theo chuyên gia Yeung, dù Trung Quốc tăng trưởng 4,5% GDP trong quý I nhưng phần lớn là do tâm lý mua sắm trả thù của người dân sau 3 năm thực hiện “Zero Covid”. Nếu loại bỏ yếu tố này thì con số chỉ còn 2,6%.

Bằng chứng rõ ràng nhất là lượng cung tiền M2 trong nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 5,6 nghìn tỷ USD trong 15 tháng qua, cho thấy lượng tiền tích lũy trong dân cực kỳ nhiều thay vì đổ vào đầu tư hay chi tiêu.

Phía PBOC đã cố gắng kích thích tiêu dùng bằng cách gia tăng thanh khoản hệ thống ngân hàng, ví dụ như nới lỏng nghiệp vụ thị trường mở hay hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng tình hình chưa có nhiều tiến triển.

Thậm chí hãng tin CNN cho biết thay vì chi tiêu nhiều hơn, mọi người lại đang cố gắng tiết kiệm và dự trữ tiền bạc ở mức kỷ lục. Các số liệu phân tích cho thấy phần lớn những khoản cho vay mới của các ngân hàng là cho chính quyền địa phương và được dùng để thanh toán những khoản nợ chứ không phải khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân.

Rủi ro

Về lý thuyết, giảm phát là tình trạng giá cả hàng hóa trên diện rộng có sự suy giảm liên tục, cả ở mảng dịch vụ lẫn sản phẩm trong một thời gian nhất định.

Tình trạng này nghe có vẻ có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại không tốt cho nền kinh tế. Thị trường không tiêu thụ hàng hóa sẽ khiến doanh nghiệp thất thu, qua đó giảm đầu tư, sa thải lao động hay cắt lương khiến người tiêu dùng càng không có thu nhập và tiết kiệm hơn, qua đó tiếp tục không chi tiêu và tạo thành vòng luẩn quẩn.

Trên thực tế, Nhật Bản được đánh giá là đã rơi vào giảm phát nhẹ trong 20 năm qua khiến nền kinh tế giảm tốc. Chỉ mới gần đây thì các số liệu chính thức mới cho thấy Nhật Bản đang bắt đầu thoát được khỏi vòng xoáy này.

“Trung Quốc có khả năng rơi vào giảm phát và tệ hơn nữa là có thể rơi vào suy thoái”, giáo sư Liu Yuhui của Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cảnh báo.

Theo giáo sư Liu, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu trong khi giá nhà đất và mảng tài chính chưa thực sự hồi phục. Phần lớn hộ gia đình Trung Quốc đang ngập trong nợ và không có khả năng cũng như nhu cầu chi tiêu. Trong khi đó, chính quyền địa phương nhiều nơi cũng nợ nần chồng chất do bong bóng bất động sản xì hơi.

“Tình hình Trung Quốc hiện nay khá giống với khủng hoảng tại Mỹ năm 2008 và tại Nhật Bản cách đây 30 năm”, giáo sư Liu đánh giá.

Phát 72 tỷ USD

Theo cựu giám đốc Yu Yongding của CASS, việc nhận định Trung Quốc lâm vào giảm phát là còn quá sớm, nhưng đồng ý rằng chính phủ nên có biện pháp ngay từ bây giờ.

Trong khi đó, giáo sư kinh tế Li Daokui của trường đại học Tsinghua, đồng thời từng làm cố vấn cho PBOC cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể xem xét biện pháp phát 500 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 72,5 tỷ USD cho người dân thông qua dạng phiếu mua hàng để kích thích tiêu dùng.

“Nhiều ước tính cho thấy chỉ cần 500 tỷ Nhân dân tệ phiếu mua hàng cũng có thể kích thích làn sóng chi tiêu lên đến 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong người dân”, giáo sư Li nhấn mạnh.

Bù lại, chính phủ có thể thu hồi ít nhất 300 tỷ Nhân dân tệ thông qua tiền thuế từ việc gia tăng chi tiêu của người dân.

(Nguồn: CafeF)

Ukraine mở các cuộc đột kích trên sông Dnipro, có thể sắp phản công

Các lực lượng Ukraine đóng ở phía tây sông Dnipro thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào bờ phía đông gần thành phố Kherson để cố gắng đánh bật quân đội Nga, một quan chức khu vực cho biết ngày 25/4.

Các lực lượng Nga đã chiếm giữ phía đông sông Dnipro gần Kherson kể từ khi rút lui khỏi thành phố phía nam vào tháng 11 sau nhiều tháng chiếm đóng, nhưng Ukraine dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công vào mùa xuân để cố gắng chiếm lại nhiều lãnh thổ hơn.

Ông Yuriy Sobolevskiy, phụ tá cho người đứng đầu chính quyền khu vực Kherson, nói các cuộc đột kích nhằm làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội Nga, những người đã pháo kích vào thành phố Kherson kể từ khi buộc phải rút lui.

“Quân đội của chúng tôi rất thường xuyên tới tả ngạn (phía đông), tiến hành các cuộc đột kích. Các lực lượng vũ trang Ukraine đang làm việc và hoạt động rất hiệu quả”, ông Sobolevskiy nói với truyền hình Ukraine.

“Kết quả sẽ đến như họ đã làm ở hữu ngạn của vùng Kherson khi, nhờ một chiến dịch phức tạp và lâu dài, họ có thể giải phóng các lãnh thổ của chúng tôi với tổn thất tối thiểu cho quân đội của chúng tôi. Điều tương tự hiện đang xảy ra ở tả ngạn.”

Nga đã chiếm giữ vùng Kherson ngay sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine 14 tháng trước, và kể từ đó tiếp tục nắm giữ toàn bộ lãnh thổ của khu vực phía đông sông Dnipro.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine có thể sẽ sớm phát động một cuộc phản công và một trong những mục tiêu chính có thể là phá vỡ hành lang đất liền phía nam giữa Nga và khu vực Crimea do Nga sáp nhập. Chiếm lại toàn bộ khu vực Kherson sẽ là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ tuần trước cho biết rằng các blogger quân sự Nga đã đăng đủ cảnh quay định vị địa lý để xác nhận rằng quân đội Ukraine đã thiết lập một chỗ đứng trên bờ phía đông sông Dnipro.

Ông Sobolevskiy không cung cấp thêm chi tiết, nói rằng một chiến dịch quân sự đòi hỏi “sự im lặng về thông tin”.

(Nguồn: VOA)

Phía sau hai vị tướng quyết đấu tàn khốc ở Sudan

(Ảnh minh họa).

Khi hai vị tướng hàng đầu Sudan quyết đấu "một mất một còn", các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới cũng nhanh chóng có những động thái khác nhau.

Ai Cập đã đấu tranh để đưa binh sĩ của mình - những người được cho là bị bắt giữ bởi một trong các bên tham chiến ở Sudan - về nước.

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết một lãnh chúa Libya đã cung cấp vũ khí cho phe người này ủng hộ.

Các nhà ngoại giao, từ châu Phi, Trung Đông đến phương Tây, đã kêu gọi ngừng cuộc giao tranh khiến một số khu vực của thủ đô Khartoum trở thành “chiến trường” khói lửa.

Cuộc cách mạng năm 2019 - trong đó hàng chục nghìn người Sudan tham gia biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Omar Hassan al-Bashir - được cho là sẽ mở ra một tương lai tươi sáng và dân chủ.

Nhưng nó cũng tạo ra cơ hội mới cho các cường quốc bên ngoài theo đuổi lợi ích riêng của họ ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi, theo New York Times.

Sudan nằm ở vị trí chiến lược trên sông Nile và Biển Đỏ, với nguồn tài nguyên khoáng sản và tiềm năng nông nghiệp rộng lớn, chỉ mới nổi lên sau nhiều thập kỷ bị trừng phạt và cô lập.

Tìm kiếm lợi thế

Nga tìm cách tiếp cận hải quân cho tàu chiến của mình tại các cảng Biển Đỏ của Sudan.

Một số quan chức cho biết Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trả tiền cho một trong những tướng lĩnh đang tham chiến của Sudan, tướng Mohamed Hamdan, để giúp họ chiến đấu ở Yemen. Trong khi đó, Ai Cập, ủng hộ vị tướng khác - tướng Abdul Fattah al-Burhan.

Israel, từ lâu bị xa lánh trong thế giới Arab, cũng nhìn thấy cơ hội đạt được thứ mà họ thèm muốn từ Sudan: Sự công nhận chính thức.

“Các nước đều muốn có một phần tại Sudan nhưng không thể có tất cả sự can thiệp”, Magdi el-Gizouli, nhà phân tích người Sudan tại Viện Rift Valley cho biết.

“Có quá nhiều lợi ích cạnh tranh và quá nhiều yêu sách”, ông nói thêm. “Khi đó sự cân bằng mong manh sẽ nổ tung, như bạn có thể thấy bây giờ”.

Theo Liên Hợp Quốc, trong tuần qua, hơn 400 người đã thiệt mạng và 3.500 người bị thương trong cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính quy do tướng al-Burhan chỉ huy và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Hamdan lãnh đạo.

UAE là một trong số những “người chơi” nước ngoài quan trọng nhất ở Sudan. Quốc gia vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ đã tích cực mở rộng ảnh hưởng ở vùng Sừng châu Phi những năm gần đây.

Mối quan tâm của họ đối với Sudan xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, bắt nguồn từ tiềm năng nông nghiệp to lớn của nước này mà UAE hy vọng có thể giảm bớt lo ngại về nguồn cung lương thực của họ.

Về mặt công khai, UAE không đứng về phía nào trong các cuộc tranh giành quyền lực ở Sudan và là một phần của nhóm ngoại giao được gọi là Quad. Nhóm, bao gồm Mỹ, Anh và Saudi Arabia, cho đến gần đây đã cố gắng đưa Sudan trở lại chế độ dân sự.

Nhưng đồng thời, các quan chức cho biết UAE cũng giúp hỗ trợ tướng Hamdan. Trong những năm qua, tướng Hamdan đã mở rộng “rương chiến tranh” của mình thông qua các giao dịch kinh doanh.

Vào năm 2018, UAE đã trả tiền cho tướng Hamdan để gửi hàng nghìn lính đến chiến đấu ở Yemen. Tướng Hamdan cũng trở nên giàu có nhờ khai thác vàng ở Sudan và vận chuyển đến Dubai.

Một số quan chức phương Tây cho biết tài sản của tướng Hamdan bao gồm trang trại chăn nuôi, bất động sản và các công ty an ninh tư nhân. Số tiền đó, phần lớn được giữ ở Dubai, đã giúp ông xây dựng lực lượng bán quân sự, hiện được trang bị tốt hơn quân đội Sudan thông thường.

New York Times dẫn lời các nhà ngoại giao ở Sudan rằng đồng minh thân cận nhất của tướng Hamdan tại UAE là phó tổng thống nước này, Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan.

Tuy nhiên, các tiểu vương quốc thích đi nước đôi và một số hoàng tử khác đã đứng về phía các đối thủ của tướng Hamdan. Vào năm 2020, Sheikh Tahnoon bin Zayed al Nahyan đã đầu tư 225 triệu USD với Osama Daoud - ông trùm người Sudan thân cận với quân đội - trong dự án nông nghiệp.

Can thiệp

Kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu vào cuối tuần trước, một số quan chức nước ngoài cho biết các nhà ngoại giao UAE đã cố gắng để ngăn chặn nó.

Nhưng ngay cả khi giao tranh nổ ra, một số nguồn cung cấp vũ khí vẫn tiếp tục chảy.

Các quan chức Mỹ nói rằng tướng Hamdan đã được cung cấp vũ khí từ Khalifa Hifter - một lãnh chúa người Libya cũng được trang bị vũ khí và tài trợ bởi UAE. Các quan chức nói rằng không rõ liệu vũ khí đó là từ kho của chính ông Hifter hay UAE.

Ai Cập, một quốc gia Arab khác, nằm ở phía bên kia của sự phân chia quân sự ở Sudan.

Khi căng thẳng gia tăng bên trong Sudan năm qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, đã công khai đứng về phía chỉ huy quân đội, tướng al-Burhan.

Ông el-Sisi được cho là rất nghi ngại tướng Hamdan - thủ lĩnh dân quân một thời - và muốn thấy Sudan được cai trị bởi một sĩ quan được đào tạo chính quy như ông. Ngoài ra còn có mối liên hệ cá nhân: Ông el-Sisi và tướng al-Burhan học cùng trường đại học quân sự.

Đầu năm nay, Ai Cập đã đưa ra sáng kiến ​​chính trị ở Cairo để tập hợp các phe phái ở Sudan lại với nhau.

Nhưng các nhà ngoại giao nước ngoài ở Khartoum - những người đang cố gắng để đạt được thỏa hiệp giữa tướng Hamdan và tướng al-Burhan - coi Ai Cập là “kẻ phá hoại”, hành động có lợi cho quân đội Sudan và chống lại tướng Hamdan.

Vào ngày 12/4, 3 ngày trước khi giao tranh nổ ra, lực lượng RSF của tướng Hamdan đã bao vây căn cứ quân sự ở Merowe - nơi khoảng một chục máy bay chiến đấu và binh lính Ai Cập đóng quân.

Động thái này gây ra sự phản ứng công khai từ quân đội Sudan, vốn khẳng định rằng người Ai Cập đang ở đó trong một cuộc tập trận. Tướng Hamdan dường như lo sợ rằng Ai Cập sẽ hỗ trợ trên không cho đối thủ của ông - quân đội Sudan - trong trường hợp xảy ra giao tranh.

Khi xung đột nổ ra, lực lượng của tướng Hamdan đã bắt ít nhất 27 người Ai Cập từ căn cứ Meroe - khiến các quan chức phương Tây phải nỗ lực để xoa dịu cuộc khủng hoảng và tránh khả năng xung đột khu vực mở rộng.

Màn kịch đó dường như kết thúc vào hôm 20/4, khi lực lượng của tướng Hamdan bàn giao những người Ai Cập bị giam giữ. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết nguy cơ Ai Cập bị cuốn vào cuộc xung đột ở Sudan vẫn còn.

Trong khi đó, những ngày gần đây, RSF đã nhận được lời đề nghị cung cấp vũ khí, bao gồm cả tên lửa đất đối không, từ ông Prigozhin, các quan chức Mỹ cho biết.

Các quan chức cho biết tướng Hamdan chưa quyết định có nhận vũ khí hay không.

Trước cuộc giao tranh khốc liệt, phương Tây đang thúc đẩy các cường quốc vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE sử dụng đòn bẩy của mình để buộc tướng lĩnh tham chiến phải từ bỏ.

“Liệu họ có thể đóng băng tài sản nếu (các tướng Sudan) không chịu lắng nghe?” Alan Boswell, chuyên gia tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đặt câu hỏi. Ông nêu ý kiến ​​rằng các quốc gia vùng Vịnh có thể gây áp lực với tướng lĩnh của Sudan bằng cách nhắm vào sự giàu có của họ. “Không ai muốn một nhà nước thất bại ở Sudan”.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang