‘Bóng ma’ giảm phát ở TQ; Nga vững vàng trước lệnh trừng phạt; Nội các Nhật từ chức; Dưới bóng nước Nga; Ukraine tấn công Moscow

BÓNG MA GIẢM PHÁT TẠI TRUNG QUỐC

Các con số èo uột về lạm phát cho thấy Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thúc đẩy được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự đeo bám của “bóng ma” giảm phát...

Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng yếu ớt trong tháng 10, trong khi giá hàng hóa tại cổng nhà máy vẫn giảm. Những số liệu thống kê mới nhất này cho thấy thách thức to lớn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trong cuộc chiến chống giảm phát dù đã có nhiều nỗ lực kích thích kinh tế trong thời gian gần đây.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 0,4% ghi nhận trong tháng 9 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,9% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Mức giảm của PPI tháng 10 là sâu hơn mức giảm 2,8% ghi nhận trong tháng 9 và mức dự báo giảm 2,6% của giới phân tích.

Áp lực lạm phát dai dẳng

Các số liệu lạm phát nói trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc có một số dấu hiệu của sự ổn định, sau khi các nhà hoạch định chính sách nước này vào cuối tháng 9 tung ra một gói kích thích lớn bằng chính sách tiền tệ. Gói kích thích kinh tế này được xem là một bước ngoặt quan trọng, bởi trong suốt nhiều tháng trước đó, Bắc Kinh chỉ triển khai các biện pháp hết sức dè dặt và hầu như không mang lại tác dụng đáng kể nào.

Tuy nhiên, các con số èo uột về lạm phát cho thấy Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thúc đẩy được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự đeo bám của “bóng ma” giảm phát.

“Áp lực giảm phát ở Trung Quốc đang dai dẳng một cách rõ rệt”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định với Wall Street Journal.

Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP deflator) - một thước đo rộng về giá cả trong toàn bộ nền kinh tế - của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp. Xu hướng giảm kéo dài này khiến giới phân tích lo ngại rằng Trung Quốc đang đi vào “vết xe đổ” của Nhật Bản hồi thập niên 1990. Đó là khoảng thời gian mà đất nước mặt trời mọc thiếu các biện pháp vực dậy nền kinh tế sau khi xảy ra tình trạng vỡ bong bóng tài sản, và điều đó đã dẫn tới một thời kỳ kinh tế trị trệ kéo dài.

Báo cáo thống kê công bố ngày thứ Bảy của Trung Quốc cũng cho thấy CPI lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm hàng hóa thường xuyên biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 9. Giá của tất cả các hàng hóa và dịch vụ không bao gồm nhóm thực phẩm giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 0,2% của tháng 9. So với cùng kỳ 2023, giá thực phẩm tháng 10 tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3,3% của tháng 9.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn chung hoan nghênh các nỗ lực kích thích kinh tế gần đây của Trung Quốc, gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và giãn bớt kiểm soát thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phần đông các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa để lấp đầy khoảng trống chi tiêu mà người tiêu dùng và doanh nghiệp để lại.

Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh dường như đang áp dụng chiến lược giảm rủi ro thay vì kích thích tăng trưởng, vì việc ông Donald Trump sắp trở lại lãnh đạo Nhà Trắng đang đặt ra nguy cơ tăng thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nếu được triển khai, kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Trung Quốc - trụ cột tăng trưởng quan trọng của nước này.

Hôm thứ Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn một chương trình trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, để tái cấp vốn cho các khoản nợ của chính quyền các địa phương trong 5 năm tới. Một số nhà kinh tế nhận định rằng chương trình đảo nợ này không nên được coi là một gói kích thích kinh tế vì không làm nợ chính phủ tăng thêm.

Việc Quốc hội Trung Quốc không đưa ra một gói kích thích kinh tế thực sự bằng chính sách tài khóa đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Trước đó, thị trường tài chính đã kỳ vọng chương trình mà Bắc Kinh đưa ra sẽ bao gồm phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt để tăng mức vốn cho các ngân hàng thương mại trong nước và hỗ trợ ngành bất động sản. Phát biểu hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an nói rằng sắp tới sẽ có biện pháp hỗ trợ trong các lĩnh vực đó, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Kích thích kinh tế chưa đủ mạnh?

“Thị trường vẫn đang hết sức ngóng chờ chi tiết của các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa mà Trung Quốc có thể đưa ra”, ông Zhang nhận định, cho rằng không chỉ quy mô mà thành phần trong một gói kích thích như vậy cũng quan trọng. “Kích thích kinh tế nhằm vào nhu cầu sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, và tránh làm gia tăng thêm tình trạng dư thừa công suất”, ông Zhang nói.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Barclays cho rằng Bắc Kinh vẫn còn thời gian để theo dõi những ý định chính sách mới của Mỹ thời chính quyền Trump 2.0 và đánh giá tác động tiềm tàng của những chính sách đó đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trước khi đưa ra chính sách để phản ứng.

“Chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc để chính quyền địa phương thay vì chính quyền trung ương chịu trách nhiệm giải quyết các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương là một lựa chọn phản ánh mối lo ngại lâu nay của Chính phủ nước này về rủi ro đạo đức và kỷ luật tài khóa”, một báo cáo hôm thứ Sáu của Barclays nhận định.

Báo cáo cho rằng việc Quốc hội Trung Quốc đưa ra một gói chính sách tài khóa dè dặt là dấu hiệu cho thấy mong muốn “bảo toàn dư địa chính sách để ứng phó trong một môi trường bên ngoài nhiều thách thức hơn so với thời chính quyền Trump trước đây”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng có một cách lý giải khác cho việc Bắc Kinh không muốn tung ra các biện pháp kích thích táo bạo hơn. Đó là việc giới chức có thể đang ngày càng lạc quan hơn về các dấu hiệu ổn định của nền kinh tế sau những động thái chính sách đã có.

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định nước này sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức khoảng 5% trong năm nay. Ông nói thêm rằng nền kinh tế “vẫn đang có những yếu tố cơ bản mạnh mẽ” sau khi có sự phản hồi tích cực với các biện pháp kích thích bằng chính sách tiền tệ mà Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng 9.

Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy trong tháng 10, các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc đã lần đầu tiên trong năm nay ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước về doanh số bán nhà mới. Cùng với đó, các chỉ số chính thức và tư nhân về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều cho thấy sự tăng trưởng.

Nhưng nhà kinh tế học về Trung Quốc Allan von Mehren tại ngân hàng Danske cho rằng quy mô hạn chế của gói kích thích mà Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu đồng nghĩa vẫn có khả năng nước này hành động không đủ mạnh để đảo ngược cuộc khủng hoảng bất động sản. “Nhu cầu mua nhà có một vài dấu hiệu khởi sắc, nhưng người mua vẫn chưa sẵn sàng ra quyết định”, ông von Mehren nói.

Với việc Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa và tiền tệ, giới chuyên gia dự báo nhu cầu ở nước này sẽ khởi sắc và lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng lên trong mấy năm tới, nhưng có thể chỉ tăng nhẹ và không đủ để đưa tốc độ lạm phát lên gần mức mục tiêu chính thức khoảng 3%.

 

 

NGA VỮNG VÀNG TRƯỚC HÀNG CHỤC NGHÌN LỆNH TRỪNG PHẠT

Nga mới đây đã hạ thuỷ một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân với tên gọi Chukotka. Đây là tàu mới nhất gia nhập đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này.

Chukotka nằm trong loạt dự án Project 22220 của Nga, dự kiến sẽ có tuổi thọ 40 năm và chịu được thời tiết khắc nghiệt của Bắc Cực. Tàu này có thể đi qua các tảng băng dày tới 2,8 mét.

Tàu Chukotka dài 173 mét, rộng 34 mét và có chiều cao từ mặt nước đến cột buồm chính là 57 mét. Chiều cao của mạn tàu là 15,2 mét và có tốc độ 22 hải lý trên vùng nước trong. Tàu phá băng này sẽ được cung cấp năng lượng bởi hai lò phản ứng RITM-200, mỗi lò có công suất nhiệt là 175 MW.

Nga cũng cho biết đây là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Với sức chứa thủy thủ đoàn là 54 người, tàu có lượng chiếm nước (trọng lượng của toàn bộ con tàu bao gồm bản thân nó cùng với trang thiết bị, thuyền viên, hàng hoá, dự trữ và nước dằn có trên tàu) là 33,5 nghìn tấn.

Việc vận hành tàu Chukotka là nhằm mục đích thúc đẩy lưu lượng hàng hoá tren Tuyến đường biển phía Bắc. Lễ hạ thuỷ đã được Tổng thống Putin giám sát từ xa, ông cho biết việc mở rộng đội tàu phá băng của Nga là chìa khoá để phát triển các khu vực của Bắc Cực.

Ông Putin cho hay: “Tôi muốn nhắc lại rằng các kế hoạch phát triển các vùng Bắc Cực và tăng lưu lượng hàng hoá dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc của Nga phụ thuộc vào việc mở rộng đội tàu phá băng.”

Tổng thống Nga phát biểu: “Chúng tôi có những kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực này và còn rất nhiều việc phải làm. Trong bối cảnh này, tôi đề xuất tổ chức một cuộc họp đặc biệt về chủ đề này, chuẩn bị kỹ lưỡng và thảo luận một cách toàn diện với mọi khía cạnh của quá trình phát triển Tuyến đường biển phía Bắc, từ đó tìm ra các giải pháp thực tế cụ thể.”

3 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới - Arktika, Sibir và Ural, đã được hạ thuỷ từ Xưởng đóng tàu Baltic và hiện đang hoạt động trên vùng biển của Tuyến đường biển phía Bắc.

Tàu phá băng Chukotka đã gia nhập đội tàu này. Trong những tuần tới, Nga có kế hoạch bàn giao một tàu phá băng khác là Yakutia, hiện đã được hoàn thiện hơn 95%.

Ông Putin đã nhấn mạnh rằng, Nga cần cân nhắc các phương án để tạo ra mô hình định giá hiệu quả hơn cho hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng tàu phá băng, cho phép nhiều hãng vận tải và đơn vị giao nhận có thể chi trả cho các dịch vụ này. Các công ty của Nga và nước ngoài đều đang dành sự quan tâm đến tuyến đường này.

Nga cũng cho biết, vào năm tới, theo thoả thuận, tàu phá băng Stalingrad cùng loại cũng sẽ được hạ thuỷ. Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo Leader - mạnh nhất từ trước đến nay, đang được đóng tại xưởng đóng tàu Zvezda ở Viễn Đông.

Nga cũng khẳng định rằng, để tận dụng đối đa tuyến đường biển chính của mình, quốc gia này cần một đội tàu chở hàng hạng nặng, bao gồm tàu chở khí đốt, tàu chở hàng rời, tàu container, tàu chở hàng khô, tàu chở dầu và LNG. Moscow tiết lộ rằng xưởng đóng tàu Zvezda của họ đang tham gia đóng những con tàu này.

Hiện tại, đơn đặt hàng tàu có trọng tải lớn bao gồm 26 tàu. Theo Điện Kremlin, kế hoạch dài hạn Zvezda cho đến năm 2037 sẽ bao gồm 92 tàu chở hàng có thể chịu được băng nhằm đáp ứng nhu cầu của Tuyến đường biển phía Bắc.

 

 

NỘI CÁCH NHẬT TỪ CHỨC, CHUẨN BỊ LẬP CHÍNH PHỦ MỚI

Phiên họp Quốc hội bất thường của Nhật Bản nhằm đề cử một thủ tướng mới chuẩn bị diễn ra trong chiều 11/11. Ngay sáng nay, chính phủ của ông Ishiba Shigeru đã tổ chức một cuộc họp lần cuối, sau đó đồng loạt từ chức.

Vào lúc 8h20 sáng 11/11 (theo giờ địa phương), Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp Nội các bất thường và ngay sau đó, Nội các do ông Ishiba Shigeru lãnh đạo đã đồng loạt từ chức.

Trong chiều nay, một phiên họp Quốc hội đặc biệt lần thứ 215 sẽ được triệu tập nhằm đề cử một thủ tướng mới của Nhật Bản. Với việc liên minh đảng cầm quyền Dân chủ Tự do và Công Minh chiếm ít số ghế hơn tại Hạ viện, Thủ tướng Ishiba Shigeru - người mới nhậm chức kể từ ngày 1/10 vừa qua, được dự báo sẽ gặp khó khăn trong cuộc bỏ phiếu để đề cử một thủ tướng mới cùng với ông Yoshihiko Noda - Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến đối lập lớn nhất. Do liên minh đảng cầm quyền chiếm ít số ghế hơn tại Hạ viện, cuộc bỏ phiếu đầu tiên giữa hai ứng cử viên này được cho là sẽ bất phân thắng bại và sẽ có cuộc bỏ phiếu vòng hai. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc bỏ phiếu vòng hai đầu tiên sau 30 năm diễn ra tại Hạ viện.

Giới phân tích cho rằng, do các đảng đối lập không thống nhất được số phiếu bầu, nên khả năng rất lớn Thủ tướng Ishiba Shigeru sẽ tái đắc cử. Theo kế hoạch, sau khi được bầu lại, ông Ishiba sẽ ngay lập tức thành lập một Nội các mới. Đây cũng là nội các thứ hai của ông Ishiba được thành lập chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi lên cầm quyền vào ngày 1/10 vừa qua. Theo dự kiến, ông Ishiba sẽ bổ nhiệm ông Keisuke Suzuki làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Taku Eto giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản để thay thế các thành viên nội các cũ đã thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện. Trong khi đó, ông Hiromasa Nakano - Đại diện của đảng Công Minh, sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản để thay thế ông Saito Tetsuo. Các vị trí khác trong Nội các dự kiến sẽ được ông Ishiba Shigeru bổ nhiệm lại.

Sau khi hoàn tất việc thành lập nội các, nội các này sẽ được ra mắt ngay trong tối nay, đồng thời ông Ishiba dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo để giải thích các chính sách trọng tâm của Nhật Bản trong thời gian tới.

 

 

DƯỚI BÓNG NƯỚC NGA: BA NƯỚC BALTIC CHỜ TUYẾN ĐƯỜNG SẮT CHIẾN LƯỢC CHÂU ÂU

Nhiều năm về trước, ba quốc gia Baltic đã lên ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 870 km xuyên qua Estonia, Latvia và Lithuania.

Thoạt tiên là một dự án lớn, Rail Baltica hiện đã trở thành một ưu tiên chiến lược: từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, ba quốc gia Baltic ngày càng coi quốc gia Nga láng giềng là một mối đe dọa hiện hữu.

Hiện không có liên kết trực tiếp nào xuyên qua ba nước Baltic và kết nối với Ba Lan.

Rail Baltica sẽ hiện thực hóa điều đó, giúp cắt giảm thời gian di chuyển và mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường, nhưng kế hoạch đầy tham vọng này cần khoản kinh phí khổng lồ.

Trong khi đó, ba nước Baltic và các đồng minh trong NATO của họ cần tuyến đường sắt này được hoàn thành sớm.

Ông Vladimir Svet, Bộ trưởng Hạ tầng Cơ sở Estonia, cho biết liên kết đường sắt này rất quan trọng trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.

“Lịch sử đang lặp lại,” ông nói.

“Cái chế độ hung hăng của Putin đang tìm cách tái tạo một mưu đồ đế quốc trên lãnh thổ của Liên Xô cũ.”

Ký ức về hàng thập kỷ bị Liên Xô chiếm đóng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân ba nước Baltic.

Moscow đã đày hằng trăm ngàn người trong khu vực tới Siberia.

Estonia và Latvia có chung đường biên trên bộ với Nga, trong khi Lithuania tiếp giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, và Belarus, một đồng minh thân thiết của Nga. Kaliningrad cũng chia sẻ đường biên giới với Ba Lan.

Khoảng 10.000 binh lính NATO đang đóng quân tại các nước Baltics cùng với quân đội địa phương. Trong trường hợp xấu nhất, tổng số binh lính có thể lên tới 200.000 người.

“Rail Baltica sẽ giúp tăng cường khả năng cơ động của quân đội và giúp các chuyến tàu di chuyển thẳng từ Hà Lan tới Tallinn (thủ đô của Estonia),” Chỉ huy Peter Nielsen thuộc Đơn vị Tích hợp Lực lượng của NATO cho biết.

Đối với Bộ trưởng Vladimir Svet, tuyến đường sắt này là “mối liên kết không thể bị phá vỡ với mạng lưới của châu Âu”.

Cách thủ đô Tallinn không xa, tại một đầu của tuyến đường sắt, hàng chục công nhân đang xây dựng ga hành khách Ülemiste, người thì hàn, người thì gõ búa.

“Đây sẽ là điểm cực bắc của mạng lưới, điểm bắt đầu của 215 km đường ray ở Estonia và 870 km qua ba quốc gia Baltic,” ông Anvar Salomets, Giám đốc điều hành của Rail Baltica Estonia, nói trong khi thận trọng bước qua khu vực sân ga chưa hoàn thiện.

Cho tới hiện tại, ba nước Baltics đang sử dụng khổ đường ray giống của Nga vì hệ thống đường sắt ở đây được xây dựng từ thời Liên Xô.

Hành khách sẽ phải đổi tàu để đi vào hệ thống đường sắt châu Âu khi tới biên giới Ba Lan.

Hệ thống đường sắt mới sẽ sử dụng khổ đường ray của châu Âu, giúp kết nối liền mạch với các tuyến đường sắt ở khắp châu Âu.

“Tàu sẽ chạy với tốc độ lên tới 250 km/giờ, so với tốc độ 80 hoặc 120 km/giờ hiện tại,” ông Salomets nói thêm.

Điều này đồng nghĩa với việc thời gian di chuyển từ Tallinn tới thủ đô Vilnius của Lithuania sẽ giảm đáng kể, từ ít nhất 12 tiếng như hiện nay xuống còn chưa tới 4 tiếng.

“Đó sẽ là một bước đột phá, giúp giảm tác hại tới môi trường của cả ngành giao thông vận tải của chúng tôi,” ông Salomets nói, dự báo về những lợi ích kinh tế to lớn.

Những phân tích gần đây ước tính liên danh Rail Baltica sẽ mang lại tổng mức tăng trưởng kinh tế là 6,6 tỷ euro.

"Đa số các nghiên cứu về các hệ thống đường sắt cao tốc hiện hữu đều cho thấy tác động kinh tế tích cực," ông Adam Cohen từ Đại học California tại Berkeley cho biết.

Nhưng những lợi ích đó sẽ không lập tức xuất hiện và ngày càng có nhiều lo ngại về chi phí tăng vọt.

Mức kinh phí ước tính của các nhà thầu xây dựng đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và hiện đang ở mức 24 tỷ euro.

Tính tới nay, Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ cho 85% dự án và vừa công bố thêm khoản tài trợ trị giá 1,1 tỷ euro.

Estonia và Latvia đã phải hứng chịu chỉ trích vì việc tập trung xây dựng các nhà ga trước khi xây dựng tuyến đường sắt chính.

Kỹ sư người Pháp Emilien Dang thuộc công ty RB Rail, đơn vị giám sát dự án Rail Baltica, cho rằng nguyên nhân khiến kinh phí tăng vọt là do các cuộc khủng hoảng toàn cầu:

“Dự toán ban đầu của chúng tôi không xét tới đại dịch Covid và lạm phát cao – và tình hình ở Ukraine đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng lên rất nhiều.”

Trong lúc đi bộ xuyên qua một nhà ga lớn mới xây ở thủ đô Riga của Latvia, ông cũng nêu các vấn đề về văn hóa.

“Góc nhìn từ nước Pháp, thật sai lầm, là các nước Baltic là một thể thống nhất. Nhưng đây là ba quốc gia khác nhau, với các quy định khác nhau.”

Các nước Baltic đã quyết định chia dự án thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, tốn khoảng 15 tỷ euro, sẽ xây dựng xong một tuyến đường ray đơn, thay vì hai tuyến cho hai chiều, vào năm 2030 và tập trung vào các ga tàu quan trọng nhất.

Tuyến đường ray thứ hai và các ga tàu bổ sung sẽ được xây dựng trong giai đoạn thứ hai và hiện chưa có ngày hoàn thành cụ thể.

Chi phí tăng vọt đã khiến các quốc gia phải thu hẹp một số tham vọng của họ.

"Chúng tôi có thể tiếp tục thu hẹp quy mô của giai đoạn một, ví dụ bằng cách dời việc kết nối với sân bay Riga sang giai đoạn sau," ông Andris Kulbergs, người đứng đầu một ủy ban thuộc Quốc hội Latvia có nhiệm vụ thẩm tra dự án, cho biết.

Khi mà hàng tỷ euro vốn cho giai đoạn đầu tiên vẫn chưa được đảm bảo, điều đó có thể là cần thiết.

Kiểm toán trưởng quốc gia Estonia Janar Holm tin rằng dự án có thể sẽ bị trì hoãn thêm vài năm nữa:

“Chúng tôi phải tìm được nguồn vốn để xây dựng tuyến đường sắt này ngay bây giờ nếu không chi phí sẽ còn trở nên đắt hơn nữa.”

Bộ trưởng Hạ tầng Cơ sở Vladimir Svet khẳng định "chúng tôi đang cắt giảm ngân sách một cách tối đa, chúng tôi đã tinh giản quá trình đấu thầu công và, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ vay vốn."

“Nếu chúng tôi muốn bảo tồn văn hóa và đảm bảo về nền tự do [của Estonia], không còn cách nào khác ngoài việc tham gia vào một cộng đồng quốc tế mạnh, một EU và NATO mạnh, ủng hộ luật pháp quốc tế,” ông nói thêm.

Rail Baltica sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch của ba quốc gia Baltic vốn đã tách ra khỏi Liên Xô để gia nhập EU và NATO – nếu mọi chuyện đi đúng hướng.

 

 

UKRAINE MỞ ĐỢT TẤN CÔNG MOSCOW

Ukraine hôm 10/11 đã sử dụng ít nhất 34 drone (máy bay không người lái) để tấn công Moscow. Đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào thủ đô Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào năm 2022, khiến các chuyến bay phải chuyển hướng khỏi ba sân bay chính của thành phố và làm bị thương ít nhất một người.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng phòng không của nước này đã phá hủy thêm 36 máy bay không người lái tại các khu vực khác ở phía Tây trong ba giờ hôm 10/11.

Cơ quan về vận tải hàng không liên bang của Nga cho biết, các sân bay Domodedovo, Sheremetyevo và Zhukovsky đã chuyển hướng ít nhất 36 chuyến bay, nhưng sau đó đã tiếp tục hoạt động. Có tin một người bị thương ở khu vực Moscow.

Với dân số ít nhất 21 triệu người, Moscow và khu vực xung quanh là một trong những khu vực đô thị lớn nhất ở Châu Âu, cùng với Istanbul.

Về phần mình, Nga đã triển khai con số kỷ lục 145 máy bay không người lái trong đêm, Ukraine cho biết. Kyiv cho biết rằng lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 62 trong số đó.

Ukraine cũng cho biết đã tấn công một kho vũ khí ở khu vực Bryansk của Nga, nơi báo cáo rằng 14 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trong khu vực.

Một video chưa được xác minh, được đăng trên các kênh Telegram của Nga, cho thấy máy bay không người lái vo ve trên bầu trời.

Cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine đang bước vào giai đoạn mà một số quan chức nói rằng có thể là hành động cuối cùng sau khi lực lượng của Moscow tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến và ông Donald Trump được bầu làm tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng Một, đã nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể mang lại hòa bình cho Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng đã đưa ra rất ít chi tiết về cách thức ông sẽ tiến hành để thực hiện điều này.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gọi điện chúc mừng ông Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Giám đốc điều hành Tesla và người ủng hộ ông Trump là Elon Musk, đã tham gia cuộc gọi, theo các tin tức truyền thông. Ông Musk sở hữu SpaceX, công ty cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh Starlink rất quan trọng cho nỗ lực phòng thủ của Ukraine.

Kyiv, vốn là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái liên tục của lực lượng Nga, đã tìm cách đáp trả nước hàng xóm lớn hơn rất nhiều ở phía đông của mình bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái liên tục vào các nhà máy lọc dầu, sân bay và thậm chí cả các trạm radar cảnh báo sớm chiến lược của Nga.

Cả hai bên đều đã biến máy bay không người lái thương mại giá rẻ thành vũ khí chết người trong khi tăng cường tự sản xuất drone.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã tìm cách cô lập Moscow khỏi sự khắc nghiệt của cuộc chiến, đã gọi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự như nhà máy điện hạt nhân là "khủng bố" và đã tuyên bố sẽ đáp trả.

 

Nguồn: VnEconomy; Soha; CafeF; BBC; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang