‘Phòng điều chế’ ma túy; Thêm liên minh mới nổi; Indonesia cấm điện thoại Google; Tự lực vũ khí, Ukraine chật vật; Israel sẵn sàng, Iran gặp khó

CANADA TRIỆT PHÁ PHÒNG ĐIỀU CHẾT MA TÚY SIÊU LỚN

Cảnh sát Canada triệt phá phòng điều chế ma túy lớn, tinh vi nhất trong lịch sử nước này, thu giữ lượng ma túy, vũ khí, tiền chất kỷ lục.

Cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP) ngày 31/10 thông báo triệt phá "siêu phòng điều chế" ma túy ở Falkland, tỉnh British Columbia và các địa điểm liên quan ở Surrey, Metro Vancouver hồi tuần trước.

RCMP xác định đây là những nơi tội phạm có tổ chức điều hành hoạt động sản xuất, phân phối ma túy đá và fentanyl trên toàn quốc, cũng như ra ngoài quốc tế.

Cảnh sát thu giữ tổng cộng 54 kg fentanyl, 390 kg ma túy đá, cocaine, MDMA, cần sa, một lượng tiền hóa chất "khổng lồ", cũng như 89 súng các loại, trong đó có súng trường, súng tiểu liên, cùng hàng loạt thiết bị nổ, đạn dược, ống giảm thanh, áo chống đạn, tiền mặt.

RCMP triệt phá các tụ điểm này sau hơn một năm làm việc với FBI để xác định mạng lưới tội phạm có liên hệ với các băng đảng Mexico, bên vận chuyển lượng lớn ma túy đá, cocaine từ Trung Mỹ, Nam Mỹ đến điểm trung chuyển là Mỹ rồi đến Canada và các nước khác.

Giới chức Canada cho biết mạng lưới này cũng đứng sau các vụ giết người, rửa tiền trên khắp khu vực Bắc Mỹ. Thủ lĩnh của mạng lưới này là Ryan Wedding, người Canada, đang trốn truy nã.

"Đây là đòn giáng mạnh vào các băng đảng xuyên quốc gia có liên quan, là bước tiến lớn trong đảm bảo an toàn cho người dân Canada và cộng đồng quốc tế". Jillian Wellard, quan chức RCMP phụ trách khu vực Thái Bình Dương, nói.

Fentanyl là một trong những loại thuốc giảm đau opioid mạnh nhất, có tính gây nghiện cao, hơn heroin 50 lần và morphine 100 lần. Đây cũng là thành phần chính để điều chế nhiều loại ma túy độc hại khiến gần 48.000 người Canada thiệt mạng trong 8 năm qua.

Số lượng fentanyl và tiền chất bị thu giữ ở "siêu phòng điều chế" ước tính cho ra khoảng 95,5 triệu liều fentanyl gây tử vong.

 

 

ĐỒNG ĐÔ TIẾP TỤC GẶP KHÓ KHI MỘT LIÊN MINH MỚI NỔI KHÁC HÌNH THÀNH

Phi đô la hóa đang ngày thu hút được sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, chủ đề phi đô la hóa đã đạt được động lực trong các liên minh toàn cầu. Theo sau các nước BRICS, các nhóm mới đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Sự thay đổi này phản ánh mong muốn về độc lập kinh tế và hệ thống tiền tệ toàn cầu đa dạng hơn.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một trong những nhóm mới nổi đi đầu trong nỗ lực này. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Các quốc gia thành viên bày tỏ ý định tăng cường sử dụng nội tệ trong thương mại, giảm phụ thuộc vào đồng đô la.

SCO đã có những bước đi đáng kể hướng tới giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Bằng cách liên kết các thành viên vào 1 hệ thống thanh toán mới, tổ chức này muốn các giao dịch xuyên biên giới không phụ thuộc vào một loại tiền tệ duy nhất.

Tổng thư ký SCO Zhang Ming cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra về việc tạo ra một hệ thống thanh toán chung. Ý tưởng này vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, một nhóm công tác đặc biệt với sự tham gia của đại diện các ngân hàng trung ương và bộ tài chính các quốc gia thành viên SCO cũng đã được thành lập. Công việc này đang được tiến hành tích cực, ông Zhang Minh chia sẻ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand (Ấn Độ) năm 2022, một thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường vai trò của nội tệ trong thương mại đã được ký kết. Kế hoạch đang được tiến hành tích cực, khẳng định cam kết của SCO đối với chương trình nghị sự quan trọng này.

Những thách thức trong quá trình phi đô la hóa

Việc chuyển hướng khỏi đô la Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho các liên minh này. Việc thiết lập các hệ thống thanh toán mới đòi hỏi cơ sở hạ tầng và phối hợp chặt chẽ. Mỗi quốc gia thành viên phải hệ thống tài chính của họ tương thích với hệ thống chung. Những rào cản kỹ thuật này đòi hỏi đầu tư và hợp tác sâu rộng.

Hơn nữa, sự tin tưởng và chấp nhận giữa các đối tác quốc tế cũng là vấn đề lớn. Để các hệ thống chung hoạt động, các quốc gia không phải là thành viên cần sẵn sàng tham gia và chấp nhận các giao dịch bằng nội tệ. Việc này đặt ra một phép thử đối với quan hệ ngoại giao và có thể vấp phải phản đối từ các quốc gia đầu tư nhiều vào hệ thống do đồng đô la thống trị.

Bất chấp những thách thức này, lợi ích của hệ thống thanh toán chung là rất lớn. Bằng cách giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh, các quốc gia có thể kiểm soát tốt hơn các chính sách kinh tế và tiền tệ của mình.

Ý nghĩa đối với thương mại toàn cầu

Sự chuyển hướng khỏi đồng đô la Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thương mại toàn cầu. Khi nhiều quốc gia áp dụng các loại tiền tệ thay thế, tỷ trọng của đồng bạc xanh trong các giao dịch quốc tế có thể giảm đi. Sự thay đổi này có thể báo hiệu một kỷ nguyên đa cực kinh tế, nơi không có loại tiền tệ nào có sức ảnh hưởng áp đảo.

Đối với các doanh nghiệp, điều này có thể khiến môi trường giao dịch phức tạp hơn. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp ở các nước có nội tệ mạnh. Điều này có lợi cho họ khi giao thương không bị áp lực tỷ giá hối đoái.

Mặc dù những thay đổi như vậy có vẻ đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn một sự tái cân bằng sức mạnh kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trước đây bị gạt ra ngoài lề có thể có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.

 

 

VÌ SAO INDONESIA CẤM BÁN ĐIỆN THOẠI GOOGLE

Indonesia cho biết họ đã cấm bán điện thoại thông minh do Google sản xuất do các quy định đòi sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, vài ngày sau khi cấm điện thoại của hãng công nghệ khổng lồ Apple với lý do tương tự.

Indonesia đã cấm bán điện thoại Pixel của Google vì hãng không đáp ứng các quy tắc yêu cầu một số điện thoại thông minh bán trong nước phải có ít nhất 40% các bộ phận được sản xuất trong nước.

“Chúng tôi đang thúc đẩy các quy tắc này để có công bằng cho tất cả các nhà đầu tư ở Indonesia,” Febri Hendri Antoni Arief, phát ngôn nhân Bộ Công nghiệp, cho biết hôm 31/10. “Các sản phẩm của Google đã không tuân thủ quy chế mà chúng tôi đặt ra, vì vậy chúng không thể được bán ở đây.”

Google cho biết điện thoại Pixel của họ hiện không được phân phối chính thức tại Indonesia.

Febri cho biết người tiêu dùng có thể mua điện thoại Google Pixel ở nước ngoài, miễn là họ trả các khoản thuế cần thiết, đồng thời nói thêm rằng nước này sẽ xem xét việc vô hiệu hóa các điện thoại buôn bán bất hợp pháp.

Lệnh cấm này được đưa ra một tuần sau khi Indonesia cho biết họ đã cấm bán iPhone 16 trong nước, cũng vì Apple không đáp ứng các quy định về bộ phận sản xuất trong nước.

Các công ty thường tăng cường sử dụng các cấu phần trong nước để đáp ứng các quy tắc đó thông qua đối tác với các nhà cung cấp địa phương hoặc tìm nguồn cung ứng trong nước.

Google và Apple không nằm trong số các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu ở Indonesia. Hai hãng điện thoại thông minh hàng đầu trong quý 1 năm 2024 là OPPO của Trung Quốc và Samsung của Hàn Quốc, hãng nghiên cứu IDC cho biết hồi tháng 5.

Indonesia có dân số khổng lồ say mê công nghệ, khiến quốc gia Đông Nam Á này trở thành thị trường mục tiêu chính để đầu tư công nghệ.

Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp, cho biết động thái này là chủ nghĩa bảo hộ ‘trá hình’ làm tổn thương người tiêu dùng và tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.

“Điều này tạo ra tâm lý tiêu cực cho các nhà đầu tư muốn vào Indonesia,” ông nói.

 

 

TỰ LỰC CÁNH SINH VŨ KHÍ, UKRAINE RƠI VÀO THẾ KHÓ

Nỗ lực tự sản xuất đạn dược để bớt phụ thuộc vào đồng minh phương Tây của Ukraine gặp khó vì lý do khách quan.

Ukraine đã tăng sản lượng đạn cối từ con số 0 trước cuộc chiến lên hàng triệu quả mỗi năm hiện nay, nhưng tình trạng thiếu thuốc nổ toàn cầu đang gây ảnh hưởng tới nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí, quan chức của phía Kiev thừa nhận.

Ukraine đang cố gắng giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào viện trợ quân sự phương Tây. Đạn cối, rẻ hơn và có tầm bắn ngắn hơn pháo binh, là vũ khí quan trọng chống lại các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy của Nga ở mặt trận Donbass.

Herman Smetanin, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng công nghiệp chiến lược giám sát sản xuất vũ khí thời chiến vào tháng 9, nói với Reuters rằng Ukraine đã tăng sản lượng nhiều loại pháo cũng như đạn cối.

"Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ", ông thừa nhận.

Ông Smetanin, 32 tuổi, trước đó từng làm lãnh đạo ở Ukroboronprom, tập đoàn công nghiệp quốc phòng thuộc quyền sở hữu của nhà nước Ukraine.

Ông cho biết Ukraine có khả năng sản xuất nhiều đạn pháo hơn nhưng đang bị kìm hãm bởi tình trạng "thắt cổ chai" sản xuất toàn cầu và nhu cầu cao đã tạo ra tình trạng thiếu hụt thuốc nổ.

"Vấn đề chính mà chúng ta đang gặp phải hiện nay là thuốc súng và thuốc nổ. Bao nhiêu thuốc nổ được đưa vào Ukraine thì chúng ta sẽ có bấy nhiêu đạn pháo", ông nhấn mạnh.

Ukraine đã cố gắng mở rộng hầu hết ngành công nghiệp quốc phòng trong nước kể từ năm 2022 khi họ phải đối mặt với một đối thủ có tiềm lực áp đảo trên một mặt trận kéo dài hơn 1.000km.

Số liệu sản xuất cho thấy nỗ lực của Ukraine trong việc sản xuất vũ khí dù họ không sản xuất bất kỳ loại đạn pháo hoặc súng cối nào trước cuộc chiến.

Ukraine đang tự sản xuất đạn pháo, bao gồm cả cỡ nòng 155mm được các nước NATO đồng minh sử dụng cho các loại pháo hạng nặng.

Tuy nhiên, sản lượng đạn pháo của Ukraine vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với sản lượng của Nga, quốc gia đã đầu tư mạnh vào quân đội trong nhiều năm và cũng thừa hưởng năng lực sản xuất khổng lồ từ thời Chiến tranh Lạnh.

Vào tháng 3, một tổ chức nghiên cứu phương Tây ước tính Nga có thể sản xuất 3 triệu quả đạn pháo mỗi năm, gần gấp ba lần tổng công suất của Mỹ và châu Âu cộng lại.

Pháo binh là vũ khí quan trọng hàng đầu trên chiến trường Ukraine trong hơn 2 năm qua. Đầu năm 2024, các chỉ huy Ukraine ước tính 80% thương vong của cả 2 bên kể từ khi chiến sự nổ ra là do đạn pháo.

Ông Smetanin cho biết một trong những mục tiêu chính của ông là xây dựng hệ thống sản xuất hàng loạt tên lửa cho Ukraine, mặc dù ông thừa nhận rằng điều này cũng phải đối mặt với các rào cản về chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông không nêu cụ thể rào cản.

Đầu năm nay, Ukraine đã công bố rằng họ đã thử nghiệm thành công cả tên lửa đạn đạo tự chế tạo và một "tên lửa không người lái" có tên là Palyanytsia, mà phía Kiev mô tả nó giống như là một tên lửa hành trình.

 

 

ISRAEL SẴN SÀNG CAO ĐÔ, IRAN LÂM THẾ KHÓ

Israel đang "sẵn sàng cao độ" trước khả năng Iran đáp trả cuộc không kích của nước này vào tuần rồi, theo một nguồn tin quân sự của CNN ngày 1-11.

Trước đó, không quân Israel đã tấn công các hệ thống phòng không và cơ sở radar khắp Iran hôm 26-10 nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo quy mô lớn của Iran nhằm vào Israel ngày 1-10. Các nhà lãnh đạo Iran sau đó đe dọa thực hiện hành động trả đũa vụ việc.

Dù vậy, nguồn tin quân sự cho CNN biết cuộc tấn công mới của Israel khiến Iran lâm vào thế khó vì chúng làm giảm sức tấn công Tel Aviv của Tehran, cũng như làm suy yếu khả năng phòng thủ của Iran trước phản ứng trả đũa tiềm tàng tiếp theo từ Israel.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Israel và các trợ lý hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc gặp nhằm bảo đảm một lệnh ngừng bắn ở Lebanon.

Theo đài Channel 12 hôm 31-10, Israel đang tìm kiếm cam kết từ Mỹ, theo đó cho phép Israel tự do hành động để đáp trả vi phạm thỏa thuận ngừng bắn từ lực lượng Hezbollah.

Một nội dung thảo luận khác là các sáng kiến mới nhằm đảm bảo việc nhóm vũ trang Hamas thả các con tin ngay lập tức.

Đại diện của Mỹ tại các cuộc gặp trên là đặc phái viên Amos Hochstein và đặc phái viên về Trung Đông Brett McGurk.

Hai ông này đã lần lượt gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer và một số quan chức cấp cao khác của Israel.

Các cuộc gặp tập trung vào nỗ lực bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon, theo đó cho phép người dân ở cả hai bên của Đường Xanh trở về nhà an toàn. Đường Xanh là đường biên giới tạm thời được Liên Hiệp Quốc xác định vào năm 2000 để đánh dấu ranh giới giữa Lebanon và Israel sau khi Israel rút quân khỏi miền Nam Lebanon.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết nội dung được nhà lãnh đạo này quan tâm là khả năng Israel thực thi thỏa thuận và ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với an ninh từ Lebanon.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 31-10 tiết lộ Israel và Lebanon đang tiến tới thỏa thuận về những gì cần thiết để thực hiện Nghị quyết 1701 của Liên Hiệp Quốc, nhằm dẫn đến kết thúc bền vững cuộc xung đột.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1701 vào năm 2006 với mục tiêu duy trì hòa bình ở biên giới Lebanon - Israel. Tuy nhiên, các điều khoản về giải giáp Hezbollah và ngăn chặn nhóm này hiện diện gần biên giới Israel đã bị phớt lờ.

 

Nguồn: Vnexpress; CafeF; VOA; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang