‘Hạt ngọc’ đắt nhất thế giới; Kéo lên chợ mạng mua bán vàng; Đất nền phân lô phía Nam nhích giá; Cuộc chơi mới thị trường BĐS

CUA QUÝ TỘC TỤT GIÁ, “HẠT NGỌC” ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI

Cua lông - loại cua “quý tộc” Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam vài năm trước từng có giá vô cùng đắt đỏ, nay thậm chí rẻ hơn cua Cà Mau, mua rất dễ. Trong khi đó, giá gạo - “hạt ngọc” của Việt Nam - ổn định và đang đắt đỏ nhất thế giới.

Giá cau cao kỷ lục

Không chỉ giá cà phê mà giá cau hiện nay cũng khiến nông dân “dậy sóng” vì tăng cao kỷ lục. Giá cau đang dao động ở mức 80.000-85.000 đồng/kg.

Người dân trồng cau trúng cực lớn, khi mức giá này duy trì liên tục gần nửa năm qua. Một tấn cau hiện đổi được một lượng vàng.

Theo các thương lái trực tiếp đi hái cau, giá tăng và giữ ở mức cao nhiều tháng qua bởi Trung Quốc thu mua rất mạnh. Cau hái đến đâu được mua đến đó. Nhiều chủ "lò" mua và sơ chế cau cũng nói năm nay Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm mua, nên giá tăng liên tục.

Giá cau đạt kỷ lục và duy trì trong nhiều tháng. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương không khuyến khích người dân tăng diện tích trồng ồ ạt. (Xem chi tiết)

Vượt xa loạt đối thủ cạnh tranh, ‘hạt ngọc’ Việt Nam có giá đắt đỏ nhất thế giới

Giá gạo của hàng loạt đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ… lao dốc mạnh, còn “hạt ngọc” của Việt Nam ổn định và đang đắt đỏ nhất thế giới.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 10/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 538 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 40 USD/tấn, hơn hàng Pakistan và Ấn Độ lần lượt là 51 USD/tấn và 49 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7-7,5 triệu tấn trong niên vụ tới. Các mặt hàng gạo hữu cơ, gạo thơm… của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhờ sản phẩm đa dạng và chất lượng, giúp duy trì giá bán cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan. (Xem chi tiết)

Cua ‘quý tộc’ Trung Quốc thành hàng bình dân ở chợ Việt, mua dễ như rau

Chỉ vài năm sau khi xuất hiện ở thị trường Việt, cua lông - loại cua “quý tộc” Trung Quốc có giá vô cùng đắt đỏ. Nếu quy ra cân, cua lông bán tại thị trường Việt cách đây 7 năm có giá lên tới gần 4 triệu đồng/kg, mức giá thuộc top đắt nhất trong các loại cua trên thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cua lông tràn sang chợ Việt, trở thành hàng bình dân, mua dễ như rau. Giá cua lông “quý tộc” cũng ngày càng rẻ, hiện chỉ ngang với cua biển Cà Mau, thậm chí còn rẻ hơn.

Tại các cửa hàng, chợ online, cua “quý tộc” đang được rao bán la liệt. Theo đó, giá cua đực dao động từ 350.000-410.000 đồng/kg, cua cái phổ biến ở ngưỡng 450.000-590.000 đồng/kg. (Xem chi tiết)

'Nổ' đơn hoa chục triệu đồng trước dịp 20/10

Nhiều cửa hàng hoa tại TPHCM đã sớm nhận đơn hàng cho dịp lễ 20/10, trong đó có những đơn với giá trị lên tới hàng chục triệu đồng.

Theo chia sẻ của các đơn vị trên Tạp chí Tri Thức - Znews, giá hoa dịp 20/10 năm nay không biến động nhiều so với năm ngoái. Các loại hoa ngoại nhập thường có giá nhỉnh hơn so với các loại hoa trong nước bởi chi phí vận chuyển cao, kèm theo đó là các chi phí khác để bảo quản hoa luôn trong tình trạng tốt nhất.

Bù lại, khách hàng có nhiều lựa chọn về mẫu mã. Các loại hoa ngoại nhập được ưa chuộng là mẫu đơn, tulip, hoa hồng Ecuador, diên vỹ...

Giá vé tháng xe buýt tại Hà Nội tăng

UBND TP Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/11 tới đây.

Cụ thể, giá vé xe buýt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng/lượt.

Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng/lượt; từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng/lượt.

Giá vé tháng cũng được điều chỉnh: Nhóm đối tượng ưu tiên gồm học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).

 

 

LÀN SÓNG KÉO NHAU LÊN CHỢ MẠNG MUA BÁN VÀNG

Vàng miếng SJC và vàng nhẫn khan hiếm ở kênh chính thống khiến nhu cầu trao đổi, mua bán vàng trên thị trường tự do, "chợ mạng" nóng từng ngày. Theo đó, thị trường cũng xuất hiện 2 giá vàng khác nhau.

Nhộn nhịp " chợ mạng "

Vài tháng lại đây, nhiều người có nhu cầu về vàng nhẫn, vàng miếng SJC gặp khó khăn khi đi mua. Bởi, nhóm ngân hàng quốc doanh bán vàng “nhỏ giọt”, trong khi hầu hết doanh nghiệp thông báo không có cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn.

Trái ngược với tình trạng này, trên thị trường tự do, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng nhẫn lại diễn ra tấp nập với mức giá chênh từ 1-1,5 triệu đồng/lượng, tùy loại và tùy thời điểm.

Ngoài ra, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn việc bán vàng miếng SJC vào nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, tình trạng mua bán suất mua vàng trên các hội nhóm trực tuyến bắt đầu nở rộ.

Trên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy những hội nhóm như: “Mua bán, giao dịch vàng miếng SJC”; “Trao đổi giao lưu vàng 999”; “Hội giao lưu vàng 9999, BTM”…. Không chỉ có các hội nhóm còn nhiều nhóm chát Zalo, massenge… nhắm mục đích mua bán vàng miếng cho đến vàng nhẫn.

Các thông tin sôi động hằng ngày và đều có kết quả mua bán ngay lập tức. Theo đó, các thành viên đều đăng số lượng, giá bán, khu vực và ai cần thông tin mua bán liên hệ. Khi đã chốt được giá, các bên sẽ có nhiều hình thức để giao vàng và chuyển tiền.

Trong vai một người có nhu cầu bán 1 lượng vàng SJC , phóng viên đăng bài lên nhóm các hội, lập tức rất nhiều người nhắn tin hỏi mua lại với giá cao hơn giá niêm yết mua vào của SJC vài trăm nghìn. Còn trong vai người có nhu cầu mua vàng, phóng viên nhanh cũng nhanh chóng nhận được lời chào và hứa hẹn mua bao nhiêu cũng có, không cần thông qua các cửa hàng chính thức.

Sáng nay (14/10), giá vàng miếng SJC sau khi mở cửa lúc 9h, các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Doji, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng nửa triệu đồng/lượng vàng miếng SJC lên mức 83 - 85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Việc các nhà vàng điều chỉnh tăng, lập tức thị trường “chợ mạng” cũng điều chỉnh tăng giá bán ra vàng miếng SJC lên 85,5 - 86 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với giá bán kênh chính thống, giá bán “chợ mạng” bị đẩy lên từ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.

Không chỉ mua bán vàng miếng SJC, nhiều thành viên còn nhận đặt mua online từ 4 ngân hàng quốc doanh. Theo đó, với khách có nhu cầu gửi thông tin, các đối tượng nhập đăng ký, khi nào mua xong và nhận vàng chuyển khoản cho các đối tượng đặt mua hộ 150.000 đồng/lượng.

Với vàng nhẫn, giá bán cũng tăng theo lên mức 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Nhiều rủi ro

Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết, người dân mua bán theo hình thức này sẽ gặp khá nhiều rủi ro, có nguy cơ mua phải vàng giả, vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Lý do, mỗi miếng vàng bán ra thị trường hiện nay đều được quản lý bởi số seri, giống như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó.

“Các ngân hàng hiện bán vàng ra đều phải lưu trữ số căn cước công dân và đều xuất hóa đơn điện tử. Trên hóa đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống. Nghĩa là, sau này khi truy xuất nguồn gốc sẽ xác định được miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai. Do vậy, người dân mua vàng trôi nổi bên ngoài cần hết sức chú ý nếu phải chứng minh nguồn gốc của vàng”, đại diện ngân hàng này nói.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân mua vàng đúng quy định. Theo đó, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như: SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải, Đá quý Ngọc Thẩm, Vàng bạc Phúc Thành, Đá quý Phương Nam...

Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ , kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; hóa đơn chứng từ; tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá...

Ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam - cho rằng, tình trạng người dân khó mua vàng nhẫn trơn là có thật vì nguồn cung hiện khan hiếm, dẫn tới việc nhiều người lên các diễn đàn, hội nhóm để hỏi mua, giao dịch trực tiếp với nhau. "Điều này sẽ phát sinh rủi ro cho cả người mua và người bán. Nếu sản phẩm kém chất lượng thì ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát?", ông Hùng nói.

Ô ng Hùng khuyến nghị người dân mua bán vàng ở cửa hàng được cấp phép để được bảo đảm về chất lượng, có thể lấy hóa đơn.

 

 

ĐẤT NỀN PHÂN LÔ PHÍA NAM TĂNG GIÁ NHẸ

Các lô đất bán ra thời điểm này đã tăng nhẹ từ 5-10% so với thời điểm đầu năm 2024. Sức cầu chủ yếu vẫn ở các nền đất giá tốt được rao bán trước đó.

Chia sẻ mới đây, một môi giới đất nền Tp.HCM cho biết, sau thời điểm các hồ sơ đất đai được giải quyết về thuế, thị trường đất nền phía Nam có dấu hiệu tăng cầu. Một số khu vực tại Tp.HCM và tỉnh lân cận ghi nhận lượt khách đi xem tăng lên. Các giao dịch và giá bán nhích nhẹ.

Tại quận 9 cũ (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), các lô đất phân lô chào bán từ đầu quý 4/2024 đã tăng giá nhẹ từ 5-7% so với thời điểm đầu năm 2024. Trong khi khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè thị trường đất nền vẫn khá im ắng. Giá đi ngang, thậm chí một số lô rao bán giảm trên dưới 20% từ giữa năm 2023 vẫn chưa có khách mua.

Tại thị trường đất nền tỉnh ghi nhận cho thấy, chỉ một số khu vực có tín hiệu tăng cầu nhờ thông tin hạ tầng và quy hoạch. Việc săn đất của nhà đầu tư diễn ra cục bộ. Các lô đất giá mềm dưới 2 tỉ đồng/nền được tìm kiếm nhiều, trong khi trên mức giá này giao dịch chậm.

Theo báo cáo quý 3/2024 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), đất nền dưới 2 tỷ đồng/nền, đã có sổ, tại các khu vực có hạ tầng phát triển, có dự án triển khai ghi nhận mức giá tăng từ 3-5%.

Theo đơn vị này, giao dịch tiếp tục được cải thiện, vẫn phát sinh chủ yếu ở các nền đất có giá trị dưới 2 tỉ đồng, đã có sổ. Nhu cầu về bất động sản, bao gồm cả nhu cầu nhà ở và nhu cầu đầu tư tiếp tục cải thiện và có xu hướng dịch chuyển sang khu vực vùng ven, các tỉnh/thành xung quanh 2 đô thị đặc biệt và thị trường thứ cấp với nhiều lựa chọn có mức giá hợp lý hơn.

Dữ liệu về thị trường đất nền của DKRA Group cũng chỉ ra, trong quý 3, nguồn cung sơ cấp tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung mới vẫn duy trì ở mức khan hiếm, chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng cung sơ cấp và tăng nhẹ 2% so với quý 3/2023.

Thanh khoản thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực, lượng tiêu thụ tăng khoảng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức thấp so với giai đoạn năm 2019 trở về trước. Giao dịch tập trung cục bộ ở nhóm sản phẩm hoàn thiện hạ tầng, pháp lý với mức giá trung bình dưới 50 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM và dưới 22 triệu đồng/m2 thuộc vùng phụ cận.

Thị trường đất nền thứ cấp ghi nhận tăng khoảng 3% so với quý trước, thanh khoản thị trường theo DKRA đang hồi phục tích cực tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn.

 

 

CUỘC CHƠI MỚI TRÊN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự điều chỉnh linh hoạt từ các chủ đầu tư khi nỗ lực hoàn tất việc tái cấu trúc, khẩn trương hoàn thiện pháp lý các dự án, tích cực triển khai khởi động các dự án mới, đa dạng hóa hoạt động M&A, mở rộng thị trường...

Chỉ Hà Nội tăng trưởng

Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường bất động sản quý III năm 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản ghi nhận nguồn cung sụt giảm do các chủ đầu tư hạn chế ra hàng thời gian tháng Ngâu. Ngoài ra, việc điều chỉnh các điều kiện nhằm đáp ứng quy định theo các bộ luật mới cũng có tác động đến kế hoạch ra hàng của các chủ đầu tư.

Theo đó, tổng nguồn cung sơ cấp giảm 17% so với quý trước. Chỉ có thị trường căn hộ tại Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng 13% trong quý III/2024, đạt khoảng 10.580 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ cũng tăng mạnh, đạt trung bình 50 - 55%. Căn hộ hạng B và A+ ghi nhận mức tăng giá cao nhất, lên tới 20 - 35% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, TPHCM và các tỉnh lân cận có xu hướng ngược lại, khi nguồn cung mới giảm 25% so với quý trước, đạt khoảng 3.540 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 30 - 35%. Tại TPHCM, căn hộ hạng A có mức tăng giá mạnh nhất, đạt 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) nhận định: “Với đà tăng trưởng tích cực của thị trường, dự báo đã đến lúc các nhà đầu tư và người mua nhà cân nhắc cơ hội đầu tư vào thị trường căn hộ Hà Nội và TPHCM cũng như các đô thị vệ tinh”.

Ông Tiến cũng cho rằng, các bộ luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đã tạo ra bối cảnh, cuộc chơi và thị trường cùng những kỳ vọng mới. Các bên đều đã có những nhịp điều chỉnh và tham gia thị trường với tâm thế mới, hành động mới.

Điều này giúp thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi của thị trường bất động sản đang ngày càng gia tăng. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng ghi nhận 3.446 công ty, minh chứng cho sự hấp dẫn và tiềm năng phát triển của thị trường.

Quy mô vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp thành lập mới đã tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy các doanh nghiệp thành lập mới có sự đầu tư tài chính nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản, khẳng định sự lạc quan vào tương lai của thị trường.

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản, số lao động trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự bên cạnh việc gia tăng nguồn vốn.

“Các chỉ số tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn và nhân sự trong 9 tháng đầu năm nay đều cho thấy thị trường bất động sản đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào thị trường bất động sản đang dần được khôi phục, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định hơn trong thời gian tới”, ông Tiến nói.

Khởi động cuộc chơi mới

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản đang chứng kiến sự điều chỉnh linh hoạt từ phía các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư nỗ lực hoàn tất việc tái cấu trúc, khẩn trương hoàn thiện pháp lý các dự án, tích cực triển khai khởi động các dự án mới, đa dạng hóa hoạt động M&A, mở rộng thị trường, chuẩn bị nguồn lực tài chính và tập trung hoàn thiện pháp lý dự án, sẵn sàng nguồn cung mới ra thị trường.

Ông Lưu Quang Tiến cho biết, đây là giai đoạn chạy đà cho nhịp kinh doanh mới diễn ra sôi động. Trong Quý III/2024, cả nước có 4 dự án khởi công, 22 dự án kick-off và 18 sự kiện mở bán, đánh dấu một giai đoạn ấm áp hơn của thị trường bất động sản.

“Sau khi hoàn tất tái cấu trúc, các chủ đầu tư đã tích cực triển khai những dự án mới nhằm tận dụng nhịp thị trường đang có dấu hiệu cải thiện. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện kinh doanh để phù hợp với các luật mới song song với việc đẩy nhanh công tác hoàn thiện pháp lý cho các quỹ đất đang có sẵn”, ông Tiến cho hay.

Hiện tại, các chủ đầu tư tranh thủ tận dụng các nguồn lực, hợp tác cùng nhau để săn các quỹ đất lớn trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực, có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển dự án. Sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là các quỹ, các chủ đầu tư nước ngoài góp phần làm cho thị trường M&A ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.

Tương tự, ông Võ Hồng Thắng - Phó tổng Giám đốc DKRA Group cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã có sự hồi phục nhất định. Trong quý III/2024, 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, với căn hộ tại TPHCM có giá dưới 60 triệu đồng/m2. Thị trường căn hộ thứ cấp cũng sôi động với các dự án chung cư đã bàn giao, giá giao dịch tăng từ 5 - 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thắng, trong thời gian tới, với điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn (chỉ 6 - 6,5%/năm), thị trường có kỳ vọng phục hồi tốt hơn. Thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục đà hồi phục từ cuối năm 2023, đặc biệt là ở phân khúc căn hộ và nhà ở vừa túi tiền. Đất nền tại các khu vực có đầy đủ tiện ích, pháp lý rõ ràng và đất thổ cư vẫn sẽ là điểm sáng, thúc đẩy nguồn cung tăng trong quý III.

Tuy nhiên, để chuyển sang một chu kỳ phát triển tích cực hơn, tâm lý nhà đầu tư là yếu tố then chốt. Dự báo giữa cuối năm 2025, TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới với kỳ vọng tăng trưởng bền vững và sôi động hơn.

 

Nguồn: Vietnamnet; Soha; CafeF; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang